Hotline 24/7
08983-08983

CPET - nghiệm pháp cần làm để ngăn ngừa cơn đột tử khi tập luyện

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM đã dành thời gian giải đáp cho bạn đọc về nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET. Đây là nghiệm pháp cao cấp cho biết rất nhiều chỉ số, khả năng gắng sức của một người khi tập luyện, từ đó tránh được những câu chuyện tử vong đáng tiếc khi đang vận động.

1. Chỉ một triệu chứng khó thở, có đến 26 nguyên nhân

Khó thở là triệu chứng khiến nhiều bạn đọc lo lắng hỏi AloBacsi. Và khi gửi thắc mắc này đến các bác sĩ tư vấn, bác sĩ cho biết: “khó thở” là một trong những bài khó giảng và khó học nhất tại trường y.

Hôm nay AloBacsi rất hân hạnh được PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhận lời chia sẻ về vấn đề “khó giảng - khó học” tại trường y này.  Thưa PGS, đầu tiên xin PGS lý giải tại sao một triệu chứng thường gặp như khó thở mà lại khó thăm khám, khó chẩn đoán như vậy ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Khó thở khó chẩn đoán là vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể kể đến như tâm lý lo lắng, sợ hãi; những vấn đề liên quan đến tim (suy tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim); các bệnh lý của vùng tai mũi họng (nghẹt mũi, rối loạn chức năng dây thanh,…); những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản); thiếu máu hoặc cơ hô hấp yếu; các ti thể trong tế bào “không biết” sử dụng oxy tốt cũng đều có thể gây ra khó thở.

Đây là một triệu chứng bệnh lý đa chuyên khoa. Để chẩn đoán được đúng các bác sĩ phải loại trừ những bệnh lý ở các chuyên khoa khác, từ đó mới chẩn đoán các bệnh lý trong chuyên khoa của mình.

Đơn cử như khoa Hô hấp, khi một bệnh nhân có triệu chứng khó thở đến thăm khám, các bác sĩ phải loại trừ 26 nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân nào gây khó thở. Thực sự, đây là một vấn đề rất khó chẩn đoán nhưng đôi khi cũng rất dễ, ví dụ như bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn thì các bác sĩ chỉ cần làm hô hấp kí là đã có thể chẩn đoán ra được, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng tương tự như vậy.

Hiện nay, các bác sĩ có phương pháp và phương tiện nào để chẩn đoán khi bệnh nhân bị khó thở ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Khi khó thở bệnh nhân thường sẽ đến 4 khoa chính:

- Khoa Thần kinh

- Khoa Tai mũi họng

- Khoa Tim mạch

- Khoa Hô hấp

Tùy vào việc bệnh nhân đến khoa nào trước thì các bác sĩ ở khoa đó sẽ loại trừ các nguyên nhân ở khoa mình. Nếu không nhận thấy bệnh nhân có các triệu chứng liên quan, lúc này các bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên khoa khác. Mỗi lần khám bệnh nhân sẽ được hỏi về bệnh sử, khám thực thể lâm sàng.

Ví dụ khi nói đến Hô hấp và Tim mạch, chụp phim phổi (ngoài trừ trường hợp bệnh nhân bị lao phổi) sau đó làm hô hấp ký là những phương pháp đầu tiên mà các bác sĩ luôn cố gắng thực hiện, vì đây là kỹ thuật giản dị, ít xâm lấn, ít tốn kém nhất cho bệnh nhân.

Nếu vẫn chua tìm ra được nguyên nhân thì cần làm các biện pháp cao hơn nữa: đo phế thân ký, nội soi, chụp CT,… Khi những nghiệm pháp thông thường này không thể tìm ra được nguyên nhân gây khó thở thì lúc này sẽ cần đến nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức.

2. Nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức là gì, ưu điểm ra sao?

PGS vừa cho biết phương tiện hiện đại nhất hiện nay để phục Vụ chẩn đoán khó thở là “nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET”. Xin PGS cho biết thêm về nghiệm pháp này, nó sẽ cung cấp những thông tin gì, và ưu điểm so với các phương tiện trước đây là gì ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Trong các test thăm dò chức năng thì test về độ gắng sức luôn được đánh giá cao nhất. Như ông bà ngày xưa thường nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chúng ta cần cho bệnh nhân gắng sức mới bộc lộ ra được những yếu điểm mà khi bình thường không thể nhận ra được.

Khi khám, bệnh nhân nếu chỉ ngồi yên tĩnh thì có thể các bác sĩ sẽ không nhận ra được các vấn đề. Nhưng ngược lại khi được vận động gắng sức, bệnh nhân sẽ huy động được hết tất cả những khả năng sức lực tối đa của tim.

Trước đây, đối với nghiệm pháp tim mạch gắng sức nghĩa là chỉ có thể đo được điện tâm đồ, huyết áp và nhịp tim trong lúc bệnh nhân gắng sức. Song hiện tại với nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức là sự phối hợp của cả 3 hệ thống:

- Tim mạch: đo huyết áp, nhịp tim, điện tim và bác sĩ sẽ luôn theo dõi chặt chẽ.

- Hô hấp: Bệnh nhân sẽ đeo mask (mặt nạ) và thở qua đó. Như vậy sẽ đo được các kiểu thở, thể tích phổi,… của bệnh nhân trong lúc hoạt động. Đồng thời, qua mask này bác sĩ sẽ phân tích khí cacbonic, oxy hấp thu và thải ra, nhờ đó sẽ đánh giá được sự chuyển hóa của bệnh nhân.

Rất nhiều chỉ số được thể hiện ra sau khi thực hiện nghiệm pháp này. Thậm chí, các bác sĩ có thể in ra 1 trang giấy A4 về tất cả các vấn đề của bệnh nhân. Trong đó, có một chỉ số được xem là “vàng” mà thông qua nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức này cho các bác sĩ biết, đó là thể thể tích oxy hấp thu tối đa.

Thông thường, khi bệnh nhân kể là mình bị khó thở, các bác sĩ tư vấn đến thăm khám tại 2 chuyên khoa hô hấp và tim mạch. Thông tin về nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET rất mới mẻ, PGS đánh giá thế nào về vai trò của CPET trong bệnh lý hô hấp và bệnh lý tim mạch ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

CPET đã bắt đầu sử dụng trên thế giới ít nhất là 50 năm. Vì đây là biện pháp gắng sức nên đòi hỏi rất nhiều thứ, từ xe đạp, thảm lăn, hệ thống máy móc tinh vi để đo điện tim, hô hấp, phân tích oxy, CO2 đến không gian rộng rãi giúp bệnh nhân có thể tập gắng sức.

Mặt khác, nghiệm pháp này vẫn có những nguy cơ, vì thế đòi hỏi người bác sĩ và kỹ thuật viên làm trong trong hệ thống này cần phải được huấn luyện chuyên nghiệp về thủ thuật cấp cứu tim mạch hồi sức. Đây là một nghiệm pháp duy nhất trong hô hấp mà đích thân bác sĩ phải thực hiện, không thể giao cho kỹ thuật viên làm được.

Hiện nay, CPET là một nghiệm pháp quá cao cấp nên còn rất ít cơ sở y tế có thể đầu tư. Máy CPET đầu tiên tại TPHCM đang được trang bị tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Trong tương lai, chiếc máy thứ 2 sẽ khai trương ở Trung tâm hô hấp chăm sóc cộng đồng CHAC.

Vai trò của CPET tương đối rộng, vì thế nó được áp dụng rất nhiều. Đầu tiên là giúp chẩn đoán nguyên nhân khó thở mà các bác sĩ không thể tìm ra khi khám ở trạng thái tĩnh.

Thông thường, với tình trạng khó thở, chúng ta thường cho rằng nguyên nhân là do tâm lý. Nhưng theo đúng nguyên tắc, chỉ khi nào bệnh nhân làm CPET và kết quả bình thường mới được phép kết luận là bệnh nhân khó thở do tâm lý.

Với CPET, người bệnh bộc lộ toàn bộ sức lực và các điểm yếu của cơ thể, khi đó các bác sĩ Tim mạch, Hô hấp sẽ phát hiện ra rất nhiều bệnh lý mà chỉ thấy khi hoạt động gắng sức.

Như đã nói ở trên, CPET là một nghiệm pháp cao cấp, vì thế độ phổ biến của nó còn hạn chế, không chỉ ở Việt Nam và trên cả thế giới cũng vậy. Hiện, Việt Nam cũng chỉ mới áp dụng trong năm nay. Vì thế tôi rất mong qua thông tin này các bác sĩ sẽ thấy được vai trò CPET.

Hiện nay, phòng tập thể dục, thể hình, ngày càng nhiều và chúng ta cũng tích cực tham gia các hoạt động, chạy đua marathon. Đây là điều đáng mừng bởi nó cho thấy người dân bắt đầu quan tâm đến sức khỏe. Nhưng đã có nhiều trường hợp tai biến xảy ra trong vận động, điển hình như một vận động viên 29 tuổi đã đã từng tử vong trên đường chạy marathon.

Ở nước ngoài, trước khi tham gia một cuộc đua như vậy các bạn phải được thăm khám, xếp loại bạn ở mức độ nào, có thể tham gia bao nhiêu, bạn có bị nguy cơ gì trong lúc gắng sức hay không. Những thông tin này sẽ được giải đáp thông qua nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong tập luyện hoặc một cuộc thi đấu nào đó thì việc thực hiện nghiệm pháp CPET là điều cần thiết.

Như vậy, có phải là nếu được thăm khám, đánh giá bằng nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET thì sẽ tiện lợi hơn cho bệnh nhân vì họ không cần phải đi đến cả 2 chuyên khoa hô hấp và tim mạch không ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Đúng vậy, nó có sự tiện lợi vừa về hô hấp, tim mạch và cả chuyển hóa, nhưng điều quan trọng nhất là sự an toàn. Bởi đã có nhiều trường hợp vận động viên tử vong trong phòng tập gym, hay trên sân bóng đá, đường chạy,… hay rất nhiều người trẻ như em học sinh lớp 12 ở Phú Yên.

Chúng tôi đã thử nghiệm trên một số bệnh nhân, tùy theo giới tính, chiều cao, cân nặng, số tuổi, khi họ vận động được nhận định sẽ đạp xe lên tới150w, nhưng thực tế khoảng 50w thôi là bệnh nhân bắt đầu lên huyết áp. Mà như chúng ta đã biết, khi huyết áp tâm thu trên 220 mmHg làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dừng ngay lập tức. Nhưng những nguy cơ này bản thân bệnh nhân không nhận biết được, thậm chí khi ở nhà họ còn tập luyện với cường độ cao hơn nữa.

Hoặc có những trường hợp khác chỉ đạp xe với cường độ thấp thì đã xuất hiện nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, lên cơn hen, co thắt đường dẫn khí nhưng bệnh nhân không hề biết đều này, họ vẫn còn ỷ y vào sức khỏe của mình.

Do đó, CPET rất tiện lợi khi thăm khám được cả tim mạch, hô hấp, chuyển hóa. Quan trọng bệnh nhân cũng phải biết ngưỡng an toàn của mình, tập bao nhiêu là dừng không nên tập nữa. Hiện giờ những người vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người yêu thích các môn vận động thì hầu hết đều sở hữu một cái đồng hồ cho họ biết nhịp tim, huyết áp, chỉ số lượng tiêu thụ oxy tối đa (VO2 max).

Tuy nhiên, đồng hồ chỉ là tính toán thôi, còn trong khi đó CPET thì đo trực tiếp, nên sẽ rất tốt. Và sắp tới chúng tôi sẽ mời những vận động viên hàng đầu hiện nay đo miễn phí để so sánh xem chỉ số lượng tiêu thụ oxy tối đa (VO2 max) trên thực tế là bao nhiêu để có hệ số điều chỉnh.

3. Người bệnh khó thở nên tập luyện thế nào?

Trước nay mọi người thường nghĩ rằng có bệnh thì uống thuốc điều trị. Qua phần chia sẻ của PGS, mọi người ghi nhớ thêm rằng việc tập luyện cũng rất quan trọng, giúp bệnh mau cải thiện. Xin PGS chia sẻ thêm, người bệnh khó thở thường được tập luyện như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Đầu tiên phải tìm nguyên nhân khó thở là gì. Bởi việc tập luyện rất phổ biến, ví dụ ngay cả những người suy tim, đặt stent do tắc động mạch vành vẫn phải tập luyện để phục hồi chức năng; hoặc những bệnh nhân hen suyễn cũng cần tập để tăng cường sức lực cơ hô hấp. Nói chung khi tập luyện thì tất cả các cơ quan đều vận động và mỗi người đều có 1 ngưỡng tập của riêng mình.

Trong nghiệm pháp CPET sẽ đo lúc bệnh nhân nghỉ ngơi. Sau đó bệnh nhân bắt đầu tập luyện, khi vận động giai đoạn đầu tiên đầy đủ oxy gọi là giai đoạn vận động hiếu khí. Khi tiếp tục tập nữa thì cơ thể không cung cấp đủ oxy thì chúng ta sẽ tới ngưỡng hiếu khí 1, tập lên nữa sẽ tới hiếu khí 2, tập hết sức tối đa sẽ lên tới đỉnh.

Như vậy các bác sĩ của phòng tập đo CPET còn có chức năng khác là viết 1 bài tập cụ thể cho từng người dựa trên lúc nghỉ ngơi của bệnh nhân, hiếu khí 1, hiếu khí 2 và đỉnh của họ.

Do đó, chúng ta sẽ có các bài tập từ nhẹ, trung bình, cao, rất cao và cực kỳ cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào từng người. Vì vậy, trước khi tập bệnh nhân nên thăm khám, kể cả những bài tập trong phòng gym hay bài tập thông thường như chơi tennis,… chứ chưa nói tới các cuộc chạy marathon.

Ở nước ngoài sẽ không dám tổ chức marathon mà không được kiểm tra tim mạch, hô hấp trước đó. Ai cũng có thể tập luyện được nhưng phải trong ngưỡng an toàn của mình.

Nhiều người cũng băn khoăn là tập luyện ở mức độ nào là vừa phải, và có khi nào việc tập luyện lại gây nguy hiểm cho bệnh nhân không…? PGS có thể cho biết trước khi có nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET, các bác sĩ làm cách nào giúp bệnh nhân xác định ngưỡng tập luyện ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Trong quá trình tập, ban đầu bệnh nhân nên ngồi trên xe đạp và nghỉ ngơi, lúc đó đang là mức thấp nhất của bệnh nhân, sau đó họ sẽ bắt đầu đạp xe đạp thì bác sĩ sẽ theo dõi và đo tiếp tới ngưỡng gọi là yếm khí.

Nếu tập dưới ngưỡng yếm khí thì gọi là tập sức bền, ai cũng có thể tập và bao nhiêu lâu cũng được, rất an toàn cho mọi người. Nhưng đó là người bình thường, còn có những người chưa tới ngưỡng yếm khí đã xuất hiện cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,…

Cho nên không thể nói người nào bao nhiêu được mà tất cả mọi người phải lên xe tập để xem ngưỡng của mình tới đâu.

Nếu muốn tập bền, tập dài, tập trung bình thì tập dưới ngưỡng VTV1, nhưng muốn tăng sức cơ thì có thể lên tới VTV2, trên VTV2 lên tới VO2 max thì thuộc về vận động viên.

Do đó, mức độ của từng người phải được đo trên máy tim mạch hô hấp gắng sức - CPET và điều quan trọng nhất là trong lúc vận động mạnh như vậy có nguy hiểm, nguy cơ, hay tai biến nào không để giới hạn.

Ví dụ tập tới 100w mà lên huyết áp thì từ đó trở về sau bệnh nhân không được tập ở mức đó nữa mà chỉ ở dưới và đồng thời đi điều trị huyết áp. Sau khi được điều trị rồi thì sẽ phải kiểm tra lại, xem với thuốc điều trị như vậy có thể tập lên mức nào. Đó cũng là điều bác sĩ tim mạch quan tâm để đánh giá hiệu quả điều trị.

Để giúp bệnh nhân xác định ngưỡng tập luyện thì bác sĩ có những cách như dựa trên nhịp tim, huyết áp hoặc đơn giản như vừa tập vừa hát được thì là nhẹ, tập mà nói từng chữ là cao, còn tập mà không nói được là rất cao.

Đó là những biện pháp đơn giản, tuy nhiên việc dựa trên nhịp tim hay huyết áp thì cũng không chính xác lắm, vì nhịp tim rất biến động, nếu lo lắng, sợ hãi thì nhịp tim, huyết áp cũng có thể thay đối.

Do đó, phương pháp vàng để xác định ngưỡng tập luyện vẫn là nghiệm pháp vận động tim mạch hô hấp gắng sức - CPET.

4. Địa chỉ và chi phí thực hiện nghiệm pháp CPET?

Hiện tại ở Việt Nam, những cơ sở y tế/ trung tâm nào đã trang bị máy CPET, thưa PGS? Chi phí thực hiện nghiệm pháp này như thế nào? Đây là điều mà rất nhiều khán giả theo dõi chương trình hôm nay mong được biết ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trả lời:

Hiện nay chúng tôi đã lập ra 2 trung tâm. Một trung tâm đã được vận hành từ đầu năm nay ở phòng khám bệnh viện Đại học Y dược 1 (số 20-22 Dương Quang Trung, Quận 10, TPHCM); trung tâm thứ 2 thì đang làm thủ tục để xin phép Bộ Y tế và sẽ ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng CHAC (số 110A Ngô Quyền, P,8, Quận 5, TPHCM, ĐT: 028. 3957 4933).

Về trang bị nói chung tốn rất nhiều tiền và phòng ốc phải đảm bảo thoáng, rộng, sạch sẽ; bên cạnh đó bác sĩ phải được huấn luyện rất cao cấp kể cả kỹ thuật viên đi theo.

Ở nước ngoài 1 lần test như vậy là 1.850 đôla, còn ở Việt Nam thì sẽ không đến mức đó.

Một người làm CPET đầu tiên phải có bước chuẩn bị trước, vì nó có những chống chỉ định rất nghiêm ngặt nên không phải ai cũng làm được.

Bệnh nhân đến trung tâm, trước tiên phải làm điện tim, thứ 2 siêu âm tim, thứ 3 hô hấp ký. Nếu 3 cái này chúng tôi thấy rằng có thể chấp nhận được thì mới cho lên đạp xe đạp. Tất cả chi phí chỉ khoảng 2,4 triệu đồng (khoảng 100 đôla), rất rẻ so với nước ngoài.

Qua đây, tôi cũng khuyên mọi người nên chuẩn bị cẩn thận trước tất cả các bài tập thể thao, đặc biệt những bài tập gắng sức nhiều.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X