Hotline 24/7
08983-08983

Có thể cắm lại răng cho trẻ nếu thời gian chấn thương không quá 2 giờ đồng hồ

Trong bài viết này, BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến - Quyền điều hành khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ về tình trạng chấn thương răng thường gặp ở trẻ, cách xử trí và bảo vệ tối đa răng cho trẻ.

1. Đâu là chấn thương răng thường gặp nhất ở trẻ và nguyên nhân là gì?

Trong quá trình làm việc, BS nhận thấy chấn thương răng nào ở trẻ là thường gặp nhất và nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là gì?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đối với trẻ dưới 6 tuổi, vùng đầu là nơi dễ bị tổn thương nhất vì tính hiếu động hoặc chưa hợp tác tốt để xử trí chấn thương nếu có tai nạn xảy ra.

Trong đó, vùng miệng (là bộ phận liên quan đến vùng đầu) thường xảy ra tình trạng chấn thương răng như răng bị gãy, bị lún hoặc răng rơi ra khỏi ổ răng.

2. Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị chấn thương răng?

Những triệu chứng lâm sàng nào giúp phụ huynh có thể nhận diện được trẻ đang bị chấn thương răng?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Sau tai nạn, đặc biệt là tai nạn sinh hoạt, ở vùng đầu của trẻ sẽ có các vết bầm hoặc những vùng tổn thương ngoài da có thể nhìn thấy được.

Nếu tổn thương khu trú ở vùng miệng phải quan tâm đến việc răng của trẻ có bị chấn thương không. Điều này phải được bác sĩ Răng Hàm Mặt khám và đưa ra kết luận chính xác.

3. Khi trẻ bị chấn thương răng phụ huynh cần làm gì?

Đối với trẻ bị chấn thương răng, trường hợp nào có thể theo dõi và sơ cứu tại nhà, trường hợp nào cần đưa trẻ đến bệnh viện? Trước khi đưa trẻ đến bệnh viện phụ huynh cần làm gì?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đối với trường hợp chấn thương răng thường gặp, chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam là tình trạng răng bị gãy và kèm theo chảy nhiều máu, đồng thời sẽ tổn thương môi, má xung quanh.

Thứ hai là tình trạng răng rơi khỏi miệng. Thông thường theo quán tính phụ huynh sẽ tập trung xử lý cho trẻ mà bỏ quên chiếc răng bị rơi, dẫn đến trẻ bị mất một chiếc răng. Nếu có thể giữ lại răng và đem đến bác sĩ Răng Hàm Mặt, trẻ sẽ được cấy lại răng và có hàm răng như ban đầu.

4. Yếu tố nào khiến trẻ dễ bị chấn thương răng?

Trẻ ở độ tuổi nào dễ xảy ra chấn thương răng nhất và những yếu tố nào khiến trẻ dễ bị chấn thương thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Độ tuổi trẻ dễ xảy ra chấn thương răng nhất là từ 2 - 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ phát triển tâm thần vận động, cũng như các đặc điểm về tâm sinh lý nên khá hiếu động, do đó tai nạn sinh hoạt thường xuyên xảy ra và vùng chấn thương thường gặp nhất là vùng răng cửa hàm trên.

Đối với trẻ, đặc biệt là những trẻ có răng không đúng vị trí như răng quá chìa, quá thưa hoặc lệch lạc,… khi chấn thương sẽ là những răng nguy cơ và dễ bị gãy hoặc hơi ra khỏi ổ răng.

5. Phụ huynh cần nhớ các thông tin nào khi đưa trẻ đến cấp cứu chấn thương răng?

Khi đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và cấp cứu tình trạng chấn thương răng, phụ huynh cần nhớ các thông tin gì để bác sĩ dễ dàng khai thác bệnh sử và có hướng điều trị nhanh nhất thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Đối với tai nạn sinh hoạt thông thường, xử trí ban đầu tại chỗ, đặc biệt là nơi xảy ra tại nạn rất quan trọng. Do đó, nếu phụ huynh kiểm soát được việc trẻ bị ngã ở đâu, ngã như thế nào, bề mặt tiếp xúc sẽ giúp ít rất nhiều trong việc tiếp nhận và điều trị.

Sơ cứu đầu tiên ở giai đoạn trẻ vừa té ngã, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra toàn bộ, tổng thể sức khỏe toàn thân của trẻ, xem ngoài vị trí vùng tổn thương (ví dụ răng, mặt, hàm…) đã nhìn thấy còn có những tổn thương khác không và tìm cách sơ cứu, đặc biệt là những vùng chảy máu.

Nếu chấn thương vùng miệng, sau khi cầm máu phải đưa trẻ đến gặp nha sĩ. Tại tây, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát cho trẻ bao gồm răng, hàm và mặt, những vùng tổn thương xung quanh như mô mềm, môi, má, lưỡi xem có rách, chảy máu hay không.

Đối với răng, đặc biệt là những chiếc răng bị rơi (trường hợp thường gặp) có thể xử trí nhanh bằng cách giữ trong sữa tươi hoặc nước bọt, sau đó để trong một gói gòn ẩm hoặc khăn ẩm và đưa đến cùng với trẻ. Bên cạnh đó, phải quan sát được hiện tượng trẻ xảy ra tai nạn để bác sĩ biết tình trạng cần xử trí trước khi đưa răng vào miệng trẻ.

6. Dưới 2 tiếng là giờ vàng để cắm lại răng cho trẻ

Giờ vàng để đưa một chiếc răng đã rơi ra ngoài vào miệng của trẻ là bao lâu và để cắm răng lại cho trẻ cần tuân thủ các vấn đề gì thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Thời gian vàng có thể xử trí và cắm lại răng với tỷ lệ thành công cao là dưới 2 tiếng. Phụ huynh sau khi sơ cứu tại nhà nên đưa bé đến phòng khám răng hàm mặt cùng với chiếc răng đã gãy để bác sĩ xử trí và cắm lại răng cho trẻ.

7. Trẻ bị chấn thương răng sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Khi trẻ bị chấn thương răng sữa hay răng vĩnh viễn có thể dẫn đến hậu quả gì thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Những tác động xảy ra rất dễ làm chấn thương hàm răng sữa và dễ thấy nhất là trẻ mất răng ở vị trí đó. Hầu như vị trí này khó giữ lại răng trên miệng, tuy nhiên một số trường hợp khá hiếm sẽ có thể giữ lại răng bằng cách điều trị phần chân răng còn lại.

Răng vĩnh viễn là răng không được thay thế được, do đó việc giữ lại răng vĩnh viễn sẽ là một bài toán rất khó cho các bác sĩ răng hàm mặt, cũng như phụ huynh. Để điều trị cho trẻ, ít nhất phải 18 tuổi mcó thể thay thế răng vĩnh viễn bằng một răng giả cắm trong xương hàm. Do đó, khi trẻ bị gãy răng, rơi răng hoặc lún răng đối với răng vĩnh viễn cần có xử trí kịp thời và hợp lý.

Khi trẻ bị chấn thương, sau khi sơ cứu bên ngoài phải điều trị những răng có thể giữ lại, tránh trường hợp đợi trẻ khỏe hẳn mới đi khám thì những xử lý lúc đó đã muộn.

8. Phụ huynh cần làm gì để trấn an trẻ khi gặp chấn thương răng?

Thưa BS, phụ huynh cần làm gì để trấn an trẻ khi xảy ra tai nạn gây chấn thương răng?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Phụ huynh nên trấn an, vỗ về trẻ trong giai đoạn vừa té ngã để trẻ yên tâm hơn. Sau đó, chườm đá, chườm lạnh để cầm máu và giảm đau.

Đồng thời trong quá trình đó phải sắp xếp đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám tổng quát và xác định tình trạng. Khuyến cáo phải có ít nhất 1 phụ huynh đi cùng, tốt nhất là 2 phụ huynh để 1 người làm thủ tục khám và 1 người luôn luôn đi cùng với bé, đảm bảo không để bé một mình.

9. Các biện pháp khắc phục chấn thương răng ở trẻ

Có biện pháp nào giúp khắc phục chấn thương răng ở trẻ theo từng độ tuổi không và trường hợp nào cần sử dụng đến các biện pháp thay thế thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Tình trạng chấn thương răng khá phổ biến về hình thức cũng như vị trí. Có thể chia thành các dạng cơ bản mà phụ huynh có thể nhận biết được. Với trường hợp răng bị gãy, bác sĩ sẽ đánh giá xem có giữ lại được hay không, nếu giữ được chân răng sẽ tiếp tục duy trì chân răng đó trong xương hàm.

Đối với trẻ dưới 7 - 8 tuổi (chưa thay răng vĩnh viễn) việc giữ lại răng sữa chưa đến tuổi thay sẽ giúp việc thay răng sau này của trẻ được ổn định hơn.

Đối với trường hợp lún răng hoặc trồi răng bác sĩ sẽ sắp xếp đưa về đúng vị trí. Tuy nhiên trường hợp răng rơi ra khỏi xương ổ, thời gian vàng chỉ có 2 tiếng nên trong thời gian đó nếu phụ huynh xử lý không tốt, hầu như trẻ sẽ mất vĩnh viễn răng đó và sau này phải tìm phương án thay thế. Đối với răng vĩnh viễn có thể làm răng giả hoặc đưa chân răng nhân tạo vào xương hàm cho trẻ.

10. Làm sao để giảm thiểu biến chứng khi trẻ bị chấn thương răng?

Để giảm thiểu các biến chứng khi trẻ bị chấn thương răng phụ huynh cần làm gì thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Thị Hoàng Yến trả lời: Những răng dễ chấn thương là răng có vị trí sai biệt như răng đưa ra phía trước, răng nhô, răng chìa hoặc răng bị xoay… Do đó, việc kiểm tra, theo dõi tình trạng, cũng như sự phát triển về hàm răng của con khá quan trọng.

Trẻ có hàm răng không đúng vị trí, tỷ lệ răng bị sai lệch và ảnh hưởng trong quá trình tai nạn sẽ cao hơn so với trẻ có hàm răng đều. Do đó, việc can thiệp sớm vào sự phát triển, cũng như vị trí của răng ở giai đoạn đầu sẽ giúp trẻ giảm thiểu rủi ro nếu xảy ra tai nạn sinh hoạt.

Một vấn đề phụ huynh có thể nghĩ đến là chỉnh nha hoặc niềng răng sớm cho con ở giai đoạn đầu đời nếu trẻ có lệch lạc về răng hàm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X