Hotline 24/7
08983-08983

Có thể đột tử vì hen suyễn

Bệnh hen suyễn có khả năng gây đột tử nhưng nếu được điều trị đúng, người bệnh có thể sống an toàn, bình thường như mọi người.

Thầy thuốc cũng là nạn nhân
 
Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính thường gặp của đường dẫn khí trong phổi (phế quản). Bệnh  khiến phế quản dễ phản ứng hơn với các yếu tố kích thích và gây ra cơn hen suyễn. Triệu chứng gồm khó thở, thở khò khè, nặng ngực và ho, thường tái lại về đêm và sáng sớm. Nhưng may mắn là có thể điều trị hiệu quả và kiểm soát tốt bệnh, tránh các cơn hen cấp tính dẫn đến tử vong.
 
Đã có những trường hợp tử vong rất đáng tiếc ở những người còn rất trẻ, như học sinh, thậm chí cả thầy thuốc. Có thể do không điều trị đúng, thiếu hiểu biết hoặc do chủ quan. Thậm chí, một nhân viên y tế, đang điều trị nhưng chủ quan khi ăn thức ăn từng bị dị ứng nên lên cơn hen không cứu kịp.

Khi cơn hen bộc phát, người bệnh có thể tử vong nếu không xử trí đúng và kịp thời. Do đó, người bệnh phải được theo dõi sát và đến bệnh viện sớm. Người từng lên cơn hen suýt tử vong, hoặc từng phải thở máy do hen suyễn; đang hoặc vừa mới ngưng thuốc có corticosteroid như Prednison, Medrol, Asmacort sẽ có nguy cơ cao hơn.

Những người sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên, đặc biệt là dùng hơn một hộp Ventolin® (hoặc các thuốc tương tự) trong một tháng cũng nằm trong xác suất dễ tử vong.

Không nên tự ý dùng thuốc

Khi bị hen suyễn phải dùng thuốc điều trị đúng. Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn hen. Theo dõi bệnh và biết khi nào cần đến bác sĩ. Một số yếu tố phát cơn hen như phấn hoa, mốc, mạt nhà, lông thú vật, côn trùng, cảm cúm, thức ăn… Nếu bị dị ứng một loại thức ăn nào đó thì tuyệt đối không dùng đến.

Khi điều trị, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, nhất là với thuốc có chứa corticosteroid. Thường là dạng thuốc chích như Kcort hay Kenacort, thuốc tễ, thuốc “hạt dưa”... Dù cắt cơn hen nhưng lại giữ nước trong cơ thể, tăng thèm ăn, ức chế tuyến thượng thận, giảm khả năng chống nhiễm trùng, đục thủy tinh thể, rậm lông, loãng xương, đái tháo đường...

Nhiều bệnh nhân không biết tác dụng phụ của thuốc và giá cũng rất rẻ nên thường lạm dụng. Có người khoe mỗi tháng chỉ cần chích một mũi thuốc là “khỏe” 4 - 5 tháng nhưng tới khi thấy mập lên bất thường, da mỏng và dễ bầm máu mới hoảng hồn đến bác sĩ.

Hiện trị hen có 2 loại: thuốc cắt cơn (thuốc giãn phế quản) sử dụng lên cơn hen, như Ventolin, Bricanyl, Berodual. Còn thuốc ngừa (thuốc kháng viêm) dùng hàng ngày để phòng ngừa cơn hen suyễn và bảo vệ chức năng phổi. Vì là dạng thuốc hít nên thường chỉ tác dụng tại chỗ.

Có người ngày nào cũng lên cơn hen và dùng liên tục thuốc cắt cơn như Ventolin hay Berodual. Hiện có nhiều tiến bộ trong điều trị hen, do đó, việc ngày nào cũng dùng đến thuốc cắt cơn là chuyện không bình thường và cần khám lại.

Theo Sài gòn tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X