Hotline 24/7
08983-08983

Những thắc mắc rất thường gặp khi bạn chuẩn bị làm răng sứ

Câu hỏi

Kính chào bác sĩ, Tôi có 1 răng cửa đã lấy tủy được 1 tháng, tôi được biết răng lây tủy dễ bị bể, gãy và theo thời gian sẽ bị đổi màu nên có ý định muốn bọc răng sứ, nay có một vài thắc mắc mong nhận được sự giải đáp của bác sĩ. 1. Làm sao xác định được chính xác răng đã lấy sạch tủy hay chưa? Tôi được biết có những trường hợp răng đã chữa tủy nhưng vài năm sau bị đau đi nha sĩ thì phát hiện tủy chưa được lấy sạch. 2. Bọc răng sứ tốt nhất vẫn là Cercon nhưng giá thành cao, còn bọc sứ kim loại hay titan sẽ làm đen cổ răng, vài năm là phải thay. Tôi được biết có răng toàn sứ Alumina, loại này có tính thẩm mỹ như cercon chỉ có điều chịu lực yếu, tôi nghĩ răng cửa cũng không nhai đồ cứng như răng hàm vậy tôi bọc răng cửa bằng sứ Alumina có đảm bảo không? 3. Bọc răng sứ có gây hôi miệng không ạ và răng đã lấy tủy bọc sứ thì sử dụng được bao nhiêu năm? 4. Làm răng sứ Alumina giá thành là bao nhiêu thưa BS, tôi có tham khảo một số nha khoa thì thấy giá không đồng nhất, và sứ Alumina có vẻ không thông dụng vì tôi thấy nó ít được đề cập đến. 5. Có những trường hợp làm răng sứ không khít gây lỗ hở làm thức ăn lọt vào gây sâu răng, hôi miệng. Vậy làm thế nào để sau khi làm xong có thể kiểm tra xem nha sĩ đã làm khít hay chưa, chứ nếu về nhà 1 thời gian mới phát hiện ra thì cũng khó lòng làm lại. Mong nhận được hồi âm của BS, xin chân thành cảm ơn! (Lan Trần, 24 tuổi - Cần Thơ)

Trả lời

BS Đoàn Khánh Ngọc

BS Đoàn Khánh Ngọc

Bác sĩ nha khoa - Đang du học University of Colorado School of Dental Medicine

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn Lan thân mến,

AloBacsi xin lần lượt giải đáp từng câu hỏi của bạn như sau:

 1. Việc xác định lấy tủy tốt hay chưa hiện nay chỉ phụ thuộc vào phim x-quang, mà phim thì chỉ có 2 chiều nên chỉ mang tính tương đối. Nhìn lên phim thấy chất trám bít chạy dọc theo chân răng, cách chân răng khoảng 0.5 đến 1mm thì được xem là chữa tốt.

Tuy nhiên hệ thống tủy răng là 1 hệ thống phức tạp, không phải chỉ gồm 1/2/3/4 ống tủy như thường thấy trên phim x-quang mà nó là 1 hệ thống ống 3 chiều, có nhiều ống cực nhỏ li ti chỉ khoảng 1/10mm hay nhỏ hơn, và các ống tủy nhỏ này không thể làm sạch được, ít ra là với kỹ thuật hiện tại của con người. Vì vậy ngay cả khi thấy trên phim tốt thì chữa nội nha vẫn thất bại như thường, hoặc trên phim không được tốt nhưng do đầu ra của ống tủy bị calci hóa bịt kín hẳn lại thì phải chấp nhận chỉ đi được đến đó. Vì vậy nếu bạn muốn 1 căn cứ đánh giá chính xác tuyệt đối dành riêng cho bệnh nhân thì rất tiếc là chưa có.

2. Răng sứ nào cũng có hạn sử dụng, không có răng nào tồn tại mãi mãi cả vì dù sao đó cũng chỉ là răng giả. Nếu răng thật còn không thể tồn tại được vài chục năm thì răng giả càng không thể. Vì vậy răng toàn sứ hay răng sứ-kim loại thì cũng đều phải thay sau nhiều năm sử dụng, chứ không phải chỉ riêng răng sứ-kim loại thì phải thay.

Việc đen đường viền cổ răng không phải là điều chắc chắn sẽ diễn ra - điều này các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi - nên chọn loại nào là tùy khả năng của bạn. Nếu bạn muốn 1 cái gì đó hoàn hảo và khả năng tài chính cho phép thì răng toàn sứ vẫn đẹp hơn. Nhưng nếu bạn không có khả năng thì răng sứ-kim loại vẫn là rất đẹp rồi.

Răng toàn sứ mọi người hay gọi chung là cercon nhưng không đúng, vì răng toàn sứ gọi là zirconia. Cercon là tên sản phẩm của 1 hãng nha khoa nổi tiếng, chuyên dùng để làm răng zirconia. Các hãng khác có các tên gọi khác nhau. Một lần nữa, việc lựa chọn sản phẩm nào phụ thuộc nhu cầu của bạn là gì, vì không có sản phẩm nào là tốt nhất, tuyệt vời nhất cả.

3.  Bọc răng sứ không liên quan đến hôi miệng. Hôi miệng thường là do vôi răng gây ra. Bạn nên đi cạo vôi răng định kỳ để kiểm soát vấn đề này. Đặc biệt là nên dùng chỉ nha khoa sau khi ăn để lấy sạch hết mảng bám thức ăn vùng kẽ răng. Răng đã lấy tủy rồi thì thường hơi dễ gãy hơn răng còn tủy. Nhưng không có nghĩa răng còn tủy thì không bao giờ gãy, vì vậy răng còn tủy hay chết tủy thì bạn đều không nên ăn đồ quá cứng như nhai xương/ nhai đá/ dùng răng khui nắp chai... Điều này là cực kỳ có hại cho răng.

4. Về chi phí từng loại răng sứ thì đúng là chưa có sự đồng nhất, điều này thì tôi không giúp được bạn rồi. Bạn nên xem thử nha khoa nào vệ sinh vô trùng tốt, bạn cảm thấy tin tưởng thì chọn nha khoa đó thôi.

5. Muốn biết đường viền khít hay chưa thì bạn rà thử xem đường viền răng và phần răng còn lại có khít hay chưa là được thôi - điều này dựa trên cảm giác tay là chủ yếu vì bác sĩ cũng dùng cách đó để kiểm tra đường viền có khít sát hay chưa. Bạn có thể dùng dụng cụ nào đó sạch và có đầu hơi nhọn, đi từ đường viền rà nhẹ về phía cổ răng, nếu có khoảng hở thì đầu dụng cụ lọt vào trong lòng mão sứ. Tuy nhiên với các răng sứ có đường hoàn tất bên dưới nướu (để tăng thẩm mỹ) thì điều này hơi khó. Bạn vẫn có thể kiểm tra nhưng nên nhẹ nhàng thôi chứ đừng cố rồi làm tổn thương nướu.

Nếu bạn không yên tâm thì nên yêu cầu bác sĩ gắn tạm thời một thời gian xem thử có vấn đề gì không rồi gắn lại vĩnh viễn sau.

Thân mến,


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X