Giảng viên Đại học Y dược TPHCM - Đại học Y dược TPHCM
Chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng thường xuyên do đâu?
Câu hỏi
Thưa bác sĩ, Cách đây khoảng 7 tháng do thức khuya và sáng dậy sớm cháu đột nhiên bị một cơn chóng mặt, choáng đột ngột gần như ngã xuống, phải nằm và uống thuốc sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ mới bình thường lại. Kể từ đó trở đi tôi thường xuyên bị chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng, người có cảm giác bồng bềnh, chao đảo cho đến nay. Mặc dù mấy tháng qua tôi có đi khám chuyên khoa nội thần kinh, làm tất cả các xét nghiệm, kiểm tra tim mạch và chụp CT sọ não, MRI cột sống cổ, siêu âm động mạch cảnh nhưng không có gì bất thường, chỉ có hàm lượng Triglyceride là cao (hơn 4 lần so với giới hạn trung bình) tôi đã uống rất nhiều thuốc cả Tây y và Đông y (điều trị theo đơn của các BS chuyên khoa) nhưng tình trạng mất thăng bằng, chóng mặt (chủ yếu là mất thăng bằng, cảm giác chóng mặt ít hơn) vẫn không khỏi. Tôi có tìm hiểu thì biết mình bị hội chứng tiền đình trung ương, hiện nay tôi không biết phải làm sao? Khoảng 4 năm trước đây tôi đã có điều trị chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Hiện nay tôi chỉ uống các loại thuốc cắt cơn chóng mặt là chính gồm: Betaserc, tanganil, stugeron, piracetam ngày 2 lần; đồng thời dùng mỗi tối 1 viên Remeron 30mg vì trước đó có biểu hiện khó ngủ và rối loạn lo âu trở lại (đã uống được khoảng 2 tháng). Hiện nay tôi vẫn còn cảm giác mất thăng bằng, đầu cứ bồng bềnh không tập trung được, rất khó chịu. Thật tình tôi cũng không biết đi khám ở đâu vì đã đi khám nhiều BS chuyên khoa rồi nhưng đều được cho những loại thuốc tương đối giống nhau. Vậy nguyên nhân chóng mặt là do đâu? Mỡ máu cao có gây chóng mặt không? (Tôi mới uống Lipanthyl mỗi ngày 1 viên điều trị mỡ máu). Có phải hội chứng tiền đình thường không rõ nguyên nhân và chỉ điều trị được triệu chứng hay không? Tôi có thể dùng thêm thuốc gì? Rất mong nhận được sự giúp đỡ, xin trân trọng cảm ơn! (Phuoc Ho, nam, 32 tuổi)
Trả lời
Chào bạn,
Cảm giác chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng có rất nhiều nguyên nhân: thần kinh (hội chứng tiền đình ngoại biên, hội chứng tiền đình trung ương, xơ vữa mạch máu trong sọ hoặc ngoài sọ,...), tâm thần (lo âu kèm tăng thông khí,...), tim mạch (hạ huyết áp tư thế, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp,...), toàn thân (thiếu máu),... Để phân biệt các nguyên nhân này và đưa ra chẩn đoán, bác sĩ cần phải thăm khám và làm một số xét nghiệm liên quan.
Rối loạn mỡ máu và thuốc Lipanthyl không gây chóng mặt, tuy nhiên, mỡ máu cao có thể góp phần gây xơ vữa mạch máu, làm thiếu máu não.
Do vậy, với những triệu chứng bạn mô tả và các xét nghiệm bạn đưa ra, AloBacsi cũng chưa thể chẩn đoán nguyên nhân chóng mặt và không chỉ định thuốc cho bạn được, bạn thông cảm nhé. Bạn đi khám chuyên khoa Nội thần kinh là đúng, nhưng nên dùng thuốc đều đặn, nhất là thuốc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, có thể phải dùng lâu dài theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên kiểm tra tim mạch và xét nghiệm lại mỡ máu định kỳ.
Hội chứng tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên) bao gồm một nhóm nhiều nguyên nhân, có một số nguyên nhân có thể điều trị dứt đỉểm (như viêm nhiễm), còn lại chủ yếu điều trị triệu chứng chóng mặt. Ngoài ra, nếu bạn bị chóng mặt khi thay đổi tư thế (ví dụ: từ nằm sang ngồi hoặc đứng), bạn nên chuyển đổi tư thế từ từ để tránh cơn chóng mặt xảy ra.
Chúc bạn sớm hồi phục sức khỏe.
Thân mến,
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình