Vĩnh Phúc, lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn ở đâu, chi phí?
Câu hỏi
Chào AloBacsi, bác sĩ cho em hỏi thủ tục và cách thức lưu giữ máu cuống rốn? Nhà ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc thì em cần liên hệ bệnh viện nào? Chi phí là bao nhiêu? Mong bác sĩ hồi đáp sớm.
Trả lời
Sau khi được xử lý, sản phẩm tế bào gốc từ máu dây rốn được chuyển vào túi 2 ngăn để lưu trữ. Ảnh: Công Thắng, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Bạn thân mến,
Về các thắc mắc của bạn AloBacsi xin được giải đáp như sau:
1. Những trường hợp không nên lưu trữ máu cuống rốn
Máu cuống rốn có rất nhiều tế bào gốc hệ tạo máu và tế bào của hệ thống miễn dịch, việc áp dụng các tế bào này vào mục đích chữa bệnh đang được tiến hành ngày càng rộng rãi và nhanh chóng. Vì các tế bào này giúp cơ thể tái tạo các mô và hệ thống, nên máu cuống rốn thường được coi như một loại thuốc tái tạo.
Sản phụ sinh thường hoặc sinh mổ đều có thể lấy máu dây cuống rốn. Số lượng máu dây cuống rốn cần đảm bảo đủ. Lượng máu tối thiểu, trung bình lấy ra được từ em bé phải đảm bảo từ 80 ml trở lên tương đương với những em bé khoảng 36 tuần tuổi, cân nặng 2,5 kg thì khả năng lưu trữ mới thành công. Nếu em bé sinh non tháng quá sẽ dẫn tới tình trạng số lượng dây cuống rốn ít, việc lưu trữ sẽ khó khăn hơn.
Những trường hợp không nên lưu trữ máu cuống rốn: Từng mắc bệnh hoặc kiểm tra dương tính các loại virus viêm gan B, C, HIV, HTLV1; Bị bất kỳ bệnh ung thư nào, hoặc các bệnh về máu như suy tủy,...; Bị các rối loạn về máu hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch do di truyền hay do lây nhiễm; Bị các bệnh lây lan qua đường tình dục trong đó có giang mai; Bị bất kỳ biến chứng hay bị mắc bệnh trong thời gian mang thai cũng như sinh nở; Có thai ở độ tuổi dưới 18.
2. Ở Vĩnh Phúc, liên hệ đến đâu để lưu giữ tế bào gốc từ máu cuống rốn cho con?
Bạn ở Vĩnh Phúc, hiện có thể liên hệ đến Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tiến hành dịch vụ này. Tuy nhiên, để đảm bảo thu thập thành công, gia đình sản phụ cần liên hệ sớm với Ngân hàng Tế bào gốc trước khi dự kiến đẻ tối thiểu 24 - 48 giờ tùy theo khoảng cách địa lý để có thể kịp thời bố trí nhân viên thu thập di chuyển.
Ở các địa bàn xa, Ngân hàng Tế bào gốc hiện mới chỉ nhận các trường hợp sinh mổ (để đảm bảo thời gian di chuyển của nhân viên thu thập). Ngoài ra, những trường hợp thu thập ở xa sẽ phải nộp một khoản chi phí hỗ trợ về việc di chuyển, lưu trú phát sinh.
3. Chi phí lưu giữ tế bào gốc từ máu cuống rốn?
Viện Huyết học - Truyền máu TW đã triển khai việc thu phí lưu giữ máu dây rốn dịch vụ bằng hình thức nộp trực tiếp tại Viện hoặc chuyển khoản.
Các mức phí cơ bản để tham khảo như sau: Chi phí dành cho việc tư vấn + thu thập + vận chuyển mẫu sau thu thập khoảng 3,3 triệu đồng, chi phí dành cho việc xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên khoảng 21 triệu đồng và chi phí dành cho việc bảo quản từ năm thứ 2 trở đi khoảng 2,6 triệu đồng năm.
Lưu ý, chi phí này có thể thay đổi tùy theo từng tình huống cụ thể (loại kit xử lý gia đình lựa chọn, sinh đôi, nơi thu thập tại địa bàn xa trung tâm Hà Nội, hay quy định về chi phí dịch vụ y tế của Nhà nước qua các năm…). Các trường hợp thu thập nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn lưu giữ, gia đình đồng thuận không lưu giữ thì gia đình sẽ được hoàn lại những chi phí chưa sử dụng đến.
Trong trường hợp, nếu gia đình sản phụ đã đóng đầy đủ các chi phí lưu giữ ban đầu và phí bảo quản hằng năm đến đúng thời điểm cần sử dụng thì không cần phải mất thêm chi phí gì nữa, trừ khi cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung cho mẫu máu dây rốn mà bác sĩ điều trị yêu cầu.
Bạn có thể liên hệ với nhân viên của Ngân hàng Tế bào gốc để được tư vấn cụ thể:
Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Tầng 5, Tòa nhà T, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
ĐT: (024) 37824267, 0963892551
Email: nihbtscc@gmail.com
Trân trọng!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình