Hotline 24/7
08983-08983

Em có đang bị bệnh lao không, bác sĩ ơi?

Câu hỏi

Dạ BS cho em hỏi, em xét nghiệm tuberculin (Mantoux) test nhanh là dương tính (IgG) thì có bị nhiễm lao tiềm ẩn hay đang bị bệnh lao không ạ? Vì em thấy kết quả chụp X-quang bình thường và hiện tại cảm thấy trong người vẫn khỏe mạnh. Bệnh viện cũng có đóng dấu là đủ điều kiện đi du học nhưng em vẫn lo và không hiểu.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh bạn đọc gửi AloBacsi

Chào em,

Xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao (còn gọi là thử nghiệm Mantoux) là kỹ thuật được thực hiện để kiểm tra xem trước đó bệnh nhân đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) hay chưa. Đây là xét nghiệm đo phản ứng của hệ miễn dịch đối với vi khuẩn gây bệnh lao. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách: Tiêm một lượng nhỏ Tuberculin của vi khuẩn lao (kháng nguyên) vào cánh tay của bệnh nhân. Nếu đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao, da của bệnh nhân sẽ phản ứng với kháng nguyên với biểu hiện là xuất hiện một vết sưng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 2 ngày.

Căn cứ vào kích thước của vết sưng được đo 2 - 3 ngày sau khi xét nghiệm để xác định kết quả. Sau khi quan sát vùng da được thử nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh lao của bệnh nhân.

Nổi mẩn đỏ ở vị trí da thử nghiệm đồng nghĩa với việc không bị nhiễm khuẩn lao. Nếu vết mẩn đỏ sưng cứng thì có thể trước đó người bệnh đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao hoặc đã được tiêm phòng lao trước đó. Kết quả kiểm tra thu được sẽ tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh lao của từng người. Cụ thể, nếu thuộc nhóm của nguy cơ cao, một vết sưng nhỏ trên da cũng là dấu hiệu của nhiễm lao. Còn nếu thuộc nhóm có nguy cơ thấp thì một vết sưng lớn mới được chẩn đoán là mắc bệnh lao.

Các nhóm đối tượng nguy cơ gồm:

Nhóm nguy cơ cao: Người bị HIV, người đã tiếp xúc với người bị lao hoạt động gần đây, người có triệu chứng bệnh lao, đã chụp X-quang phát hiện lao, suy thận giai đoạn cuối, từng cấy ghép gan, sử dụng thuốc có chứa corticosteroid trong thời gian dài,...

Nhóm nguy cơ trung bình: Người gần đây mới đi đến một đất nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao, sử dụng ma túy bằng cách tiêm chích, sống trong nhà dưỡng lão, nhân viên y tế, trẻ em, người vô gia cư, người tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao, người quá gầy yếu, bị suy thận, tiểu đường, ung thư, đã phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, mắc bệnh bạch cầu leukemia,...;

Nhóm nguy cơ thấp: Là những người không có bất kỳ tiếp xúc nào với vi khuẩn lao được liệt kê trong 2 nhóm trên.

Kết quả bình thường (âm tính): không phát hiện các vết sưng cứng tại vùng da thực hiện xét nghiệm hoặc có vết sưng kích thước dưới 5mm.

Kết quả bất thường (dương tính):

- Vết sưng cứng 5mm: Nhiễm khuẩn lao ở người trong nhóm có nguy cơ cao;

- Vết sưng cứng 10mm: Nhiễm khuẩn lao ở nhóm có nguy cơ trung bình;

- Vết sưng cứng 15mm: Nhiễm khuẩn lao ở nhóm có nguy cơ thấp.

Những người sau xét nghiệm có phản ứng dương tính vẫn được theo dõi sau đó trong khoảng 1 tuần.

* Lưu ý:

- Kết quả thử nghiệm Mantoux không thể kết luận tình trạng nhiễm trùng lao là đang hoạt động hay không hoạt động;

- Khi xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao là dương tính, cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-quang, xét nghiệm soi đờm và cấy đờm để xác nhận xem thể lao là không hoạt động hay đang hoạt động. Một người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng bệnh được coi là nhiễm lao nhưng không truyền cho người khác (thể lao tiềm ẩn);

- Đối với nhân viên bệnh viện hoặc người xét nghiệm tiêm dưới da định kỳ, xét nghiệm lần 2 được thực hiện trong vòng một vài tuần sau xét nghiệm âm tính lần đầu có thể sẽ cho kết quả dương tính dù người đó không hề bị lây nhiễm bệnh ở giai đoạn giữa 2 lần xét nghiệm. Kết quả này có thể chỉ ra rằng người đó đã từng bị nhiễm trùng lao một thời gian dài trước đó hoặc có tiêm chủng vắc-xin lao BCG trước đó;

- Một số người không phản ứng với xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao cả khi họ bị nhiễm lao.

Để xác định em có bị nhiễm lao tiềm ẩn hay đang bị bệnh lao thì bác sĩ cần phải xem xét toàn bộ hồ sơ em đã làm, tuy nhiên, dựa vào thông tin rằng bệnh viện vẫn xác nhận em có thể đi du học thì có thể dự đoán rằng em không đang bị bệnh lao. Nếu còn thắc mắc về kết quả đã kiểm tra của mình, trước khi đi du học, em nên đem toàn bộ kết quả đã làm đến tham vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa hô hấp, chuyên ngành lao, em nhé.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X