Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để vợ không gây tổn thương những người xung quanh?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, Em lấy vợ được 24 năm, vợ em 46 tuổi. Chúng em có 4 con. Kinh tế và cuộc sống gia đình bình thường, con cái ăn học tốt. Gia cảnh, nề nếp, sự giáo dục của 2 gia đình phía em và vợ khác nhau. Xưa kia vợ em không tỏ rõ thái độ mặc cảm và tự ti vì lý do gia đình, nhưng càng ngày thì biểu hiện càng rõ rệt, qua lời nói, sự giận dữ vô cớ,... Từ vài năm nay thì tính tình vợ càng cáu gắt, vợ chồng không thể nói chuyện với nhau dù là tình huống nào. Em biết cô ấy rất thương yêu chồng con, nhưng lại rất vô thức trong đối xử, từ lời nói đến hành động. Cô ấy lại có tính nói bóng nói gió, làm tổn thương người xung quanh, mặc dù không có thù oán với ai. Thường cáu tiết và dễ nổi giận nếu ai đó nói ra 1 điểm nào sai của cô ấy (rất tự ái). Bất kỳ người quen nào, từ những bạn bè mới gặp hay thân thiết nhiều năm, nếu ai có vẻ giàu có, ăn nên làm ra, có trí thức thì rất dễ bị cô ấy trút giận hoặc gây gổ trong mọi tình huống. Trong mọi quan hệ, gần đây tình hình xấu thêm, bạn bè và người thân hiểu và thương nhưng phải lảng tránh. Cô ấy cũng không nhận thức được mình làm tổn thương mọi người. Cô ấy thường xuyên đau đầu và ngủ rất ít, giấc ngủ hay gián đoạn. Đây là loại bệnh hay sự biến chuyển tâm lý gì và cách điều trị thế nào, thưa BS? (Vợ em có 1 người chị và 1 người anh. Anh này có triệu chứng động kinh và tâm thần không ổn định). Kính xin bác sĩ cho lời khuyên hoặc cách điều trị. Cách đây 3 năm có khám ở BV Hòa Hảo, bác sĩ nói thiếu máu tuần hoàn não. có cho vài loại thuốc bổ B1 - B6 - B12. (Đỗ Thiên - thien…@yahoo.com)

Trả lời

Chào anh Đỗ Thiên,

Qua thư, anh cho thấy vợ anh bắt đầu có những thay đổi khi bước vào độ tuổi trung niên (40- 60 tuổi) với sự dễ kích thích, cáu gắt, nóng giận đến mức độ bùng nổ không kiểm soát, thái độ mặc cảm, tự ti, thường xuyên bị đau đầu và giấc ngủ kém.
 
Đây là một giai đoạn tuổi có nhiều biến đổi quan trọng của đời người, nhất là đối với phụ nữ: sức khỏe thể chất bắt đầu suy giảm, những thay đổi nội tiết tố trong quá trình tiền mãn kinh - mãn kinh ảnh hưởng đến tâm sinh lý, có thể xuất hiện những cơn khủng hoảng, hoài nghi về những giá trị cuộc sống; lo âu, tiếc nuối khi nhận thức tuổi trẻ dần trôi qua và tuổi già đang đến; đặc biệt sự thay đổi về ngoại hình dễ khiến người phụ nữ mất tự tin, cảm giác kém hấp dẫn dẫn đến nỗi lo sợ về hạnh phúc hôn nhân.

Anh mô tả nhiều những biểu hiện về cảm xúc của chị nhưng chưa cho biết rõ bối cảnh cuộc sống của chị: chị còn đi làm việc không, làm việc trong lĩnh vực nào, công việc có ổn không, chị có các hoạt động xã hội nào khác không…
 
Những mặc cảm, tự ti về sự khác nhau của hai gia đình có thể luôn tồn tại trong chị nhưng ngày trước không bộc lộ do chị còn nhiều mối quan tâm khác là cùng anh xây dựng gia đình, ổn định kinh tế và nuôi dạy con cái. Nay khi mọi việc ổn định, chị lại bước vào độ tuổi tiền mãn kinh nên có thể có cảm giác hụt hẫng và dễ nhạy cảm, dễ bùng lên những mặc cảm, tự ti vốn có. Hơn nữa, tình trạng này có thể ngày càng nặng nề, mất kiểm soát khi thấy chồng con bất mãn hay người thân, bạn bè dần xa lánh.

Nói tóm lại, có thể vợ anh đang phải chịu những rối loạn tâm sinh lý của lứa tuổi hoặc có thể đã rơi vào một tình trạng trầm cảm (nếu như ngoài những biểu hiện trong thư, chị thường buồn rầu, dễ khóc, sống thu rút, ít muốn tiếp xúc bên ngoài, mất hứng thú trong cả công việc lẫn sở thích, ăn uống kém, mệt mỏi, có ý nghĩ về cái chết…). Do vậy, trước mắt, tình trạng này của chị cần có sự thông hiểu và nâng đỡ rất nhiều từ chồng con và người thân, bạn bè với sự bình tĩnh, nhẫn nhịn khi chị bùng nổ; quan tâm, chia sẻ và giúp chị có những hoạt động bổ ích trong ngày…

Ngoài ra, anh có thể đưa chị đến khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được đánh giá đúng tình trạng và có sự hỗ trợ thích hợp.

Chúc anh sớm giúp chị cải thiện được tình trạng trên.

 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X