Nói lắp do dính thắng lưỡi, có nên cắt không?
Câu hỏi
Bác sĩ tư vấn giúp em với, năm nay em 28 tuổi, nói nhanh hay lắp bắp không rõ ràng. Em bị dính thắng lưỡi sát đầu lưỡi, vậy có nên cắt hay không thưa bác sĩ?
Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi), làm hạn chế cử động bình thường của đầu lưỡi.
Dấu hiệu dính thắng lưỡi: Cử động lưỡi sang hai bên bị hạn chế hoặc đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên nóc khẩu cái vì thắng lưỡi ngắn. Khi thè lưỡi, đầu lưỡi không nhọn mà có vẻ phẳng hay vuông. Đầu lưỡi có thể có hình trái tim do cử động ra phía trước và ra sau của lưỡi bị giới hạn…
Tật dính thắng lưỡi thường gây ra nói ngọng, nhưng không phải là nguyên nhân gây nói nhanh, nói lắp bắp. Do đó bạn cần khám lại tại chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để xác định chắc chắn có dính thắng lưỡi hay không, nếu có thì nên cắt để giúp nói rõ chữ hơn, nhưng sau đó vẫn phải tập nói chậm lại, nói từ từ thì mới cải thiện được.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Thắng lưỡi là nếp niêm mạc nối mặt dưới của lưỡi với nền miệng. Ở mỗi bên hãm lưỡi có một nếp niêm mạc chạy về đỉnh lưỡi gọi là nếp tua. Thắng lưỡi ngắn làm cho sự vận động của lưỡi không mềm mại, dễ dàng đặc biệt các động tác co, gấp lưỡi, ảnh hưởng tới phát âm và chức năng nói.
Bệnh có thể gặp theo 2 dạng như sau:
- Dính thắng lưỡi nhiều còn gọi là dính thắng lưỡi hoàn toàn.
- Dính thắng lưỡi nhẹ còn gọi là dính thắng lưỡi một phần do thắng lưỡi ngắn.
Mặc dù nó không phải là dị tật lớn hay nguy hiểm nhưng cũng ảnh hưởng tới thẩm mỹ, chức năng nói khiến người bệnh luôn tự ti.
Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít mà biểu hiện lâm sàng như sau:
- Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi sang hai bên hạn chế.
- Đầu lưỡi không thè ra khỏi bên ngoài môi được.
- Đầu lưỡi không thể đụng lên phía trên nóc khẩu cái.
- Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông.
- Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc giữa 2 răng cửa hàm dưới bị hở.
Đúng là dị tật này nếu phát hiện ra thì nên đi xử lý càng sớm càng tốt, khả năng liền sẽ nhanh hơn, ít chảy máu hơn. Tùy mức độ dính mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hay không. Phẫu thuật cắt thắng lưỡi rất đơn giản và nhanh chóng. Phẫu thuật này không tiềm ẩn nguy cơ và biến chứng gì nhiều, có thể về ngay sau khi thực hiện và chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên đối với những trường hợp thắng lưỡi dày hoặc quá ngắn, có thể phải gây mê rồi dùng dao cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi sau đó khâu lại và tạo hình bằng những đường rạch ngang hoặc đường rạch hình chữ Z.
|