-
Thế giới và Việt Nam đã phát hiện bao nhiêu biến chủng SARS-CoV-2?
Câu hỏi
Tôi nghe nói rất nhiều về biến chủng của SARS-CoV-2, nhưng không biết hiện nay trên thế giới đã có bao nhiêu biến chủng rồi? Còn ở Việt Nam thì sao? Làm sao để biết đó là biến chủng nguy hiểm hay đỡ nguy hiểm hơn? Tôi cảm ơn. (Thanh Thủy - Quận 1, PHCM).
Trả lời
Các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu không ngừng về SARS-CoV-2 để đối đầu với nó hiệu quả hơn (Ảnh minh họa)
Bạn thân mến,
Cho đến thời điểm này, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs).
Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi rút/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.
Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.
Tại Việt Nam đã lưu hành 8 biến chủng của SARS-CoV-2, bao gồm: Chủng Vũ Hán, D614G ở châu Âu, B.1.1.7 từ Anh, chủng B.1.351 ở Nam Phi, B.1617 từ Ấn Độ, B.1.619 từ châu Phi, chủng B.1.222 và biến chủng lai mới vừa xuất hiện chưa được đặt tên. Song, sau đó Tổ chức Y tế thế giới WHO xác nhận biến thể này không phải chủng lai Anh - Ấn, mà là đột biến bổ sung của biến thể phát hiện tại Ấn Độ.
Như vây, trong đợt dịch từ ngày 26/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 biến chủng gây quan ngại là biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2) và biến chủng Anh (B.1.1.7).
Trong đó, biến chủng Ấn Độ được WHO đánh giá là rất dễ lây lan và lây lan rất nhanh. Biến chủng B.1617.2 có khả năng lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng ở Anh (B.1.1.7). Biến chủng Ấn Độ này đã được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM và một số tỉnh thành khác.
Theo the Lancet và The New England Journal Medicine, biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, vào khoảng 2-4 ngày; so với các chủng trước đó có thời gian ủ bệnh từ 5-7 ngày. Tức là sau 2-4 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh, người bệnh có khả năng lây truyền sang cho người khác.
Thực tế đánh giá đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam cho thấy, tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ rất nhanh, đặc biệt trong các môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người như đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp. Có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác.
Về độc lực của biến chủng này, bước đầu cho thấy tỷ lệ người mắc có triệu chứng cao hơn so với các đợt dịch trước. Song, các biểu hiện lâm sàng nặng gây tử vong đang được đánh giá.
Mời xem thêm các bài viết cùng chủ đề COVID-19 TẠI ĐÂY.
Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể người qua những con đường nào?
Những triệu chứng nào cảnh báo bạn có khả năng mắc COVID-19?
Virus SARS-CoV-2 có tuổi thọ bao lâu, tự hủy diệt trong môi trường nào?
Triệu chứng COVID-19 xuất hiện sau bao lâu khi tiếp xúc với mầm bệnh?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình