Đột quỵ do tắc mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Đột quỵ do tắc mạch là một loại đột quỵ nhồi máu não, trong đó cục máu đông được hình thành ở những nơi khác hay mảng xơ vữa di chuyển theo dòng máu đến làm tắc các động mạch của não.
I. Đột quỵ do tắc mạch máu não là gì?
Đột quỵ do tắc mạch máu não xảy ra khi một cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể hay mảng xơ vữa di chuyển đến não theo dòng chảy của máu. Khi cục máu đông/mảng xơ vữa đi đến một động mạch quá nhỏ, nó sẽ mắc kẹt tại đó làm tắc mạch máu não. Đa số trường hợp được ghi nhận trong thực tế, vật gây tắc là cục máu đông, rất hiếm trường hợp là mảng xơ vữa, điều này vẫn chưa giải thích được.
Đột quỵ do tắc mạch máu não là một dạng đột quỵ nhồi máu não.
Đột quỵ nhồi máu não là do hẹp tắc động mạch cung cấp máu cho não, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến não, dẫn đến tổn thương hoặc chết các tế bào não. Nếu tuần hoàn không được phục hồi nhanh chóng, não có thể tổn thương vĩnh viễn.
II. Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ do tắc mạch máu não?
Các cục máu đông dẫn đến đột quỵ tắc mạch máu não có thể hình thành ở bất cứ đâu, trong đó, tim, cổ và ngực là những vị trí phổ biến nhất. Cục máu đông sẽ di chuyển theo mạch máu đến não. Khi đi vào một mạch máu quá nhỏ, cục máu đông sẽ bị kẹt tại chỗ và gây tắc nghẽn dòng chảy của máu lên não.
Nguyên nhân cũng có thể do nhịp tim bất thường, đặc biệt là bệnh rối loạn nhịp tim (rung nhĩ). Rung nhĩ dễ hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông này có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, hay gặp nhất là mạch não gây đột quỵ não.
Cục máu đông hình thành trong buồng tim, trôi theo hệ thống động mạch lên não, sau đó sẽ bị kẹt ở một nhánh động mạch nào đó và gây đột quỵ.
III. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ do tắc mạch máu não là gì?
Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được đối với đột quỵ nhồi máu não bao gồm:
- Huyết áp cao;
- Cholesterol cao;
- Hút thuốc lá;
- Béo phì;
- Lười tập thể dục.
Một số yếu tố rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác. Đàn ông có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn phụ nữ, mặc dù phụ nữ có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn.
Gia đình có tiền sử đột quỵ, hoặc những người trước đây đã từng bị thiếu máu não thoáng qua (TIA) cũng có nguy cơ lớn hơn.
Các yếu tố không thể kiểm soát khác bao gồm:
- Trên 40 tuổi;
- Mắc bệnh tự miễn;
- Bệnh tim;
- Cấu trúc tim bị khiếm khuyết.
IV. Các triệu chứng của đột quỵ do tắc mạch máu não?
Đột quỵ xảy ra đột ngột, thường không có dấu hiệu thông báo trước. Khi xảy ra, các triệu chứng xảy ra khác nhau tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng.
1. Các triệu chứng chung
- Khó nói hoặc khó hiểu người khác nói;
- Khó đi lại;
- Tê ở tay chân hoặc hai bên mặt;
- Yếu liệt tạm thời.
Đột quỵ do tắc mạch máu não không gây ra bất kỳ triệu chứng duy nhất nào. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người.
2. Các triệu chứng cơ
- Mất phối hợp động tác;
- Cơ cứng;
- Yếu một bên hoặc toàn bộ cơ thể;
- Liệt một bên cơ thể.
3. Các triệu chứng nhận thức
- Rối loạn tâm thần;
- Rơi vào ngủ lịm;
- Rối loạn hình ảnh thị giác.
4. Các triệu chứng khác
- Nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì;
- Nói lắp;
- Chóng mặt;
- Yếu mệt;
- Khó nuốt;
- Buồn nôn;
- Buồn ngủ.
Những triệu chứng này thường khởi phát đột ngột. Nếu nhận thấy rõ rệt của bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi ngay cho 115 hoặc các dịch vụ cấp cứu tại địa phương.
Người bị đột quỵ thường có tình trạng yếu liệt một bên cơ thể.
V. Nên làm gì nếu ai đó bị đột quỵ?
Có một từ viết tắt đơn giản để giúp xác định xem ai đó có đang bị đột quỵ hay không, đó là F.A.S.T:
- F (Face - mặt): Biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
- A (Arm - tay): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
- S (Speech - lời nói): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
- T (Time - thời gian): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
VI. Đột quỵ do tắc mạch máu não được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Đột quỵ do tắc mạch máu não là một tình trạng đe dọa tính mạng. Do đó, cần khôi phục dòng máu lên não càng nhanh càng tốt. Bác sĩ có thể điều trị bằng cách tiêm thuốc làm tan cục máu đông (thuốc tiêu sợi huyết) hoặc sử dụng một ống thông luồn từ động mạch ở đùi lên não để bơm thuốc trực tiếp, loại bỏ cục máu đông.
Các loại thuốc làm tan máu đông có thể được sử dụng trong vòng 4,5 giờ sau khi đột quỵ. Bên cạnh đó, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là một phương pháp bổ sung rất tốt cho những hạn chế của thuốc tiêu sợi huyết.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng một trong các xét nghiệm hình ảnh sau để xác minh và điều trị đột quỵ:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Siêu âm động mạch cảnh. Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các mạch máu ở cổ. Phương pháp này có thể giúp bác sĩ xác định xem có lưu lượng máu bất thường đến não của người bệnh hay không.
- Chụp mạch máu não bằng DSA: Được thực hiện bằng cách đưa một ống thông qua một vết rạch nhỏ luồn từ động mạch đùi đến các mạch máu cần khảo sát.
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để xác định vị trí của cục máu đông có thể đi từ tim đến não.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành xét nghiệm máu để giúp xác định:
- Máu của bệnh nhân đông như thế nào;
- Liệu các thành phần trong máu của người bệnh có bị mất cân bằng không;
- Mức đường huyết;
- Nếu bệnh nhân bị viêm nhiễm...
VII. Điều gì liên quan đến việc phục hồi sau đột quỵ do tắc mạch máu não?
Sau khi xảy ra đột quỵ, các phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào vùng não có liên quan và mức độ tổn thương.
Có thể người bệnh cần được chăm sóc ngoại trú liên tục, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và theo dõi chặt chẽ trong một thời gian sau khi bị đột quỵ.
VIII. Đột quỵ do tắc mạch máu não gây biến chứng gì?
Đột quỵ có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh. Việc bệnh nhân có gặp phải bất kỳ biến chứng nào tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và phần não bị ảnh hưởng.
Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Phù não, sưng não;
- Viêm phổi;
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI);
- Động kinh;
- Trầm cảm;
- Loét vì nằm liệt giường;
- Co cứng chân tay;
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Đột quỵ cũng có thể dẫn đến các tình trạng sau:
- Mất ngôn ngữ hoặc khó nói, khó hiểu người khác nói;
- Liệt nửa người hoặc khó cử động một bên cơ thể;
- Thiếu máu hoặc khó cảm nhận ở một bên của cơ thể.
Chất lượng cuộc sống sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu gặp phải tình trạng mất chức năng, bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Phù não là một trong những biến chứng mà đột quỵ do tắc mạch máu não gây ra.
IX. Làm gì để ngăn ngừa đột quỵ?
Đi khám bác sĩ thường xuyên nếu bị cholesterol cao, tiểu đường hoặc bệnh tự miễn, các bệnh mạn tính khác. Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng sức khỏe và làm theo các khuyến nghị của bác sĩ có thể giúp ngăn ngừa hoặc hạn chế các biến chứng tiềm ẩn do đột quỵ gây ra.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng cách tuân theo lối sống lành mạnh:
- Duy trì cân nặng hợp lý;
- Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.
- Tầm soát đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình