Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết cường kinh và hướng điều trị ra sao?

Lượng kinh nguyệt nhiều hơn bình thường (cường kinh) khiến các chị em mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí là buồn nôn. Tình trạng này có bất thường và điều trị thế nào? Mời các chị em phụ nữ theo dõi chương trình tư vấn cùng BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên để hiểu thêm về vấn đề này.

1. Thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường?

Thưa BS, đầu tiên xin nhờ BS giải thích cụ thể hơn: Kinh nguyệt là gì và tại sao lại có kinh nguyệt ạ?

Trong suốt cuộc đời, người phụ nữ sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên, giai đoạn dậy thì và chưa có chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn tiếp theo là bước vào giai đoạn sinh sản, được đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt (ra máu âm đạo) đầu tiên.

Kinh nguyệt là hiện tượng bong lớp niêm mạc tử cung có chu kỳ do sự thay đổi nội tiết làm chảy máu từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Đa số các chị em sẽ có kinh nguyệt đều đặn, nghĩa là từ 28-30 ngày một lần. Tuy nhiên vẫn có người dài hoặc ngắn hơn. Một số người chu kỳ kinh nguyệt bị đảo lộn, tháng ngắn - tháng dài. Điều này tùy thuộc vào sinh lý của mỗi cô gái.

2. Đâu là các dấu hiệu nhận biết cường kinh?

Làm thế nào để các chị em biết là mình đang bị cường kinh? Có phải tháng nào thấy ra kinh nhiều hơn bình thường được gọi là cường kinh không, thưa BS?

Kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ có nhiều đặc điểm khác nhau. Thông thường thì hàng tháng các chị em sẽ có lượng kinh nguyệt vừa phải, kéo dài khoảng 3-5 ngày, không quá 7 ngày. Tuy nhiên sẽ có một số trường hợp bất thường như sau:

- Lượng kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, gọi là cường kinh.

- Lượng kinh kéo dài hơn bình thường (hơn 7 ngày, thậm chí là 10 ngày hay cả tháng), nghĩa là tình trạng ra huyết kéo dài, được gọi là rong kinh.

Thông thường, trong chu kỳ kinh nguyệt, vào ba ngày đầu tiên lượng máu kinh sẽ ra nhiều hơn các ngày khác. Đây là những ngày nội mạc tử cung vừa bong tróc. Những ngày sau (ngày 4, ngày 5), thông thường lượng máu kinh sẽ thuyên giảm và hết.

Về triệu chứng của rong kinh, các chị em phụ nữ theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Bình thường chỉ cần thay 3-5 miếng băng vệ sinh, lượng không nhiều, nhưng đột nhiên ra nhiều hơn kèm theo những cục máu đông. Một dấu hiệu rất dễ nhận diện đó là, tình trạng ra huyết nhiều làm chóng mặt, vã mồ hôi, hoặc ví dụ như trong 1 tiếng sử dụng đến hai miếng băng vệ sinh ướt đẫm. Đây là những dấu hiệu báo động các chị em đang ra kinh nhiều.

3. Ra máu nhiều, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn nếu kéo dài có nguy hiểm?

Nhiều chị em phụ nữ mỗi tháng đều ra lượng kinh nguyệt nhiều, gây mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí là buồn nôn. Xin hỏi BS, tình trạng này nếu kéo dài có gây biến chứng nguy hiểm không ạ?

Khi các chị em có kinh nguyệt bất thường (lượng kinh nhiều, đau bụng kinh, kinh nguyệt kéo dài) thì nên đi khám bác sĩ sớm. Bởi vì, khi ra kinh nguyệt, người phụ nữ sẽ bị mất máu. Nếu hàng tháng chỉ mất máu ở số lượng ít thì sẽ bù lại bằng chế độ ăn uống, thuốc bổ. Nhưng nếu lượng kinh nguyệt nhiều, chị em sẽ bị mất máu liên tục, có thể gây ra vấn đề thiếu máu, vì lượng sắt bổ sung để tái tạo máu trong thực đơn mỗi ngày không cung cấp đủ so với lượng máu mất đi.

Hơn nữa, thông thường, tất cả những vấn đề liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, ví dụ như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung cũng đều làm ra huyết kéo dài. Và khi không biết nguyên nhân thì sẽ không cầm máu được. Do đó, lời khuyên tốt nhất chính là đi khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường. Nếu phát hiện cường kinh, rong kinh, điều trị đúng nguyên nhân thì sẽ hết tình trạng này. Trong khi đó, nếu rong kinh, rong huyết là một tình trạng báo động của bệnh lý, nếu không đi khám thì khó có thể phát hiện kịp thời, để đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã quá nặng.

4. Nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều máu?

Thưa BS, ra máu nhiều, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập, vậy các chị em nên ăn uống, sinh hoạt ra sao? Có nên trữ sẵn thuốc sắt để bổ sung không ạ?

Khi có dấu hiệu ra máu bất thường, các chị em nên mạnh dạn đi khám. Thực tế, nhiều chị em cảm thấy ngại nếu đi khám khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Thậm chí bác sĩ đã từng gặp người bệnh kinh nguyệt kéo dài đến 3 tháng nhưng không chịu đi khám. Khi tìm hiểu thì được biết là người bệnh ngại khi phải đi khám khi đang ra huyết.

Đối với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chị em có thể thấy hơi trằn bụng, đó là vì tử cung co bóp để tống xuất máu kinh ra ngoài, sau đó tạo thành chu kỳ nội mạc tử cung mới. Vì vậy, trong những ngày này, chúng ta có thể thấy đau bụng, khó chịu, mệt mỏi. Khi đó, các chị em nên vận động nhẹ nhàng, làm việc không quá sức.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cũng rất quan trọng, để đảm bảo không viêm nhiễm. Bởi vì máu kinh là môi trường nếu để lâu quá 4 tiếng sẽ là điều kiện phát triển vi khuẩn và dễ nhiễm trùng hơn. Đồng thời, nếu viêm nhiễm trong giai đoạn hành kinh thì sẽ nặng hơn.

Về cách bổ sung sắt, nếu sử dụng định kỳ trong một chu kỳ kinh nguyệt, khoảng 10 ngày là hoàn toàn tốt. Thực tế, trong vỉ thuốc ngừa thai hằng ngày loại 28 viên thì chỉ có 21 viên là có tác dụng ngừa thai, 7 viên còn lại thông thường sẽ chứa sắt, giúp các chị em bổ sung sắt trong những ngày hành kinh.

Việc bổ sung sắt sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày có cung cấp đủ sắt hay không (thông thường, sắt có trong nhiều thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, các loại rau xanh đậm màu). Nếu chế độ ăn uống bổ sung sắt tốt thì không cần uống thuốc bổ có chứa sắt. Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn rằng sẽ có chế độ ăn uống hợp lý, đủ sắt cho cơ thể.

Chưa kể, trong những ngày hành kinh, nhiều chị em phụ nữ có cảm giác đau bụng, buồn nôn, ăn không ngon miệng. Vì vậy, nếu trong chu kỳ kinh nguyệt mệt mỏi, khó chịu, rối loạn tiêu hóa kèm theo thì nên chia nhỏ bữa ăn sẽ tốt hơn.

5. Khám và điều trị bệnh cường kinh như thế nào?

Khi bị cường kinh thì nên đi khám và điều trị bệnh lý này như thế nào, thưa BS?

Khi đi khám tại một cơ sở y tế, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử (triệu chứng cường kinh xuất hiện bao lâu, có những chị em gặp tình trạng này 2-3 năm nên tổng trạng xanh xao, thiếu máu), tiền căn gia đình (một số bệnh lý huyết học có yếu tố gia đình cũng gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ) và bệnh lý (bao gồm cả bệnh lý nội-ngoại khoa và sản phụ khoa). Sau đó, bác sĩ sẽ đánh giá tổng quát nguyên nhân ra máu từ đâu. Đôi khi có những trường hợp xuất hiện polyp ở cổ tử cung sẽ làm ra máu từ cục polyp đó hoặc trường hợp ung thử cổ tử cung cũng gây ra máu.

Bệnh lý gây ra máu thường gặp hơn là u xơ tử cung. Thông thường sẽ tùy thuộc vào vị trí của u xơ trên tử cung sẽ gây ra máu nhiều hay cường kinh. Chẳng hạn như trường hợp u xơ tử cung nằm sát nội mạc tử cung hoặc dưới niêm mạc, các chị em sẽ có triệu chứng ra máu rất nhiều hoặc ra máu kéo dài, cũng rất nguy hiểm nếu không được điều trị.

Khi bác sĩ tìm được nguyên nhân ra máu thì sẽ điều trị đúng nguyên nhân đó. Đặc biệt ở người phụ nữ lớn tuổi (gần tuổi mãn kinh hoặc đã mãn kinh nhưng tự nhiên ra máu nhiều trở lại), bác sĩ có thể chỉ định thêm thủ thuật nạo sinh thiết, nghĩa là lấy nội mạc tử cung để kiểm tra xem có tế bào ác tính không; có bệnh lý gì ở nội mạc tử cung làm ra máu, rong kinh hoặc rong huyết không?

Thủ thuật này sẽ chỉ định dựa trên việc cân nhắc nguyên nhân ra máu, tùy thuộc vào tổng trạng của mỗi người. Không phải chị em nào đi khám phụ khoa cũng cần nạo sinh thiết, vì vậy không cần quá lo lắng.

Khi đã đánh giá tổng quát, bao gồm thăm khám, có kết quả siêu âm, thử máu, đồng thời nạo sinh thiết (nếu cần), bác sĩ sẽ quyết định điều trị dựa trên nguyên nhân ra máu, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết hoặc phẫu thuật.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X