Đau khớp vai sau khi đánh cầu lông, không giơ tay qua đầu được, cần làm gì?
Khi bị đau vai và hạn chế vận động sau khi đánh cầu lông thì cần làm gì để không bị nặng thêm? Có thể làm việc với máy tính được không? - TS.BS Tăng Hà Nam Anh giải đáp vấn đề này.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh:
Câu hỏi này đặt ra cho chúng ta hai vấn đề. Những người chơi môn thể thao có động tác tay giơ cao quá đầu như tennis, cầu lông… làm cho gân chóp xoay cấn với phần mỏm cùng. Nếu cấn lâu ngày, nó sẽ dẫn đến hiện tượng rách gân chóp xoay, lúc ấy gân chóp xoay sẽ đi theo hai hướng.
Khi một bệnh nhân không thể giơ tay lên qua đầu, cần phân biệt co rút bao khớp vai và rách gân chóp xoay: Người bị co thắt bao khớp vai, họ không đưa tay lên đầu được dù họ có lấy tay đẩy lên. Rách gân chóp xoay, mình không tự đưa tay lên đầu nhưng mình dùng tay đẩy nó vẫn lên được tức là vận động, thụ động khớp vai vẫn bình thường.
Người đó chỉ vận động chủ động không được, đó là rách chóp xoay. Nếu chúng ta vận động chủ động và thụ động bị cứng, đó là viêm co rút bao khớp vai.
Viêm co rút bao khớp vai có 4 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là viêm, nó đau dữ dội. Sau đó, nó có các vận động hạn chế nhưng khi mình lấy tay đẩy nó vẫn đi được, mặc dù còn đau. Giai đoạn thứ hai, tay đứng lại, hạn chế vận động nhiều hơn. Khi ấy, mình không thể tự lấy tay đẩy lên được. Vận động thụ động chủ động đều bị cứng nhưng bệnh nhân còn cử động trong một số hạn chế. Động tác đầu tiên ảnh hưởng đến khớp vai là động tác xoay trong. Phụ nữ thường dễ bị bệnh này và dễ phát hiện nhất là không còn cài được áo ngực ở sau lưng, hay không còn tự tay kéo dây khóa của áo đầm sau lưng lên được nữa.
Giai đoạn thứ ba của viêm co rút bao khớp vai là cứng ngắc hoàn toàn, gọi là khớp vai đông lạnh, hồi xưa họ đặt tên là frozen shoulders. Giống như ta bỏ con cá vào tủ đông, nó cứng ngắc và ta không cử động được. Các động tác bình thường như gãi đầu, ta phải nghiêng đầu qua để gãi.
Điểm hay của bệnh này là giai đoạn thứ tư: bệnh tự lành. Phải mất từ 2-3 năm, thậm chí 5 năm khớp vai mới tự lành. Thực tế, không ai chịu đựng cơn đau từ 2-3 năm hoặc 5 năm để nó tự “rã đông”. Họ phải điều trị sớm.
Đối với người chơi vợt quá đầu, họ có hội chứng cấn dưới mỏm cùng. Sau dần, nó cọ xát thường xuyên, dẫn đến rách gân chóp xoay. Động tác dễ thấy nhất là lái xe máy cũng khiến ta mau mỏi, mới chạy một lúc mà tay như muốn rụng xuống. Vận động khớp vai bình thường nhưng hay đau vào ban đêm, đau từ vai lên đến chân cổ, mặt ngoài cánh tay, nằm nghiêng, bên vai vẫn bị đau. Khi bác sĩ khám, họ sẽ thấy tay bị yếu hẳn đi.
Trường hợp bị viêm khớp do viêm co rút bao khớp vai, chúng ta xuôi tay xuống vẫn đánh máy vi tính được nhưng lời khuyên là nên đi điều trị sớm vì để đến giai đoạn khớp vai đông lạnh, chúng ta phải mổ cắt bao khớp bả vai để nó vận động được.
Nếu bạn hỏi “tôi ráng chịu cơn đau từ 3-5 năm được không?”, câu trả lời là được nhưng đau khớp vai là đau kinh hoàng. Khớp vai có nhiều dây thần kinh và mạch máu chi phối. Một cơn đau khớp vai sẽ khiến cho bệnh nhân rất khó chịu, nhiều người bị đau lăn lộn.
Trọng Dy (ghi)
Trích: TS.BS Tăng Hà Nam Anh: Ngoài chấn thương, còn nguyên nhân nào khác dẫn đến đau khớp vai?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình