BS ơi, con hay nói chuyện một mình, ám ảnh cái chết, vui buồn không nguyên nhân...
Câu hỏi
Thưa BS, Con hay tự nói chuyện với bản thân, nhớ thì từ tiểu học đã bị, nhưng lúc đó chỉ lúc buồn mới nói để tự an ủi mình thôi, nhưng càng lớn tần suất càng nhiều. Hồi cấp 2, đã từng có ý định tự tử ( lúc thi chuyển cấp), giờ thì không có nữa nhưng vẫn thường xuyên ám ảnh về cái chết và sự tồn tại của bản thân. Sau hồi đó thì lúc vui lúc buồn lộn xộn hết. Khi thì vui đến hưng phấn luôn nhưng lại rất nhanh thấy thất vọng ở bản thân. Có trắc nghiệm nói con bị rối loạn lưỡng cực nhưng con sợ mình bị rối loạn tâm thần hơn. Giờ con tự nói chuyện quá mức cần thiết luôn. Hồi trước thì giúp đỡ stress , còn giờ làm con nhức đầu luôn. Có lần con bị quẹt xe rất nhẹ, không xây xát gì cả người lẫn xe, vậy mà mất hơn 2 giờ nằm nghĩ về chuyện đó. Một số biểu hiện của con: tự nói thành tiếng, vui buồn không rõ nguyên nhân, suy nghĩ quá nhiều hết thời gian ngày, tăng động, uể oả, đôi khi khó ngủ, trong nhiều trường hợp không biết xử lý thế nào cho tự nhiên...
Trả lời
Hành vi tự đối thoại một mình có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm... chứ không chỉ có ở người có vấn đề về tâm thần.
Tuy nhiên, nếu em không kiểm soát được việc nói và không nói, nghĩa là em cứ phải nói liên tục không thể tự ngừng được làm cho em nhức đầu thì là có vấn đề, mặt khác em còn có triệu chứng ám ảnh về cái chết, vui buồn không rõ nguyên nhân càng hướng đến rối loạn tâm lý - tâm thần, em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần.
Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân – chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay – dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Rối loạn lưỡng cực là một trong các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.
Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhằm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS Tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự.
Vì thế khi có triệu chứng nghi ngờ của bệnh lý tâm thần thì tốt nhất là khám BS chuyên khoa Tâm thần, em nhé. Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được bằng thuốc và tâm lý trị liệu.
Thân mến.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình