-
Chi phí trồng răng giả, trám răng sâu, tẩy trắng và cạo vôi?
Câu hỏi
Em có 2 răng giả được trồng ở quê lâu rồi. giờ em muốn trồng lại và trám 1 số răng sâu, tẩy trắng và cạo vôi. Xin được AloBacsi tư vấn về bảng giá. (Nguyễn Linh - nguyenthithuylinh…@gmail.com)
Trả lời
Nguyễn Linh thân mến,
Về các vấn đề bạn thắc mắc, AloBacsi xin được giải đáp như sau:
1. Trồng răng giả:
Bạn sẽ có 3 cách trồng răng giả: làm răng tháo lắp, làm răng sứ và cắm implant. Về chi phí trồng răng giả thì còn tùy theo bạn sẽ làm theo phương án nào, thực hiện ở đâu… Làm răng tháo lắp thường thì ít tốn kém nhất, cắm implant thường cao nhất, tuy nhiên cũng còn tùy theo trường hợp.
Trong đó, phục hình răng tốt nhất hiện nay là cắm implant, nghĩa là cắm trực tiếp trụ chân răng giả vào trong xương hàm. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí khá cao, giá trung bình khoảng 27 triệu đồng một răng. Và nếu có điều kiện chọn phương pháp này thì bạn nên đến các phòng Nha lớn hoặc bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt khám trước khi nhổ, vì đôi khi bác sĩ sẽ cắm implant ngay sau khi nhổ răng ra khỏi xương ổ. Phương pháp này đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn cao, phòng khám đủ trang thiết bị.
Loại phục hình thứ hai là làm răng sứ. Ưu điểm là thẩm mỹ, dễ sử dụng, chức năng ăn nhai tốt. Bên cạnh đó khuyết điểm lớn nhất là gây tổn thương cho hai răng kế cận vì phải mài nhỏ răng bên cạnh để làm trụ cầu, răng trụ dễ bị nhạy cảm, nếu vệ sinh không tốt nướu quanh các răng trụ sẽ viêm nhiễm. Chi phí trồng răng giả loại này bạn cần chờ thời gian lành thương sau nhổ khoảng 2 tuần và chi phí khác nhau tùy vào loại sứ bạn chọn. Răng toàn sứ thẩm mỹ nhất khoảng 4.5- 5 triệu đồng/ răng, răng sứ titan 2- 2.5 triệu đồng/ răng, răng sứ kim loại thường 1- 1.5 triệu đồng/ răng.
Loại thứ ba là răng tháo lắp. Ưu điểm là chi phí rẻ, dễ vệ sinh, không tổn thương răng kế cận, nhược điểm là hàm khá cồng kềnh, cần thời gian làm quen, thẩm mỹ không bằng răng cố định, ăn nhai có độ di động nhẹ. Thời gian chờ nướu lành thương sau nhổ từ 2 tuần đến 1 tháng. Giá hàm hai răng Mỹ tháo lắp khoảng 700- 900 nghìn đồng.
2. Trám răng:
Quy trình trám răng thông thường mất 1-2 lần. Hiện tại, trám răng được thực hiện bằng nhiều vật liệu: composite, amalgam, cement,… Việc chọn chất liệu tùy thuộc vào loại răng và tình trạng răng sâu như thế nào.
Trám phòng ngừa (trám sealants): là một lớp nhựa mỏng được trám bít vào các hố rãnh ở mặt nhai răng cối để ngăn thức ăn mắc vào răng, vì vậy có thể ngừa được sâu răng. Dán sealant rất nhanh, chỉ trong một lần hẹn. Đầu tiên răng sẽ được làm sạch, rồi được xử lý và thổi khô. Sau đó sealantsẽ được cho vào các rãnh trên mặt răng và đợi đến khi cứng lại hay chiếu đèn để cứng lại. Bạn có thể ăn uống ngay. Chi phí trám phòng ngừa sealants khoảng 100.000 - 200.000 đồng.
Trám răng composite còn được gọi là trám răng thẩm mỹ vì răng trám từ composite giống răng thật. Trám răng bằng composite thường có giá cao hơn so với các loại vật liệu khác là amangam và xi măng silicat.
Chi phí trám răng composite còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng răng miệng, nếu răng bị sứt mẻ nhỏ, sâu nhẹ với những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt răng thì sẽ thực hiện trám răng theo quy trình 3 bước. Nếu răng bị sâu nặng hoặc bị vỡ những mảnh lớn, làm ảnh hưởng đến tủy và cấu trúc của răng thì cần điều trị tủy trước khi thực hiện trám răng composite. Thông thường, trám răng bằng composite loại 1 khoảng 300.000 đồng/ răng, trám răng thẩm mỹ vùng răng cửa bằng composite khoảng 500.000 đồng răng.
Ngoài ra, nếu bạn trám răng dưới gây mê hoặc tiền mê thì khoảng 1,5 triệu đồng.
3. Tẩy trắng răng
Đây là phương pháp giúp cải thiện răng bị ngả màu, ố vàng trắng sáng trở lại chỉ sau một thời gian ngắn. Hiệu quả của việc tẩy trắng phụ thuộc rất nhiều vào men răng của từng người, do đó tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp tẩy trắng phù hợp. Hiện nay có hai phương pháp là tẩy trắng tại nhà và tại phòng bằng đèn. Chi phí dao động từ 900.000 đồng - 2,5 triệu đồng.
4. Cạo vôi răng
Quá trình cạo vôi răng sẽ mất khoảng 15 - 30 phút, tùy vào tình trạng vôi răng nhiều hay ít. Lấy vôi răng được chia làm 2 loại:
Lấy vôi răng thông thường: quy trình cạo cao răng khá đơn giản, chỉ cần sử dụng các công cụ chuyên dụng để lấy các mảng bám mềm và vết dính trên bề mặt răng.
Lấy vôi răng dưới nướu: quy trình loại bỏ cao răng tương đối khó hơn vì phải tránh gây tổn thương cho nướu, các mảng bám cứng đã nhiễm khuẩn. Nha sĩ phải nạo sâu xuống phía dưới nướu nên rất dễ bị đau hơn so với thông thường.
Chi phí cạo cao răng phụ thuộc vào tình trạng các mảng bám trên răng, các cấp độ phải thực hiện để loại bỏ mảng bám đó. Chi phí thường dao động từ 150.000 đồng - 250.000 đồng. Nếu lấy vôi răng dưới gây mê hoặc tiền mê khoảng 1,5 triệu đồng.
Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích với bạn.
Trân trọng!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình