Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS
Phương pháp phẫu thuật đột quỵ nào an toàn và ít biến chứng nhất?
Câu hỏi
Thưa BS, thông thường bệnh nhân có được chọn phương pháp phẫu thuật sau khi có sự tư vấn của BS không? Hay phẫu thuật đột quỵ bắt buộc theo ý BS? Hiện nay có những phương pháp phẫu thuật đột quỵ nào an toàn và biến chứng thấp nhất? (Bạn đọc Hoan Hỷ - cookihoa…@gmail.com)
Trả lời
Chào bạn,
Hiện có nhiều phương pháp điều trị đột quỵ từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Nói chung, có các phương pháp sau:
- Dùng thuốc: Trong trường hợp khẩn cấp, đột quỵ trong 4,5 giờ đầu, do tắc nghẽn mạch máu nhỏ, việc điều trị thuốc tiêu sợi huyết rTPA đường tĩnh mạch là chỉ định hàng đầu được ứng dụng trên toàn thế giới, cũng như ở nước ta, nhiều bệnh viện đã ứng dụng. Tuy nhiên, có những trường hợp không thể sử dụng được do cơ thể bệnh nhân đang có nơi chảy máu hay một số bệnh lý kèm theo làm gia tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng thuốc này. Việc này phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa và giải thích với gia đình các sự cố sau khi tiêm có thể xảy ra.
- Can thiệp nội mạch, cấp cứu đột quỵ: Sử dụng máy DSA. Ứng dụng trong 2 trường hợp đột quỵ:
+ Tắc nghẽn động mạch lớn, nội sọ. Bệnh nhân đến sớm trước 6 tiếng, không có các chống chỉ định thủ thuật can thiệp nội mạch DSA như là dị ứng thuốc cản quang, suy tim nặng, suy hô hấp nặng… các bác sĩ sẽ luồn các dụng cụ đi từ một vết chọc kim ở đùi đến mạch máu não bị tắc, dùng những dụng cụ chuyên dụng kéo mạch máu đông ra. Thủ thuật này đòi hỏi các máy móc hiện đại, bác sĩ được đào tạo can thiệp chuyên sâu. Đây là biện pháp hiệu quả nhất được khuyến cáo trên toàn thế giới từ năm 2015. Ở nước ta, cũng có nhiều BV thực hiện được phương pháp này.
+ Xuất huyết não, màng não do nguyên nhân mạch máu lớn. Thủ thuật can thiệp nội mạch DSA có vai trò cầm máu túi phình vỡ (đặt COILS, stent, bơm keo gây tắc mạch máu - cầm máu). Đây là phương pháp can thiệp hiện đại có thể xử lí được những vị trí nằm sâu trong não. Nếu không có phương pháp này thì các phương pháp khác không thể cứu được bệnh nhân.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị đột quỵ được ứng dụng trong các trường hợp sau:
+ Mở hộp sọ giải ép chống phù não quá mức trong trường hợp bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu lớn đến muộn.
+ Phẫu thuật lấy máu bầm trong trường hợp xuất huyết não nội sọ gây chèn ép não lành.
+ Phẫu thuật kẹp mạch máu bị phình hay cắt bỏ dị dạng mạch máu trong trường hợp các mạch máu ở vị trí nông, kích thước nhỏ có thể tiếp cận được.
Vấn đề chọn lựa phương pháp điều trị nào thường do bác sĩ điều trị quyết định trên cơ sở đánh giá từng bệnh nhân. Có những phương pháp điều trị được khuyến cáo rõ ràng thì rất dễ giải thích cho người thân. Có những trường hợp khó không nằm trong khuyến cáo hay bệnh nhân có những bệnh lý kèm theo. Phương pháp điều trị chưa dự đoán được kết quả rõ ràng trong tình huống này. Việc quyết định điều trị sẽ cân nhắc dựa vào sự đồng thuận của người thân.
Về nguyên tắc, những phương pháp đã được khuyến cáo và ứng dụng rộng rãi thì người thân nên tôn trọng chỉ định và đồng ý theo chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp quyết định khó khăn, nguy cơ điều trị biến chứng cao cần giải thích kĩ trước khi thực hiện và người thân có quyền từ chối nếu không chấp nhận trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trích trong: TS Trần Chí Cường giao lưu “1001 thắc mắc về đột quỵ mùa Tết”
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình