Dùng lại vắc-xin Quinvaxem
Nếu không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng với chất lượng vắc-xin thì Quinvaxem sẽ tiếp tục được tiêm cho trẻ.
Sau khi hàng loạt trẻ bị tai biến sau tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 của Hàn Quốc, Bộ Y tế đã ra quyết định "dừng tiêm Quinvaxem". Đồng thời, Bộ Y tế đã gửi mẫu vắc-xin sang 1 phòng xét nghiệm độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để kiểm tra về chất lượng vắc-xin Quinvaxem.
Có thể sử dụng trở lại
Cho tới thời điểm hiện nay, kết quả điều tra của các hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm của các tỉnh và Bộ Y tế cũng như đoàn chuyên gia của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy: Không có sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng với quy trình vận chuyển, bảo quản, dịch vụ tiêm chủng; chưa có dấu hiệu có liên quan đến chất lượng vắc-xin.
Sau khi có kết quả khẳng định chất lượng Quinvaxem và kết luận từ cuộc họp của Ủy ban Cố vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng của WHO qua phân tích các báo cáo phản ứng sau tiêm chủng của các nước trên thế giới có sử dụng vắc-xin Quinvaxem, Bộ Y tế mới có quyết định dùng lại Quinvaxem hay không. "Đến cuối tháng 6, nếu không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc-xin thì có thể sẽ sử dụng lại Quinvaxem" - GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định.
Cũng theo ông Hiển, Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng
6-2010 do Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF là vắc-xin
được WHO tiền kiểm định về chất lượng.
Vắc-xin này sau khi nhập khẩu Việt Nam lại được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và Sinh phẩm y tế của Bộ Y tế kiểm định lại và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 trên trẻ em Việt Nam, được Bộ Y tế cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam. "Theo WHO, vắc-xin này đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều, hiện không có bằng chứng nguyên nhân của các phản ứng sau tiêm chủng nặng này là do chất lượng vắc-xin" - ông Hiển dẫn chứng.
Chỉ thay đổi lịch tiêm
Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, tại Sri Lanka cũng từng tạm dừng sử
dụng vắc-xin Quinvaxem sau khi có 25 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm (có 5 ca tử vong) nhưng sau
đó họ cho sử dụng lại vắc-xin này sau khi không thấy có bằng chứng liên quan. Tuy nhiên, thay vì
các liều tiêm cách nhau 1 tháng, một số quốc gia đã giãn rộng thời gian tiêm mũi 2 và mũi 3 sau
khoảng 2 tháng.
Việc kéo dài khoảng cách giữa các mũi tiêm cho thấy các phản ứng sau tiêm vắc-xin cũng giảm hơn. Trường hợp nếu vắc-xin Quinvaxem "có vấn đề" phải sử dụng vắc-xin "3 trong 1" (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván) thì cũng cần cân nhắc thêm vì vắc-xin này cũng có thành phần ho gà là toàn tế bào giống như vắc-xin "5 trong 1" và độc tố ho gà dễ gây phản ứng cho cơ địa của trẻ.
Trấn an các bà mẹ về việc gián đoạn tiêm chủng trong một vài tháng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe và miễn dịch của trẻ, ông Hiển dẫn chứng: "Đối với các mũi tiêm bạch hầu, ho gà, uốn ván, nhiều nước có lịch tiêm là 2-4-6 tháng hay 3-5-12 tháng chứ không phải là 2-3-4 tháng như ở Việt Nam". Theo ông Hiển, hiện Bộ Y tế đang cố gắng không để thời gian tạm dừng này kéo dài mà không có vắc-xin thay thế. Do vậy, việc tiếp tục sử dụng vắc-xin sẽ được triển khai càng sớm càng tốt.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng có thể thay thế bằng các loại vắc-xin viêm gan B đơn liều và vắc-xin phối hợp ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc có thể nhập khẩu vắc-xin tương tự Quinvaxem có chất lượng tốt hơn để thay thế. Về lâu dài, sẽ lập đề án với lộ trình thích hợp trình Chính phủ thay thế bằng các vắc -xin khác thế hệ mới có ít phản ứng tại chỗ hơn.
Chưa có vắc-xin thay thế WHO cho biết ngoài trường hợp của Sri Lanka năm 2008, tại Bhutan đã ngừng sử dụng vắc-xin này sau 2 tháng đưa vào sử dụng trong tháng 7-2009 sau khi xảy ra 8 ca tử vong... Sau khi có 9 trẻ tử vong và nhiều trẻ tai biến nặng sau khi sử dụng vắc-xin Quinvaxem, ngày 4/5, Bộ Y tế đã quyết định ngừng sử dụng vắc-xin này. Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về phương án vắc-xin thay thế Quinvaxem. |
Theo Người lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình