Hotline 24/7
08983-08983

Bị phát ban sau 36 tiếng tiêm thuốc cản quang, có nguy hiểm?

Câu hỏi

Dạ em chào bác sĩ ạ. Cho em hỏi, sau khi tiêm thuốc cản quang được 36 tiếng bị phát ban có nguy hiểm không ạ? Em bị phát ban ở người và chân tay nhiều. Vì đã qua 36 tiếng nên em không rõ có phải do thuốc cản quang hay không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa

Chào em,

Thuốc cản quang là thuốc sử dụng trong quá trình chụp của các máy chụp phát ra tia X (như máy X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp mạch số hóa xóa nền DSA). Đây là những thuốc có tác dụng làm tăng độ tương phản của cấu trúc hoặc chất lỏng bên trong cơ thể. Vì vậy, các loại thuốc cản quang sẽ làm hiện rõ các cấu trúc của những cơ quan có lượng thuốc tập trung nhiều, từ đó hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh của các cơ quan này.

Thuốc cản quang thường được sử dụng để cải thiện khả năng hiển thị của mạch máu, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các tạng cơ thể, các tổn thương u, một số thuốc thải qua đường mật giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan đường mật...

Phản ứng dị ứng thuốc cản quang có thể xảy ra ngay lập tức hoặc bị trì hoãn.

- Các phản ứng ngay lập tức: xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi tiêm thuốc cản quang. Các phản ứng này có thể nhẹ (buồn nôn, nôn, mề đay nhẹ, xanh xao), vừa (nôn nhiều, mề đay lan rộng, khó thở, nặng, phù nề thanh quản) hoặc nặng (phù phổi, loạn nhịp tim hoặc ngừng đập, trụy tuần hoàn, co thắt mạch vành là một biến chứng nặng của dị ứng thuốc cản quang khi chụp mạch vành). Tỷ lệ phản ứng ngay lập tức với thuốc cản quang dao động từ 0,01 - 0,04% đối với phản ứng nặng và 3% đối với phản ứng nhẹ. Đây là phản ứng dị ứng thuốc cản quang chủ yếu xảy ra với bệnh nhân ngay tại các cơ sở chẩn đoán hình ảnh.

- Các phản ứng chậm, xảy ra vài giờ đến vài tuần sau khi tiêm thuốc cản quang, thường tự giới hạn và chỉ biểu hiện trên da (phát ban, ban đỏ, mề đay, phù mạch), có thể kèm theo sốt.

Em bị phát ban ở người sau khi tiêm thuốc cản quang 36 tiếng có khả năng do phản ứng dị ứng chậm. 

Các trường hợp dị ứng thuốc phản quang nhẹ như nổi ban, mề đay, ban đỏ ngứa,...dù là phản ứng ngay lập tức hay phản ứng chậm thì đa số đều không nguy hiểm và đáp ứng tốt với thuốc kháng dị ứng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần đánh giá trực tiếp để loại trừ các dấu hiệu nặng mà người bệnh có thể bỏ sót. Em nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lại, đánh giá toàn diện và xử lý thích hợp, em nhé. 

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X