Hotline 24/7
08983-08983

Đau vú khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt, do đâu?

Trong chương trình tư vấn, ThS.BS Võ Thị Tố Uyên đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến tình trạng đau vú khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt; dừng thuốc trị lao phổi có gây kháng thuốc; đau ngực trái cảnh báo bệnh gì; chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người bị ứ sắt... Mời bạn đọc đón xem.

Chào BS, là nữ, 26 tuổi, em có thắc mắc nhờ BS tư vấn giúp. Khoảng 3 tuần nay em có bị đau ngực, ở cả 2 bên, cảm giác ngực căng và đau, kéo dài đã 3 tuần, biểu hiện như những lần sắp có kinh vậy. Nhưng khoảng 1 tuần nữa mới đến kì kinh của em ạ. Cho em hỏi như vậy có nguy hiểm gì không ạ? Em cám ơn BS.

LTT Trang - thuytran...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Đau vú ở phụ nữ chưa mãn kinh, không liên quan tới chu kỳ kinh do nhiều nguyên nhân, đau có thể do nang vú, thay đổi sợi bọc tuyến vú, chấn thương, nhiễm trùng như viêm hoặc áp xe, do dùng thuốc đặc biệt các thuốc ngừa thai, thuốc hướng thần, corticoid, bướu ở vú... Đau vú kéo dài trên 3 tuần cần khám trực tiếp và siêu âm tìm nguyên nhân, do đó bạn nên sắp xếp đi gặp bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện Phụ Sản bạn nhé!

Chỉ số Creatinine bao nhiêu mới cần làm thêm xét nghiệm chẩn đoán bệnh thận mạn?

Thưa bác sĩ, mới đây, mẹ của em đi khám bệnh tổng quát và được chẩn đoán là suy thận độ 2. Mẹ em năm nay 55 tuổi. Trong đó, nồng độ Urê (Máu) là 2.2mmol/l, Creatinin là 81 micromol/L, độ lọc cầu thận eGFR (MDRD) là 68ml/phút/1.732m2, Cholesterol toàn phần máu là 8.4 mmol/L, Acid uric là 310 Micromol/L, Ion iCa là 1.0 mmol/L. Các chỉ số khác bình thường, phân tích nước tiểu cũng bình thường.

Mẹ em có bị viêm hang vị dạ dày. Bác sĩ chỉ dặn dò là về nhà ăn uống nhạt lại, và chỉ kê đơn thuốc điều trị viêm dạ dày chứ không kê đơn thuốc điều trị suy thận và mỡ máu. Em không biết mình có cần đưa mẹ lên Sài Gòn khám lại các bệnh viện chuyên khoa thận hay không. Xin bác sĩ cho em lời khuyên và các chế độ ăn uống cũng như điều trị cho người suy thận. Em xin chân thành cảm ơn!

Mẹ em từng tán sỏi thận, từng bị thận ứ nước, siêu âm có nang thận trái 0.9cm.

Trúc Phương - trucphuong...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chỉ số Creatinine được dùng để ước đoán độ lọc cầu thận, hay nói cách khác là dự đoán chức năng thận. Chỉ số này sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như uống ít nước, tập luyện cường độ cao, huỷ cơ hoặc do thuốc..., công thức ước đoán độ lọc cầu thận cũng thay đổi tuỳ theo từng đối tượng nên có sự dao động không ít. Hơn nữa, độ lọc cầu thận 68 ml/phút/1,73 m2 da cũng chưa phải nghiêm trọng.

Với các thông tin bạn cung cấp thì chưa đủ bằng chứng khẳng định mẹ của bạn có bệnh thận mạn, nên khám lại ở bác sĩ chuyên khoa thận để làm thêm xét nghiệm đánh giá.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở TPHCM đang phức tạp và tình trạng bệnh của mẹ bạn cũng không cần gấp gáp lên khám ngay, cũng chưa cần dùng thuốc, có thể chờ một thời gian nữa tái khám lại và nhớ mang theo hết kết quả xét nghiệm đã thực hiện trước đây bạn nhé!

Bị ù tai nên kiêng gì?

Bs cho em hỏi triệu chứng ù tai của em có khỏi được không ạ và em kiêng những gì bổ sung những gì ạ?

Câu tư vấn trước: Ù tai có phải là dấu hiệu tổn thương do rượu bia?

Hoàng Anh Đào - hoangan...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Ở một số người, tình trạng ù tai chỉ xảy ra khi uống rượu và kéo dài vài giờ tới vài ngày sau đó rồi tự khỏi, cách tốt nhất là nên tránh rượu bia, nếu dùng quá nhiều có nguy cơ gây ù tai kéo dài không khỏi. Ngoài ra, một số trường hợp tổn thương thần kinh do rượu thường khó hồi phục, nên khám thêm chuyên khoa thần kinh để đánh giá và điều trị bạn nhé!

Sau nong niệu quản, bao lâu được tháo ống Sonde JJ?

Chào bác sĩ cháu bị hẹp niệu quản và đã nong ở Bệnh viện Việt Đức. BS có thể tư vấn cho cháu trong thời gian khoảng bao lâu thì cháu đi rút được ống jj và nên tới đâu để làm ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều.

Nguyễn Văn Tý - ty378...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Sonde JJ là một ống rỗng bằng chất dẻo được đặt vào niệu quản, thường được trong phẫu thuật niệu khoa nhằm mục đích giữ thông thoáng lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang và giúp niệu quản mau lành vết thương

Sonde JJ có thể được lưu trong thời gian 2 tháng-12 tháng tuỳ chất liệu và tuỳ nguyên nhân gây hẹp niệu quả. Em nên tái khám tại bệnh viện đã phẫu thuật sau 2-4 tuần để đánh giá lại em nhé!

Đau ngực trái, cảnh báo bệnh gì?

Em đã khám ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chụp CT phổi kết quả vôi hoá phổi bên trái. Hơn 1 tháng rồi giờ em có triệu chứng hơi đau bên trái phía dưới ngực. Vậy xin hỏi BS có phải do phổi làm đau không, có nguy hiểm không ạ?. Em cám ơn BS.

Hồ Thị Hoàng Yến - Hoangyen...@yahoo.cơm

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Vôi hoá phổi đa phần là tổn thương lành tính, ít tiến triển. Hơn nữa vị trí đau phía dưới ngực trái không phù hợp với tổn thương vôi hoá tại phổi, thực tế là có rất nhiều bệnh lý khác gây đau ngực, trong đó có đau cơ, đau sụn sườn, thần kinh liên sườn, ít khi nguy hiểm. Trong khi đau do tim mạch hay do tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi thì lại cần can thiệp cấp cứu. Do đó, bạn nên khám trực tiếp để tìm nguyên nhân khác gây đau bạn nhé!

Tự ngưng thuốc điều trị lao phổi, liệu có kháng thuốc?

Em đang điều trị lao phổi được 1 tháng. Em ở Dĩ An, Bình Dương mà giờ ở chỗ em hết thuốc, nói mua tạm ở ngoài. Nhưng mà em không có toa thuốc, vậy lỡ ngưng lâu quá có bị kháng thuốc không BS?

Nguyễn Thị Thanh Phương - 090237...

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Bác sĩ không rõ em đang điều trị lao ở đâu, nhưng Chương trình Chống lao Quốc Gia thường không có chuyện kêu bệnh nhân mua thuốc ở ngoài và cũng ít có cơ sở y tế nào chịu bán thuốc kháng lao nếu không có toa. Nếu tự ý ngưng thuốc thì dễ dẫn tới kháng thuốc. Do đó, em nên tới ngay bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi gần nhất, khi đi nhớ mang theo các xét nghiệm và phác đồ đang dùng để được khám và kê toa tiếp tục em nhé!

Thâm nhiễm hạ đòn phải, bác sĩ ở Nhật Bản không chữa được, phải làm sao?

Tôi hiện đang lao động tại Nhật Bản. Cách đây hơn hai năm tôi đi khám sức khỏe để đi làm bác sĩ có nói tôi bị thâm nhiễm hạ đòn phải. Khi qua Nhật làm việc lâu lâu tôi thấy đau và mỏi vai, tôi lại đi khám và xét nghiệm bên này thì BS nói bệnh này không biết cách chữa như thế nào. Vậy BS cho tôi hỏi có loại thuốc nào uống khỏi hay giảm được ko ạ.

Nguyen Tuan - nguyentuan...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Thâm nhiễm hạ đòn phải là mô tả thường gặp ở bệnh nhân lao phổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người đã điều trị lao khỏi, viêm phổi hoặc u phổi. Nếu thật sự do lao phổi tiến triển, bạn cần phải khám chuyên khao Hô hấp và xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn lao. Phác đồ điều trị lao mới hiện nay kéo dài 6 tháng và phải do bệnh viện chuyên khoa cấp chứ không thể tự ý mua dùng bên ngoài được.

Thân mến!

Liệt dây thần kinh số 7 lâu năm, hiệu quả hồi phục thế nào?

Bác sĩ ơi cháu bị liệt dây thần kinh số VII 20 năm rồi nhưng nhiều lúc cháu bị đau bên liệt đấy, liệu chữa có khỏi hẳn không ạ? Như vậy có nguy hiểm không thưa BS? Bình thường cháu vẫn massage mặt mỗi lúc rảnh và cháu mát xa bên liệt, hồi bé cháu cũng ra Bệnh viện Trung ương chữa rồi nhưng được 2 tháng thì không chữa nữa. 2 tháng đó có dấu hiệu cử động của miệng rất tích cực.

Bùi Khánh Hòa - luharr...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Liệt thần kinh VII ngoại biên với thời gian tổn thương đã trên 20 năm thì hiệu quả các phương pháp phục hồi sẽ không cao. Giai đoạn tốt nhất để thần kinh hồi phục là từ vài tuần đến vài tháng sau tổn thương.

Hiện tại, bạn có thể tham khảo thêm phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể giúp cải thiện được phần nào vận động cơ mặt. Ngoài ra, phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình cũng là một cứu cánh trong trường hợp liệt mặt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ bạn nhé!

Tập luyện thế nào sau khi đặt ống thông tiểu?

Xin hỏi BS, sau khi đặt ống thông tiểu, cần tập gì để có thể đi tiểu lại bình thường mà không bị bí tiểu trở lại khi đã được rút ống thông tiểu? Xin cám ơn.

Lê Vĩnh Sơn - levinhs...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chỉ định rút ống sonde tiểu và thời điểm rút sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân ban đầu phải chỉ định đặt là gì. Thông thường nếu rút sonde tiểu khó khăn, có nguy cơ thất bại có thể tự tập bàng quang bằng cách kẹp giữa nước tiểu và tháo kẹp mỗi 3 giờ/lần, tạo lại phản xạ đi tiểu.

Tuy nhiên điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu làm cho việc rút sonde bị gián đoạn, do đó nhiều quan điểm hiện nay không cần tập bàng quang trước khi rút sonde tiểu nữa. Ngoài ra, khi rút sonde tiểu thất bại nhiều lần, nên báo bác sĩ để tìm nguyên nhân và xử trí bạn nhé!

Vòm họng xuất hiện mảng màu đỏ, bệnh gì?

Thưa bác sĩ,

Hôm nay em tình cờ phát hiện một mảng màu đỏ trong vòm họng gần amidan. Em không biết đây là bệnh gì ạ? Mong nhận được sự hồi đáp của bác sĩ. Em chân thành cảm ơn ạ.

Phuoc Dang - phuocdan...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Dựa theo hình ảnh cung cấp thì vùng họng và amidan của bạn có hiện tượng viêm sung huyết, nếu ho khạc nhiều có thể dẫn tới vỡ các mạch máu dưới niêm gây ra mảng bầm máu. Bạn nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị tích cực bạn nhé!

Nổi nốt đỏ như muỗi đốt khi trời trở lạnh, làm sao cải thiện?

Em chào BS, 2-3 hôm nay trời trở lạnh, những lúc cởi quần áo đắp chăn với lúc dậy em hay bị mẩn 1-2 nốt như kiểu muỗi đốt ở lưng và bị ngứa tầm 10 phút rồi dịu. BS cho hỏi em bị sao ạ?

ZL Phong Chu

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các nốt mẩn ngứa mà bạn mô tả có nhiều nguyên nhân, thông thường là các nốt mày đay do thay đổi thời tiết hoặc dị ứng da do tiếp xúc với chất liệu của chăn màn hoặc thực chất là da phản ứng với côn trùng đốt.

Bạn nên xem lại vấn đề vệ sinh chăn màn, hiện tượng trời nồm khiến cho chăn ga gối đệm nhanh chóng bị nấm mốc và gây dị ứng. Nên giặt và thay chăn, vỏ ga, gối thường xuyên, ít nhất là 1 lần/tuần, nên sử dụng loại có chất liệu tốt, nguồn gốc rõ ràng bạn nhé!

Ứ sắt trong cơ thể, nên ăn uống, sinh hoạt thế nào?

Thưa BS, em bị mệt mỏi người từ năm ngoái nhưng tháng trước đi khám BS ở Cà Mau nói máu em có vấn đề và đề nghị lên Sài Gòn xét nghiệm kiểm tra. Với kết quả như thế này thì em nên ăn uống thêm như thế nào để bổ sung sức khỏe cũng như làm thế nào để giúp giảm sắt trong máu hiệu quả? Đây là kết quả kiểm tra máu ạ. Uống thuốc 3 hôm rồi nhưng thấy rất mệt, cảm giác bị nặng hơn ạ.

ZL Thao Truong

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Dựa theo thông tin cung cấp, bác sĩ nhận thấy bạn có tình trạng ứ sắt trong cơ thể và đang được điều trị thải sắt. Việc quá tải sắt có thể gây tổn thuơng nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả gan và tim nên cần điều trị thải sắt.

Thuốc có thể ảnh hưởng tới gan, gây tăng men gan, mệt mỏi, vàng da; tuy nhiên cần phân biệt với mệt mỏi do ứ sắt đã có từ trước. Nếu có các triệu chứng kể trên mới xuất hiện, bạn nên ngưng thuốc và tái khám ngay.

Ngoài ra, nếu có sốt hoặc xét nghiệm công thức máu hàng tuần kiểm tra phát hiện có giảm bạch cầu đa nhân trung tính thì cũng là trường hợp không phù hợp để dùng thuốc. Hiệu quả của thuốc cần được đánh giá lại sau 2-3 tháng để thay đổi phác đồ. Về ăn uống sinh hoạt, cần tránh các thuốc chứa sắt, tránh bổ sung thêm vitamin C, hạn chế ăn cá sống và hải sản, thịt đỏ, đậu, tránh rượu bia và các thuốc độc gan bạn nhé!

Tăng tiểu cầu kéo dài, phải làm sao?

Thưa BS, em theo dõi tiểu cầu 2,5 tháng nay các chỉ số xét nghiệm như sau: 520-530-640 (uống thuốc Medol), sau ngưng thuốc 516-453- 515-519. Vậy có phải là bệnh tăng tiểu cầu không BS? Chỉ số như vậy có nguy hiểm không ạ? Em đã khám tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu TPHCM và Vinmec Sài Gòn. Bác sĩ chỉ kêu theo dõi mà e lo lắng quá ạ.

ZL Lê Na

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Corticosteroids có thể dẫn tới tăng tiểu cầu thoáng qua, do giải phóng lượng tiểu cầu dự trữ trong lách vào tuần hoàn máu. Tuy nhiên, nếu tăng tiểu cầu kéo dài thì cần khám chuyên khoa Huyết học để làm thêm một số xét nghiệm tầm soát nguyên nhân. Nếu được bạn vui lòng cung cấp đầy đủ các xét nghiệm đã thực hiện để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X