Hotline 24/7
08983-08983

Con muốn tự tử, cha mẹ nên làm gì?

Theo một số chuyên gia tâm lý, những trẻ có ý định tự tử hay hành động bất thường như khóc nhiều, ở một mình, xa lánh mọi người. Cha mẹ nên chú ý những diễn biến tâm lý của con.

TS tâm lý Nguyễn Thị Minh - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - cho biết, trong quá trình tham vấn, chị thường gặp học sinh có ý định tự tử vì áp lực bài vở, gia đình không hạnh phúc. Các em thấy cuộc sống vô nghĩa, nặng nề nên muốn giải thoát.

Một số bạn khác có nhận thức hời hợt rằng "chết là hết", nhưng không biết sẽ nảy sinh những vấn đề mới, như để lại sự dằn vặt cả cuộc đời cha mẹ.

Những dòng đầu tiên trong bức thư tuyệt mệnh củaThùy Trang (16 tuổi, Bình Phước). Nữ sinh tự tử vì kết quả học tập không như kỳ vọng. Ảnh: Người Lao Động

Biểu hiện của học sinh có ý định tự tử

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý Đại học Sư phạm TPHCM kể lại, một nữ sinh đã gửi lời cảm ơn anh vì nếu không có những tư vấn kịp thời, bạn ấy đã tự tử vì thất tình. Gần gũi với đời sống giới trẻ, câu chuyện này đã trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ của thầy giáo trẻ.

TS Khắc Hiếu nhắn nhủ: “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, mà sống thì tất yếu phải có gió ngược. Đừng bật rễ một cách dễ dàng, sống một cách yếu ớt và chết một cách hèn nhát. Khi bế tắc, muốn tự tử, đừng bao giờ hỏi: Tôi đã mất gì? Hãy tự hỏi: Tôi vẫn còn gì?".

Từ những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn tâm lý, TS Nguyễn Thị Minh cho hay, học sinh có ý định tự tử thường biểu hiện căng thẳng, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, đau đầu, mệt mỏi, trí nhớ giảm, ít giao thiệp hoặc giao thiệp quá nhiều. Đó là những cảnh báo rối nhiễu dễ dàng nhận biết.

Tuy nhiên, một số học sinh khác lại nuôi dưỡng ý định tự tử bằng cách hủy hoại cơ thể để trải nghiệm những cơn đau đớn như tự rạch tay, chân.

Còn TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định: Thực tế, các em có ý định tự tử thường tự phát, nhưng không nhiều người dám hành động. Biểu hiện của bạn trẻ đang bế tắc là khóc nhiều, muốn ở một mình, có thái độ lạ với mọi người, đặc biệt là bạn bè. Nhiều em khi tự tử đã gọi cho bạn hoặc người thân thiết để chào vĩnh biệt.

Đây là những biểu hiện dễ nhận thấy, các bậc phụ huynh nên chú ý để theo dõi diễn biến tâm lý của con mình.

Nói yêu thương thay vì trách móc

Theo TS Hương, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có ý định tự tử, để ngăn chặn kịp thời, điều cần thiết là ở bên con ngay lập tức. Thay vì trách móc, cha mẹ hãy nói chuyện để con bỏ ý định xấu.

"Ta luôn chăm chú vào thất bại, thổi phồng lên và tưởng tượng cuộc đời mình đã mất hết tất cả. Thực ra, ta chỉ mất đi một phần rất nhỏ mà thôi. Tay chân vẫn còn. Sự sống vẫn còn. Cơ hội vẫn còn. Thời gian vẫn còn. Người thân vẫn còn. Khi tất cả những thứ khác đã mất thì tương lai vẫn còn".

TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Điều các em cần là lời khẳng định: Bố mẹ yêu con, dù thế nào cũng yêu quý con. Khi trẻ bình tâm trở lại, phụ huynh nên đưa con đi nghỉ, đề cập nguyên nhân tự tử với thái độ thoải mái, theo hướng tích cực để định hướng. Đặc biệt, người lớn cần nói cho con biết rằng, còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

“Ví dụ, nếu con tâm sự vì học không giỏi, cha mẹ cần nói rõ: Học hành chỉ là một góc nhỏ của con người thôi. Con học chưa tốt nhưng là đứa trẻ ngoan và cha mẹ rất hài lòng”, nữ TS nói.

Trường hợp cha mẹ không được con tin cậy, TS Nguyễn Thị Minh khuyên, phụ huynh nên liên hệ với những người thân như bạn bè, thầy cô, tìm hiểu lý do để giải tỏa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tiếp cận mối quan hệ của con để quản lý, hù dọa. Hãy đi bên con như một người bảo vệ âm thầm.

Theo TS Minh, từ xưa đến nay, gia đình luôn là cái nôi ươm mầm quan trọng của con người. Vì vậy, sự định hướng của cha mẹ góp phần ảnh hưởng lớn trong nhận thức của con cái.

Cha mẹ không nên áp đặt, hãy hướng con đi theo nhiều đường khác nhau. Ví dụ, nếu không giải được một bài toán, hãy dạy con cần hỏi cha mẹ, bạn bè, thầy cô… Tuyệt đối không nói những câu “không xứng đáng trong gia đình”, sẽ vô tình đẩy trẻ vào ngõ cụt.

TS Vũ Thu Hương lưu ý, đối với trường hợp con tự tử không thành bởi sự can thiệp của những người xung quanh, sau một thời gian, cha mẹ cần cần khuyến khích để con đề cập nguyên nhân, hành động, từ đó tháo gỡ tận gốc rễ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục và cư xử để con cảm nhận được mọi điều tốt đẹp và yêu cuộc sống. Cho các bé tham gia nhiều hoạt động như thể thao, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa.

Trả lời phỏng vấn Đài KING5, Lauren Davis, chuyên gia người Mỹ về phòng chống tự tử, cho biết: “Tỷ lệ tự tử cao rơi vào thanh thiếu niên ở độ tuổi 12 - 14. Các em trải qua thời kỳ tâm lý bất ổn, dễ suy sụp và lựa chọn cách giải quyết tiêu cực. Nguyên nhân tự tử thường là kết quả học tập không như mong muốn và bị bạn bè bắt nạt hoặc cô lập ở trường. Vì thế, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm các em, phát hiện kịp thời những dấu hiệu của ý định tự tử.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên quá chủ quan khi thấy con có kết quả học tập tốt. Nhiều em chịu áp lực lớn từ gia đình, luôn nỗ lực để thành công theo ý bố mẹ. Áp lực tâm lý ngày càng tăng dẫn đến bệnh trầm cảm. Căng thẳng kéo dài, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng có thể gây tác động lớn khiến các em tự tử”.


Theo Quyên Quyên - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X