Hotline 24/7
08983-08983

Có phải sữa, thịt gà, tôm cá làm trẻ ho nhiều hơn?

Ho là triệu chứng phổ biến ở trẻ em. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng sữa, thịt gà, tôm, cá là nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều hơn.

1. Có thể xác định tình trạng bệnh qua tiếng ho của trẻ không?

Thưa BS, chúng ta có thể “bắt bệnh” qua tiếng ho của trẻ không thưa BS? Bởi một số phụ huynh rất lo lắng khi tiếng ho của con ngày càng đặc hơn.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông qua tiếng ho, chỉ có thể phân biệt có phải là ho gà không? Sau đó, xem tính chất đàm để đoán có khả năng nhiễm trùng hay không nhiễm trùng? Nếu ho khàn giọng, ồn ồn, thường nghĩ đến viêm thanh quản. Tuy nhiên, không thể nghe tiếng ho để đoán tình trạng bệnh mà phải đi khám.

2. Trẻ ho bao lâu sẽ hết và ho dai dẳng do nguyên nhân nào?

Thông thường, trẻ ho bao lâu sẽ hết ạ? Nhiều trẻ bị ho dai dẳng, nguyên nhân là do đâu, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ho là triệu chứng của viêm đường hô hấp, đây là bệnh lâu khỏi nhất và khó khống chế nhất. Thuốc ho chỉ làm giảm kích thích đường hô hấp để giảm ho, chứ không điều trị tiệt căn.

Đường hô hấp sau khi hết bệnh vẫn còn kích thích nên ho dai dẳng. Vì vậy, không nên quá lo lắng khi thấy trẻ ho. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà chuyên gia, ho trên 1 tháng mới gọi là ho kéo dài. Trong khi, sốt trên 1 tuần hoặc tiêu chảy trên 2 tuần đã gọi kéo dài. Quan trọng là tìm nguyên nhân gây ho ở trẻ và trẻ có hoạt động, vui chơi bình thường hay không để can thiệp tích cực.

3. Lạm dụng các thuốc ho gây ra những vấn đề gì cho sức khỏe của trẻ?

Trẻ bị ho, nhiều phụ huynh tìm mọi cách để giải quyết triệu chứng này ngay. Xin hỏi BS, điều này có nên không? Vì sao? Việc lạm dụng các thuốc ho sẽ gây ra những vấn đề gì cho sức khỏe của trẻ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ho là một phản xạ tống chất lạ trong đường hô hấp ra ngoài. Khi trẻ bị ho phải quan sát xem có làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống hằng ngày hay giấc ngủ của trẻ không? Nếu trẻ ho dẫn đến không chơi bình thường, mất giấc ngủ,... thì phải can thiệp.

Nếu ho không khó thở, không thở nhanh, không ảnh hưởng thì vẫn bình tĩnh. Trong thuốc ho có 2 nhóm là thảo dược và tân dược. Thuốc ho thảo dược có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, rất khó để chọn thuốc ho tân dược cho trẻ dưới 1 tuổi rưỡi để làm ức chế hô hấp hoặc khô đàm. Lưu ý, phải tùy theo lứa tuổi, không thể chọn lựa một cách thoải mái.

4. Khi trẻ bị ho, có cần kiêng sữa không?

Nhiều người tin rằng, sữa là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ho dữ dội hơn. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Khi trẻ bị ho, có cần kiêng sữa không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ dị ứng đạm sữa bò mới cần kiêng sữa. Vì khi dị ứng này không phải do ho mà đã có tiền sử, khi uống sẽ ho ra máu, trào ngược, nổi mề đay,... thông thường sẽ bị từ nhỏ nên đã có sữa riêng biệt. Do đó, không phải ho mà uống sữa sẽ ho nhiều hơn.

Trong lúc bệnh, sữa gần như là nguồn cung cấp năng lượng dễ dàng nhất cho trẻ. Đây cũng là nguồn năng lượng thay thế tốt nhất của tất cả các món ăn khác. Vì khi đó trẻ thường không muốn ăn, vấn đề ăn uống trở nên khó khăn hơn. Nếu trẻ bệnh, khó ăn mà kiêng sữa sẽ không đủ năng lượng và không thể khỏi bệnh.

5. Có phải những đồ tanh như thịt gà, tôm cá sẽ làm trẻ ho nhiều hơn?

Một số mẹo dân gian cũng hướng dẫn, khi trẻ bị ho cần kiêng tuyệt đối những đồ tanh như thịt gà, tôm cá. Điều này có cần thiết không, thưa BS? Thực tế, một số trẻ sau khi ăn thịt gà, tôm, cua thì dường như ho nhiều hơn, làm cho các phụ huynh càng tin hơn.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc trẻ ăn một món nào đó và ho nhiều hơn chỉ hạn hữu ở một vài trẻ. Không phải trẻ này ăn vào ho nhiều hơn thì trẻ khác cũng như vậy. Vì đây là cơ địa dị ứng với món ăn nên làm trẻ ho nhiều hơn.

Không món có ăn nào mà tất cả trẻ ăn vào đều ho nhiều hơn, chỉ khi ăn thức ăn quá lạnh sẽ kích thích đường hô hấp làm ho thêm. Khi trẻ ho, phải xem cơ địa từ trước đến giờ trẻ dị ứng với thức ăn nào để hạn chế hoặc khi ăn vào ho thêm rất nhiều thì mới cần hạn chế.

Nếu không có 2 hiện tượng này, nên cho trẻ ăn theo đúng sở thích để cung cấp đủ năng lượng. Vì khi trẻ bệnh việc cung cấp đủ năng lượng là quan trọng hơn hết, phải đủ năng lượng mới khỏi bệnh.

6. Việc để tinh dầu vào họng, miệng của trẻ nguy cơ gây hại sức khỏe ra sao?

Thậm chí có trường hợp dùng dầu tràm, dầu gió để cho vào miệng/ họng trẻ ngậm lại để chữa ho hoặc ngừa ngừa ho mỗi khi trời lạnh. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Việc để tinh dầu vào họng miệng trẻ nguy cơ gây hại sức khỏe ra sao?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không nên sử dụng tinh dầu cho trẻ dưới 6 tháng. Đặc biệt là sử dụng trực tiếp vào họng hay thoa vào mũi cũng không nên vì trẻ không đủ phản xạ để ngăn lại.

Khi muốn giữ ấm vùng họng, phụ huynh thường bôi dầu vào mũi, họng của trẻ nhưng điều này không nên vì có thể gây sặc. Tinh dầu chỉ nên sử dụng cho trẻ lớn và phải xem hướng dẫn độ tuổi. Vì không thể biết rõ nồng độ tinh dầu, nếu sặc thậm chí có thể gây ngưng thở.

Để giữ ấm cho trẻ, nên mặc thêm quần áo, thoa dầu vào lòng bàn chân, lưng, ngực, không nên thoa trực tiếp lên vùng hầu họng của trẻ.

7. Làm thế nào để chấm dứt triệu chứng ho nhanh hơn?

Vậy, khi trẻ bị ho, những điều cha mẹ có thể làm cho con là gì? Liệu có cách nào giúp chấm dứt triệu chứng này nhanh hơn, an toàn hơn ạ? Vì thực tế, trẻ ho nhiều cũng gây mệt và biếng ăn…

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, nếu trẻ ho dẫn đến biếng ăn, mệt mỏi, đầu tiên phải cho trẻ uống đủ nước, đủ sữa để đủ năng lượng và đàm loãng ra. Đối với trẻ nhỏ chưa uống nước được sẽ uống sữa bù.

Thứ hai, tìm ra nguyên nhân ho như suyễn, viêm họng, nghẹt mũi,... để can thiệp. Một số trường hợp ho thành vòng lẩn quẩn phải can thiệp bằng thuốc ho, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để cho thuốc chính xác.

8. Thói quen nào cha mẹ cần tránh khi chăm sóc trẻ bị ho?

Nhờ BS chỉ ra, đâu là những thói chăm sóc trẻ chưa đúng khi bị ho mà cha mẹ cần lưu ý để tránh ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ho là triệu chứng rất chậm hết. Tuy nhiên, nếu trẻ ho dai dẳng thì cần phải quan tâm vì đôi khi có bệnh nền, lên cơn suyễn hoặc tổn thương bởi dị vật, viêm phổi,... Cần lưu ý theo dõi nhịp thở, cách ăn uống của trẻ.

9. Trẻ bị ho, khi nào nên đi khám, khi nào có thể điều trị tại nhà?

Trẻ bị ho, trường hợp nào cần đi trẻ đi khám, trường hợp nào có thể chăm sóc tại nhà, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi trẻ ho phải xác định xem nhịp thở của trẻ như thế nào? Biểu hiện ho thông thường không nhất thiết phải đến bệnh viện. Nếu thở nhanh hơn bình thường hay thở rút lõm, thở co kéo, ho nhiều ban đêm đến mức mất ngủ, sốt,... nên đưa trẻ vào bệnh viện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X