Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện vui buồn của Tổng đài 1022 nhánh 3 trong trận “đại chiến” với COVID-19 tại TPHCM

Trong trận chiến với COVID-19 lần thứ 4 tại TPHCM, trước nỗi lo chung là sức khỏe của cộng đồng, tổng đài 1022 nhánh 3 trở thành nơi hội tụ những người thầy thuốc trên tất cả các lĩnh vực chuyên khoa từ Tây Y đến Đông Y, từ người đang công tác tại các cơ sở y tế đến những thầy thuốc lão thành đã về hưu với mục tiêu duy nhất, đó là tư vấn kịp thời để giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong, xoa dịu tinh thần lo lắng của người bệnh.

Hơn nửa năm kể từ khi TPHCM “mở cửa” đón nhận cuộc sống bình thường mới sau trận chiến lần thứ 4 với COVID-19, ngày 8/5/2022, với sự tổ chức của Hội Y học TPHCM, những người thầy thuốc tham gia trực tổng đài 1022 nhánh số 3 và nhánh số 5 đã có dịp hội ngộ trực tiếp tại lễ “Tổng kết hoạt động và vinh danh thành tựu y khoa 2021 - Tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022”, không còn qua những dòng tin nhắn hay màn hình điện thoại.

Lễ tổng kết hoạt động và vinh danh thành tựu y khoa 2021 - Tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022 diễn ra sau hơn nửa năm thành phố bước vào cuộc sống bình thường mới với đại dịch COVID-19

1. 220 thầy thuốc tham gia tư vấn với hơn 140.000 cuộc gọi

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết, tổng đài 1022 nhánh 3 ra đời trong bối cảnh TPHCM trở thành tâm điểm của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam. Chỉ hai ngày sau một cuộc họp, 23/7/2022, Sở Y tế TPHCM, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM và Hội Y học TPHCM đã chính thức ra mắt kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân về phòng, chống dịch COVID-19.

Khi đó, nội dung các chuyên gia, bác sĩ, chuyên gia tư vấn bao gồm việc hướng dẫn cách xử trí khi người dân hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19, tiếp xúc gần các ca bệnh. Song thực tế, khi đi vào hoạt động, nội dung tư vấn không chỉ COVID-19 mà còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, an sinh xã hội.

Trong đó, nội dung tư vấn cho F0 chủ yếu liên quan đến các vấn đề cách ly tại nhà, cách ly tập trung; theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà; việc sử dụng thuốc; sử dụng máy tạo oxy và bình oxy; tiêm ngừa COVID-19; lo chuyện hậu sự cho người qua đời và gần đây nhất là sức khỏe hậu COVID-19.

Đặc biệt, tổng đài 1022 nhánh 3 còn tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp cứu chuyển bệnh nặng (khó thở, đau ngực, ho ra máu…). PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung bồi hồi chia sẻ cảm xúc khi tham gia tổng đài, dù có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành y, nhưng nhận được thông tin bệnh nhân nặng, cũng không khỏi bồn chồn lo lắng.

“Nếu không có sự trợ giúp của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp nhận các trường hợp trở nặng, chúng tôi - những người trực tổng đài luôn có cảm giác chưa làm được gì cho người bệnh.

Thời điểm đó, chúng tôi cũng tìm kiếm và kêu gọi sự hỗ trợ, đặc biệt là từ Tổ Y tế từ xa theo dõi F0 tại nhà của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch qua số điện thoại 028 99999 115. Bởi đôi khi tư vấn từ xa là chưa đủ mà còn cần có sự theo dõi liên tục, sát sao về các chỉ số SPO2 để chuyển bệnh kịp thời. May mắn, cho đến nay, những trường hợp được chúng tôi chuyển viện đều được xuất viện, trở về với gia đình, cuộc sống” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung vui mừng cho biết.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM tổng kết về các hoạt động của tổng đài 1022 nhánh 3

Nội dung tư vấn ngoài COVID-19 còn liên quan đến test nhanh, test PCR; tiêm ngừa (lịch tiêm ngừa, thuốc tiêm ngừa, triệu chứng sau tiêm ngừa); hỗ trợ an sinh xã hội; các app khai báo sức khỏe, thẻ xanh; các bệnh mạn tính, chuyên khoa. Thậm chí, tổng đài còn tiếp nhận các cuộc gọi liên quan đến giao thông, di chuyển; phản ánh và than phiền về y tế - chính quyền địa phương, chủ trương chính sách, cơ quan, hàng xóm…

“Bên cạnh cuộc gọi tư vấn sức khỏe, đôi khi cuộc gọi đến các bác sĩ, chuyên gia trở thành nơi trút giận nhiều vấn đề, khía cạnh khác của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, thời điểm đó có lẽ ai cũng đều có một vài lúc tâm trạng tiêu cực. Vì vậy, chỉ đành lắng nghe và khéo léo kết thúc, tránh ảnh hưởng và bỏ lỡ cuộc gọi thực sự cần của những người khác” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung bày tỏ.

Chỉ với 18 chuyên gia đăng ký ban đầu, đến nay tổng đài có 1022 nhánh 3 có 220 bác sĩ tham gia tư vấn. Đặc biệt trong đó có 24 bác sĩ tình nguyện tham gia đến từ các tình thành trên cả nước, từ Hà Nội, Sơn La, Phú Yên, Thái Bình đến Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre…Có những bác sĩ để tham gia tư vấn đã đọc tất cả các thông tin về dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM, từ đó có sự tư vấn, giải đáp phù hợp.

Khi có sự đồng lòng giúp sức từ các chuyên gia, Hội Y học TPHCM đã lên danh sách trực theo 3 ca (sáng từ 8g - 10g, chiều từ 14 - 16g, tối từ 19-21g) 2 kíp (thứ 2-4-6 và thứ 3-5-7, chủ nhật được luân phiên giữa 2 kíp sau mỗi tháng) và bắt đầu từ 3/9 bổ sung thêm ca trực trưa 10-12g.

Con số cuộc gọi được Chủ tịch Hội Y học TPHCM cung cấp trong chương trình phần nào cho thấy áp lực của các thầy thuốc khi tham gia trực tổng đài. Từ 23/7 đến 6/5/2022 có tổng cộng 142.773 cuộc gọi. Trong đó số cuộc gọi tiếp nhận là 89.396. Số cuộc gọi nhỡ do người gọi cúp máy là 42.505, số cuộc gọi nhỡ do mất sóng, điện thoại hết pin là 79 và số cuộc gọi nhỡ do bác sĩ không nhấc máy là 10.792. “Thực sự, hơn 10.000 cuộc gọi nhỡ này vẫn luôn là gánh nặng trong lòng chúng tôi” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ.

2. Những phút giây khó quên ở tổng đài tư vấn F0 1022

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp cũng là một trong 18 chuyên gia tham gia tổng đài đầu tiên

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - một trong 18 người tham dự đầu tiên của tổng đài 1022 nhánh 3 chia sẻ, đến với chương trình tổng kết và vinh danh đã cho người thầy thuốc sống lại những ngày tháng khó khăn với nhiều cung bậc cảm xúc.

May mắn là cảm nhận đầu tiên của Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp. “May mắn là tôi còn là người hữu ích, còn thời gian để phục vụ xã hội. Không chỉ tham gia tổng đài 1022, tôi còn đồng hành cùng nhiều chương trình khác, trong đó có F0 không cô đơn, vừa được hướng dẫn kiến thức chuyên môn vừa được chia sẻ tâm sự với người bệnh để họ không còn đơn độc trong cuộc chiến với dịch bệnh” - người thầy thuốc 70 tuổi bộc bạch.

Hai tuần đầu khi tham gia trực tổng đài, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay thừa nhận: “Thực sự khủng hoảng. Ngoài ca trực, người bệnh cũng gọi liên tục theo số cá nhân. Khi vượt qua giới hạn, tôi tắt máy 3 tiếng, lúc bật lại báo đến 70 cuộc gọi nhỡ. Lúc đó cảm giác rất áy náy, vì hiểu rằng, mỗi cuộc gọi đều như chiếc phao cứu sinh. Sau này, khi tổng đài viên đã biết cách phân bổ cuộc gọi phù hợp, tôi được giảm tải rất nhiều, nhưng cũng không ngơi được khi tiếp nhận 30 cuộc gọi trong 2 tiếng mỗi ca trực. Làm việc không thấy mệt, chỉ thấy buồn và thương”.

Một điều thú vị được chuyên gia chia sẻ, trực tổng đài cũng là cơ hội để học hỏi từ đồng nghiệp. Học để hiểu về dịch tễ. Học để hiểu về COVID-19. Học để hiểu và tư vấn cho bệnh nhân tốt nhất.

“Thời điểm đó, tôi liên tục “làm phiền” đồng nghiệp để học hỏi, từ BS Trương Hữu Khanh và đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung. Cuộc gọi nào dù là trưa hay tối cũng đều bắt máy với năng lượng tích cực, cho tôi cảm nhận, chị đúng là “nữ tướng”, điều phối mọi việc đều rất logic” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay lật giở từng kỷ niệm trong cuộc chiến với COVID-19.

Đây cũng là cảm nhận của PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư khi chia sẻ về những phút giây khó quên ở tổng đài tư vấn F0 1022. Trong những tháng ngày khó quên của TPHCM, vị chuyên gia đã có nhiều lần cảm thấy bất lực khi người bệnh không thể tiếp cận được y tế. Khi đó, lời mời từ PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung đã cho người thầy thuốc biết, cô nên làm gì và có thể làm được gì.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư cũng là một trong 18 chuyên gia đầu tiên tham gia trực tổng đài. “Khi lâm trận mới thấy thực sự không đơn giản. Tôi nhận cuộc gọi liên tục, chỉ cần buông máy là có cuộc gọi nhỡ. Có thể nói cuộc chiến với COVID-19 là chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên tư vấn, thậm chí là hướng dẫn toa thuốc qua điện thoại, nên cũng có sự hồi hộp, lo lắng” - vị chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành y chia sẻ.

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Liên chi Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM chia sẻ về những kỷ niệm khó quên khi tham gia trực tổng đài 1022

Chủ tịch Liên chi Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM cũng nhìn nhận, chương trình tư vấn từ xa của tổng đài mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả trong việc giảm tử vong. Khi tiếp nhận các cuộc gọi và đánh giá bệnh nhân nặng, chuyên gia nhanh chóng kết nối hội chẩn qua điện thoại với các đồng nghiệp chuyên khoa khác, theo dõi sát cho bệnh nhân.

“Thực tế, những bệnh nhân còn chỉ số oxy tốt, được tôi theo dõi từ đầu không ghi nhận tử vong. Kể từ khi các tổng đài ra đời, không chỉ riêng 1022, tôi thấy rằng số bệnh nhân tử vong có giảm mặc dù số lượng bệnh nhân mắc bệnh tăng vượt sức”.

Qua thành công của tổng đài 1022, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư đề xuất, y tế gia đìnhy tế từ xa rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong khi trước đây ít được quan tâm thì trong tương lai cần được đẩy mạnh hơn nữa, những người thầy thuốc về hưu cũng sẽ được tận dụng sức lực, kinh nghiệm tích lũy trong ngành y để hỗ trợ cho người bệnh.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp hóm hỉnh chia sẻ về những hoạt động tư vấn trong mùa dịch với tổng đài 1022

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm chia sẻ góc nhìn tích cực từ những kỷ niệm trực tổng đài 1022. Tương tự như các chuyên gia tham dự chương trình, cảm xúc vỡ òa nhất là vui mừng, “thở phào nhẹ nhõm” trong khoảnh khắc được tề tựu, họp mặt cùng nhau.

Bên cạnh đó là sự biết ơn vì gia đình đã tạo điều kiện cho học bác sĩ, lãnh đạo cũng tạo cơ hội, điều kiện để cống hiến, trưởng thành trong giai đoạn khó khăn này. Song, đâu đó vẫn còn cảm giác bâng khuâng, mát mát vì đại dịch COVID-19 gây ra. Nhưng điều đó cũng trở thành động lực, tích lũy năng lượng tích cực khi tham gia tổng đài.

“Có rất nhiều kỷ niệm khi trực tổng đài. Trước tiên là quay lại cảm giác học nhanh - nhiều - cấp tập như thời sinh viên trường y nên như thấy mình trẻ hơn. Ngoài ra còn thấy rằng mình mỏi tay, tê tay vì cầm điện thoại, và nóng bỏng mặt nhiều hơn do áp điện thoại vào tai quá lâu, may mắn là chưa bị nám. Nhưng điều làm cảm thấy vui nhất là đã được giúp người bệnh bình tâm hơn khi kết nối được với tổng đài” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp hóm hỉnh cho biết.

Nhân chương trình, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng đề xuất, trong tương lai mong muốn Lãnh đạo Sở, Hội mở rộng hỗ trợ tư vấn trong cộng đồng để vươn tới giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân hơn, song song đó là đào tạo liên tục như những buổi tập tuấn trong thời điểm trực tổng đài.

Các chuyên gia tham dự chương trình và trực tổng đài trong giai đoạn đầu tiên đều đồng lòng cho biết sẽ sẵn sàng tiếp tục tham gia, đóng góp khi ngành y tế kêu gọi.

3. Cùng nhau đồng hành vượt qua giai đoạn lịch sử của thành phố

Tại buổi lễ tổng kết và vinh danh, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM hồi tưởng lại những khó khăn, thử thách của thành phố, bắt đầu từ cuối tháng 6, việc cách ly F0 tại các bệnh viện không còn dễ dàng vì số ca F0 tăng nhanh. Bệnh viện dã chiến liên tục được thành lập và cũng nhanh chóng được lấp đầy.

“Khi đó, các chính sách, hướng dẫn thay đổi liên tục, việc chăm sóc F0 tại nhà gặp nhiều khó khăn trong thời điểm ban đầu. Tại thời điểm này, chúng ta có thể thẳng thắn chia sẻ với nhau, vào giai đoạn đó, hệ thống y tế điều trị bắt đầu “vỡ trận”. Rất nhiều bệnh viện đa khoa chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị COVID-19 để tiếp nhận bệnh nhân. Không chỉ người bệnh mà cả nhân viên y tế cũng đều rất khủng hoảng.

Do đó, với sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế, rất cảm ơn Hội Y học TPHCM chỉ sau 2 ngày sau cuộc họp đã thành lập ngay nhóm tư vấn thông qua tổng đài 1022 nhánh 3 để giúp thành phố, người dân bớt hoang mang. Có lẽ với tất cả chúng ta đều có nhiều cung bậc cảm xúc, vui buồn lẫn lộn và trên hết đó là trải nghiệm bất lực khi gặp những cảnh ngộ ngoài khả năng của thầy thuốc”.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM gửi lời tri ân đến các chuyên gia, bác sĩ tham gia trực tổng đài trong giai đoạn thành phố khó khăn nhất trong lịch sử ngành y

Thay mặt Sở Y tế TPHCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu gửi lời tri ân với đóng góp của những thầy thuốc tham gia tư vấn. Đồng thời cũng gửi lời xin lỗi khi không thể đáp ứng kịp thời những yêu cầu về chuyên môn, giải đáp chính sách, tiếp nhận chuyển bệnh, nhận bệnh trong giai đoạn của dich bệnh và vì sự chậm trễ khen thưởng trong giai đoạn tổng kết sau này.

“Những giải thưởng, vinh danh, bằng khen của các cấp lãnh đạo ghi nhận sự đóng góp của quý thầy cô chắc chắn không thể tương xứng với những gì quý thầy cô đã đóng góp thật sự quý báu trong đợt dịch vừa qua. Trân trọng cảm ơn đóng góp của quý thầy cô, quý đồng nghiệp. Cuối cùng, chúng ta đã vượt qua được giai đoạn chưa từng có trong tiền lệ lịch sử của thành phố” - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu bày tỏ.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng nhấn mạnh: “Khi đăng ký tham gia trực tổng đài, chúng ta không mong được vinh danh, khen thưởng mà lúc đó chỉ mong muốn đóng góp sức mình nhiều nhất để hạn chế tỷ lệ tử vong, nhanh chóng dập dịch để đưa người dân nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường. Trước đây chỉ biết nhau qua tin nhắn trên zalo, email và trong cuộc họp chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình, nhưng giờ chúng ta gặp lại nhau. Lúc đó tưởng chừng như vô vọng nhưng ngày nay mong ước này đã trở thành hiện thực. Đây là điều hạnh phúc nhất”.

Tổng đài 1022 nhánh 3 đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít thuận lợi. Đây là tổng đài được thông tin phổ biến rộng rãi trên toàn dân, đội ngũ tư vấn ngoài kiến thức chuyên môn vững còn là những bác sĩ có tâm, có tình, mong muốn được hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Song song đó còn có sự đồng hành của Sở Y tế TPHCM, HCDC, Tổng đài cấp cứu 115, Tổ Y tế từ xa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Thống Nhất, các bệnh viện và đồng nghiệp trong TPHCM.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, đó là tổng đài tuy tư vấn sức khỏe nhưng phải nhận nhiều cuộc gọi hỏi về các lĩnh vực không liên quan đến sức khỏe, đôi khi bác sĩ tư vấn gặp bế tắc, không giải quyết được một số vấn đề ngoài khả năng hoặc gặp người không hợp tác. Một vấn đề khó khăn khác được PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung đề cập đó là đội ngũ tư vấn phải thường xuyên cập nhật văn bản mới về phòng chống dịch COVID-19 nên đôi khi không kịp thời đủ thông tin để tư vấn cho người dân.

Song, cuối cùng, dịch COVID-19 cũng đã tạm lắng. Nhờ sự tham gia nhiệt tình của các thầy thuốc, mà việc tiếp nhận thông tin dịch bệnh về COVID-19 qua cổng 1022 nhánh 3 đã đóng góp một phần quan trọng trong việc giảm tải hệ thống tiếp nhận bệnh nhân của ngành y tế từ TPHCM.

Với công việc thầm lặng nhưng đầy tự hào, mô hình tư vấn F0 từ xa 1022 đã được vinh danh tại Thành tựu Y khoa Việt Nam năm 2021 và được đánh giá là một trong những công trình có những đóng góp ấn tượng trong hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 mà ngành y tế Việt Nam tiên phong và chủ lực ngay tuyến đầu.

Với PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung như một "nữ tướng" tài ba, luôn tràn đầy năng lượng tích cực và sẵn sàng kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp

Cuối chương trình, PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung bày tỏ sự biết ơn đến các đồng nghiệp đã luôn kề vai sát cánh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch: “Cảm ơn TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã sát cánh cùng Hội Y học TPHCM trong suốt thời gian vừa qua, không chỉ với vai trò Phó giám đốc Sở Y tế mà còn trên cương vị thầy thuốc chuyên khoa Truyền nhiễm.

Cảm ơn các phòng ban của Sở Y tế, HCDC, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, VNPT, đã đáp ứng những yêu cầu và đề nghị hỗ trợ của nhóm trực để hoạt động tốt nhất.

Cảm ơn các bác sĩ đã và còn đang tham gia tổng đài trực 1022 nhánh 3 vừa qua đã nỗ lực hết sức để ngày hôm nay tham gia và hãnh diện góp phần trong công tác phòng chống dịch của thành phố. Xin cảm ơn các thầy cô của tổng đài 1022 nhánh 5 đã hỗ trợ cho chúng tôi và các bác sĩ trực tổng đài 1022 nhánh 3 khi nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn”.

Tại buổi lễ tổng kết, Sở Y tế TPHCM và Hội Y học TPHCM đã trang trọng trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể, ghi nhận những cống hiến cho cộng đồng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của thành phố.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung trao hoa và quà lưu niệm cho 12 cá nhân của Ngành Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, VPNT đã hỗ trợ và đóng góp tích cực cho hoạt động tổng đài 1022 của Hội Y học TPHCM

Nhân dịp này, Sở Y tế TPHCM cũng trao bằng khen cho 68 cá nhân ghi nhận những cống hiến cho cộng đồng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của thành phố.

Hội Y học TPHCM cũng khen thưởng 44 cá nhân đã cống hiến cho cộng đồng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 của thành phố

AloBacsi vinh dự là một trong hai tập thể được Hội Y học TPHCM trao bằng khen vì đã có những đóng góp cùng Hội Y học trong công tác truyền thông tư vấn sức khoẻ phòng, chống dịch COVID-19

Chủ tịch Hội Y học TPHCM, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia, bác sĩ tham gia tư vấn qua tổng đài 1022 nhánh 3 và nhánh 5 cùng đội ngũ AloBacsi

Hội Y học TPHCM đảm nhận 2 tổng đài. Bắt đầu từ tháng 7/2021 đến nay, tổng đài 1022 nhánh 3 tư vấn F0 từ xa. Sau đó Hội Y học TPHCM nhận biết rằng nhiều khó khăn của bệnh nhân khi đến bệnh viện trong thời gian giãn cách nên đã mở thêm tổng đài 1022 nhánh 5, bắt đầu từ 3/9.

Tuy nhiên, hiện cuộc sống đã quay trở về gần như bình thường và nhu cầu tư vấn của bệnh nhân về chuyên khoa qua tổng đài giảm nhiều. Vì vậy, tổng đài 1022 nhánh 5 đã ngưng hoạt động từ 4/4/2022.

Tổng đài 1022 nhánh 5 sẽ buổi gặp mặt theo chuyên khoa, do đó buổi lễ tổng kết và vinh danh diễn ra vào ngày 8/5/2022 chỉ tập trung báo cáo tổng kết hoạt động nhánh 3.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X