Hotline 24/7
08983-08983

Doanh nhân chiến đấu trên thương trường, làm sao tránh được nguy cơ đột quỵ?

Thức thâu đêm suy nghĩ đường lối cho doanh nghiệp, huyết áp lên xuống theo thị trường chứng khoán, những buổi tiệc tùng… vậy làm sao để doanh nhân tránh được nguy cơ đột quỵ, đó là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Chiều 15/4, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tổ chức hội nghị thường niên “Tọa đàm Xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2022- 2030” với sự góp mặt của 120 khách mời là đại diện các sở ban ngành và doanh nhân đến từ nhiều doanh nghiệp của tỉnh.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đakhoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nhận bó hoa tươi thắm từ Doanh nhân Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh các câu chuyện phát triển doanh nghiệp sau 2 năm sóng gió vì COVID-19, vấn đề bảo vệ sức khỏe cho doanh nhân cũng rất được quan tâm. Tại hội nghị, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã có buổi chia sẻ với chủ đề “Sức khỏe doanh nhân - tài sản doanh nghiệp trong thời kì 4.0 - Để phòng ngừa bệnh đột quỵ”.

Không khó để nhận ra những người đứng đầu doanh nghiệp sở hữu hầu hết các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: stress, tăng huyết áp, mất ngủ, thức khuya, tiệc tùng nhiều, ít vận động, những lúc nóng giận với nhân viên...

Thêm vào đó, thời gian qua ai cũng chăm chú vào COVID-19 mà quên mất tỷ lệ tử vong của đột quỵ cao hơn COVID-19, và đột quỵ không có vắc xin phòng ngừa, cũng không có miễn dịch chống lại đột quỵ tái phát. Do đó, việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa đột quỵ đối với doanh nhân - tài sản quý giá của doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

TS.BS Trần Chí Cường phát biểu tại hội nghị

Bài nói chuyện của BS Cường điểm qua tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ, những con người ưu tú đã bị đột quỵ cướp đi ở độ tuổi cống hiến cho xã hội, các biện pháp tầm soát, chẩn đoán và điều trị đột quỵ tân tiến mà miền Tây đang có, qua đó, thấy rõ đột quỵ có thể phòng ngừa từ sớm, và điều trị khả quan nếu bệnh nhân đến được trung tâm đột quỵ trong giờ vàng, không còn là chuyện “trời kêu phải dạ”.

Ở phần thảo luận, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhờ TS.BS Trần Chí Cường giải đáp câu hỏi mà rất nhiều doanh nhân đang gặp phải: “Tôi bị thiếu máu não, làm giám đốc suốt mười mấy năm không ngủ, nằm nhắm mắt mà đầu vẫn nghĩ, vậy nguy cơ đột quỵ của tôi như thế nào?”.

Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng gửi đến TS.BS Trần Chí Cường câu hỏi mà rất nhiều doanh nhân quan tâm

Trả lời câu hỏi này, một lần nữa BS Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ, mỗi đêm ít nhất các doanh nhân phải ngủ được 6 tiếng, nếu thức đêm nhiều quá sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh.

Dân gian nói đến tình trạng mệt mỏi căng thẳng kéo dài, thường xuyên mất ngủ… thì quy về nguyên nhân chung chung là thiếu máu não nhưng với y học hiện đại ngày nay, các bác sĩ có thể chỉ ra chính xác thiếu máu lên não do nguyên nhân gì, lưu lượng máu lên não thiếu bao nhiêu phần trăm. Bằng các phương tiện như siêu âm doppler, chụp MRI mạch máu, tìm ra các đoạn mạch máu bị hẹp, tắc nghẽn có thể tính toán được những con số này.

Các doanh nhân rất quan tâm đến đột quỵ do tăng huyết áp và biện pháp tầm soát, phòng ngừa

Câu hỏi thứ hai đến từ một doanh nhân có người cha bị đột quỵ do tăng huyết áp, mấy năm sau ông qua đời. Vậy, tăng huyết áp gây đột quỵ có di truyền hay không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: sau khi một người bị đột quỵ thì cần tìm hiểu rõ đột quỵ do nguyên nhân gì (tăng huyết áp, vỡ túi phình, dị dạng mạch máu...), bởi nếu không tìm hiểu mà chỉ tập trung điều trị tăng huyết áp thì sẽ bỏ sót nguyên nhân, mà đột quỵ thì không phải chỉ xảy ra 1 lần.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu, một số trường hợp là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng tăng. Nếu huyết áp ở mức 180mmHg thì nguy cơ đột quỵ tăng 10 lần. Do đó trong cộng đồng, những ai ngoài 50 tuổi có mức huyết áp 140mmHg trở lên thì phải điều trị. Nếu từ 45 tuổi trở xuống, huyết áp 130-140mmHg cần thay đổi lối sống, giảm cân, ăn lạt... Riêng các doanh nhân trong tình huống căng thẳng cũng cố gắng giữ bình tĩnh, đo huyết áp thường xuyên, ai đang điều trị tăng huyết áp phải nhớ uống thuốc đều đặn.

Tăng huyết áp chưa được chứng minh là bệnh di truyền nhưng có yếu tố gia đình, tức là ông bà, cha mẹ, con cái sống chung trong một môi trường, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng như nhau có thể cùng bị tăng huyết áp.

Những người trẻ, dưới 30 tuổi bị tăng huyết áp thì phải thăm khám kỹ để tìm ra nguyên nhân đến từ các bệnh lý: hẹp động mạch chủ, hẹp động mạch thận... (tăng huyết áp thứ phát). Còn đa số trong cộng đồng những người lớn tuổi bị tăng huyết áp nguyên phát, là do diễn tiến tự nhiên của cơ thể khi tuổi cao chứ không phải xuất phát từ một bệnh lý khác.

Sau buổi chia sẻ của TS.BS Trần Chí Cường, nhiều chủ doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến vấn đề tầm soát đột quỵ, gói khám sức khỏe cho cả công ty... chứ không đợi đến lúc đột quỵ xảy ra rồi, cấp cứu chậm trễ thì tiền tỷ không cứu được mạng người. Bởi mọi người đã nhận ra: muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì trước hết những thành viên của doanh nghiệp đó phải có sức khỏe vững bền.

Kim Quy - benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X