Hotline 24/7
08983-08983

Cứ 5 giây, có 1 người tử vong vì đái tháo đường

Đái tháo đường là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có một ca tử vong vì căn bệnh này.

3,8 triệu người Việt hiện sống chung với đái tháo đường, hầu hết trong số này là type 2, bệnh diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Đây là những con số báo động được PGS.TS.BS Đỗ Trung Quân - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam thông tin tại lễ mít tinh Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11.

PGS.TS.BS Đỗ Trung Quân cho biết thêm, năm 2021 ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với đái tháo đường trên thế giới. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Đây chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có một ca tử vong vì căn bệnh này.

Theo TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đái tháo đường tiến triển âm thầm trong cơ thể. Hiện nay, số người mắc đái tháo đường đang gia tăng chóng mặt và độ tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người mắc bệnh mà không biết. Chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng mới nhận diện được, gây ra nhiều tình trạng nặng nề như giảm thị lực, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, cao huyết áp, tai biến mạch máu não… Vì vậy, bệnh đái tháo đường được coi là "kẻ giết người thầm lặng".

Tỉ lệ tử vong của đái tháo đường đứng thứ ba trong các bệnh không lây nhiễm. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị tích cực với các biến chứng. Nhiều trường hợp không biết mình bị đái tháo đường trong vòng 10 đến 20 năm, nhập viện trong tình trạng hôn mê, đường huyết rất cao. Đặc biệt, bệnh cũng đang gia tăng ở người trẻ dưới 40 tuổi, ở trẻ em do lối sống tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, lười vận động dẫn đến dư thừa năng lượng, rối loạn chuyển hóa.

Đáng chú ý, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 có nhiều trường hợp nhập viện với biến chứng nặng người do bệnh không đi khám, điều trị kịp thời trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cũng như không tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.

Bệnh không thể chữa khỏi được nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. "Người mắc bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh, bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc"- TS.BS Phan Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, để dự phòng mắc bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia, duy trì cân nặng phù hợp.

Người tiền đái tháo đường có nguy cơ cao bị đái tháo đường nhưng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời bằng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý thì có thể ngăn chặn tiến triển thành bệnh đái tháo đường.

Thứ trưởng Y Tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Do vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp đề phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói, mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô, ngứa da... Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.

Năm nay, khẩu hiệu được đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường là "Tiếp cận dịch vụ Chăm sóc Người Đái tháo đường". Đây là chiến dịch tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường, hỗ trợ về việc tiếp cận chăm sóc, điều trị, quản lý, dự phòng đối với căn bệnh này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X