Chuyên gia hướng dẫn cách xử lý những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19
Những phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19? Xử trí như thế nào khi xuất hiện những triệu chứng như sốt, đau, khó chịu tại vị trí tiêm? Tất cả những thắc mắc này đã được TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú giải đáp trong bài viết dưới đây.
Có thể thấy, Việt Nam đang bước vào chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Điều này được kỳ vọng là “vũ khí” quan trọng để chúng ta có thể thoát khỏi được đại dịch này, sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước kia. Vì vậy, hấu hết mọi người đều mong chờ được tiêm vắc xin COVID-19, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Nhưng điều mà khiến cho nhiều người lo lắng nhất là những phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, cũng như có xử trí như thế nào khi xuất hiện những triệu chứng như sốt, đau, khó chịu tại vị trí tiêm.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung Y sinh học Phân tử, Trường ĐH Y dược TPHCM, sẽ giải đáp cùng chúng ta trong bài viết dưới đây.
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung Y sinh học Phân tử, Trường ĐH Y dược TPHCM
1. Những tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19
Đâu là những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19, trong đó phản ứng nào là thường gặp nhất, thưa BS?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Sau khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19, cơ thể chúng ta sẽ có những phản ứng lại với vắc xin, đó là những tác dụng phụ. Tác dụng phụ được chia ra làm 2 dạng: tác dụng phụ thường gặp và tác dụng phụ hiếm gặp.
Hiện nay đối với các loại vắc xin đang được tiêm tại Việt Nam bao gồm vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna,… thì những tác dụng phụ thường gặp được báo cáo nhiều nhất là cảm giác sưng đau tại vị trí tiêm ngừa (thông thường là trên bắp tay). Theo sau đó là những triệu chứng giống như bị nhiễm siêu vi như:
- Sốt: một số người sẽ sốt nhẹ < 38,5 độ C, hoặc có phản ứng sốt cao hơn > 38,5 độ C.
- Một số người sẽ có cảm giác ớn lạnh và những triệu chứng khác kèm theo như: đau đầu, đau cơ, cảm giác mệt mỏi toàn thân.
- Một số người có hiện tượng đau khớp
- Cuối cùng là có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn ít sau tiêm.
Hiện nay, theo hãng AstraZeneca báo cáo, tỷ lệ xảy ra những tác dụng phụ thường gặp này là 10%. Đối với hãng Pfizer hoặc Moderna, báo cáo cho thấy tỉ lệ có tác dụng phụ là 80 - 90%.
Sốt là một trong những phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19
2. Sau tiêm vắc xin COVID-19, cần theo dõi phản ứng của cơ thể trong bao lâu?
Chúng ta cần phải theo dõi các triệu chứng sau tiêm vắc xin bao lâu? Nhờ BS có thể lưu ý những dấu hiệu bất thường sau tiêm vắc xin COVID-19 để người dân rõ hơn ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 7 ngày và thường gặp nhất là 3 ngày đầu sau khi tiêm. Do đó, chúng ta cần theo dõi cơ thể của mình tối thiểu 7 ngày. Theo như các khuyến cáo của Bộ Y tế, 3 ngày đầu sau tiêm chúng ta nên có một người thân ở bên cạnh để hỗ trợ, phòng khi gặp những phản ứng phụ không mong muốn.
Bên cạnh đó, các vắc xin của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna,… đều thông báo một số tác dụng phụ nặng hơn, nhưng điều may mắn là tỷ lệ xảy ra rất thấp.
Đối với vắc xin của hãng AstraZeneca, biến chứng không mong muốn nhất và rất hiếm gặp đó là tạo huyết khối, kèm theo giảm tiểu cầu. Tác dụng phụ hiếm gặp này thường xảy ra vào ngày thứ 4 - 28 sau tiêm chủng, vì vậy chúng ta cần theo dõi ít nhất 28 ngày sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.
Đối với vắc xin của hãng Pfizer, Moderna, tác dụng phụ không mong muốn và rất hiếm gặp là gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Những tác dụng phụ này thường xảy ra sau 4 -14 ngày sau khi tiêm chủng. Do đó, chúng ta cần theo dõi tối thiểu 14 ngày sau khi tiêm vắc xin của những hãng này.
Để nhận biết những tác dụng nặng không mong muốn, Bộ Y tế đã đưa ra một số hướng dẫn về các dấu hiệu bất thường mà chúng ta có thể tự theo dõi để bảo vệ chính mình, bao gồm:
- Phát ban mẩn đỏ, nổi những huyết đỏ trên da.
- Tê quanh môi hoặc tê đầu lưỡi kéo dài, ở họng có cảm giác ngứa hoặc nghẹn, có cảm giác khó thở.
- Nếu nặng hơn, có thể có cảm giác nghe được tiếng thở ở trong cổ, thở thanh, gấp, nghe tiếng khò khè trong cổ hoặc cảm giác khó thở rất nặng.
- Đối với hệ thống tim mạch, chúng ta có thể có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực kéo dài. Hoặc trong một số trường hợp bị ngất.
- Đối với triệu chứng ở hệ thần kinh, chúng ta có thể gặp dấu hiệu đau đầu kéo dài. Với những người lớn tuổi sau khi tiêm nếu thấy triệu chứng ngủ gà, cơ thể mệt mỏi hơn bình thường, lú lẫn, hôn mê hoặc có hiện tượng co giật thì đó là dấu hiệu nặng.
- Đối với hệ tiêu hoá, một số người có dấu hiệu nặng như đau bụng dữ dội hoặc bị tiêu chảy kéo dài.
- Ngoài ra, có một số dấu hiệu toàn thân nói chung như sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài và không hạ, đau bất kỳ một bộ phận nào trên cơ thể nhưng không liên quan đến va chạm, đó là một trong các dấu hiệu bất thường. Khi đó, chúng ta cần liên lạc với các đơn vị y tế gần nhất để được hỗ trợ thêm.
Những tác dụng phụ nặng của AstraZeneca, Pfizer, Moderna là rất hiếm gặp
3. Cách xử trí sốt, sưng đau vị trí tiêm, đau đầu, mệt mỏi sau khi tiêm vắc xin COVID-19
Sốt, sưng đau lại vị trí tiêm, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi là những phản ứng phổ biến sau tiêm ngừa COVID-19, vậy chúng ta cần phải xử trí như thế nào khi gặp những triệu chứng này ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Đối với tác dụng phụ thường gặp nhất là sưng đau tại vị trí tiêm, thông thường cảm giác này tự giới hạn và hầu như không cần phải làm gì. Chúng ta có thể theo dõi cảm giác sưng đau, nếu thấy sưng nhiều, nổi hạch, hoặc xung quanh vùng tiêm có dấu đỏ và sưng lên thì lúc đó cần sự can thiệp của đơn vị y tế.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể theo dõi để tránh hạn chế cử động tay bị tiêm. Nên lưu ý rằng, tuyệt đối không bôi hoặc đắp, chườm bất cứ thứ gì lên vùng tiêm của mình để tránh hiện tượng nhiễm trùng thêm.
Với phản ứng sốt, đau cơ, mệt mỏi, chúng ta có thể chia thành 2 trường hợp:
- Nếu nhiệt độ cơ thể < 38 độ C: nên mặc quần áo thoáng mát hoặc có thể cởi bỏ bớt quần áo. Với trẻ em có thể chườm mát bằng cách lấy khăn lông nhúng qua nước ấm rồi chườm vào vùng nách, bẹn, trán của trẻ. Biện pháp này cũng có thể áp dụng cho người lớn.
- Nếu nhiệt độ cơ thể > 38,5 độ C: dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các thuốc hạ sốt an toàn nhất mà chúng ta có thể sử dụng là thành phần Acetaminophen (Paracetamol), có trong nhiều sản phẩm khác nhau, điển hình là Hapacol… Đối với trẻ em, nên sử dụng theo liều lượng khuyến cáo và tốt nhất nên có hướng dẫn của nhân viên y tế. Đối với người lớn, có thể dùng liều thông thường là 1 viên 500mg, sau khi uống 4 tiếng thì theo dõi triệu chứng, nếu còn sốt thì uống thêm một viên nữa. Tuyệt đối không nên uống quá 10 viên/ngày.
4. Cần dự trữ những loại thuốc nào trong nhà khi tiêm vắc xin COVID-19?
Trong nhà nên trữ sẵn những loại thuốc nào để ứng phó với các phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin, nhờ BS tư vấn cách lựa chọn và liều lượng, khoảng cách sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như thế nào?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Hiện nay, đối với việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta có thể trữ sẵn những loại thuốc như giảm đau, hạ sốt có sẵn trong nhà bởi vì đây là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Chúng ta không cần uống những loại thuốc này trước khi đi tiêm. Lưu ý rằng, sau khi tiêm chúng ta không cần uống thuốc dự phòng, chỉ khi có tác dụng phụ thì mới sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt.
Để sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, chúng ta cần cân nhắc tuổi, cân nặng. Đối với trẻ em cần sử dụng những thuốc hạ sốt nhóm Acetaminophen (Paracetamol) như Hapacol với liều lượng tuỳ theo cân nặng của trẻ. Đối với người lớn có thể sử dụng thuốc Hapacol liều lượng 500 - 650 mg và uống 1 viên khi sốt từ 38,5 độ C trở lên. Sau khi uống thuốc 4 tiếng mà vẫn chưa hạ nhiệt thì có thể uống thêm 1 viên nữa.
Hapacol giúp hạ sốt, giảm đau nhanh - vỉ thuốc cần có trong mỗi gia đình trong mùa dịch
5. Chăm sóc sau tiêm vắc xin COVID-19 giữa người khỏe mạnh và người có bệnh lý nền?
Liệu rằng chăm sóc sau tiêm vắc xin COVID-19 giữa người khoẻ mạnh bình thường và người có bệnh lý nền có sự khác biệt hay không và chúng ta cần phải lưu ý những gì ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Việc chăm sóc đối với người có bệnh lý nền, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:
- Tác dụng phụ sau tiêm có thể xảy ra ở người khoẻ mạnh, cũng có thể xảy ra ở người có bệnh lý nền. Ở những người có bệnh lý nền, lớn tuổi, tác dụng có thể khiến cho họ mệt mỏi hoặc cảm thấy khó chịu nhiều hơn. Do đó, nhóm người này cần có người thân bên cạnh để chăm sóc, đặc biệt là 3 ngày đầu sau tiêm.
- Chúng ta cũng để ý các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp một số người có bệnh lý nền không có khả năng tự chữa trị.
- Hầu hết những người có bệnh lý nền đã có toa thuốc được chỉ định từ trước để duy trì việc chữa bệnh nền hằng ngày. Vì vậy, sau tiêm họ vẫn phải tiếp tục sử dụng những loại thuốc đó.
6. Chế độ dinh dưỡng và vận động sau tiêm vắc xin COVID-19
Sau tiêm vắc xin COVID-19, chúng ta nên có một chế độ dinh dưỡng như thế nào, vận động sau tiêm có lưu ý gì đặc biệt không vì nhiều người lo lắng và không dám tập thể dục? Nhờ BS có thể tư vấn một vài lời khuyên đến người dân về vấn đề này ạ?
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú trả lời: Theo khuyến cáo, chúng ta nên kiêng cữ các thức uống có cồn, rượu bia và những thức uống có chất kích thích trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm. Bởi chúng ta có thể gặp các tác dụng phụ sau tiêm, nên nếu sử dụng rượu bia, chất kích thích có thể làm tình trạng nặng thêm.
Chúng ta cũng nên duy trì một chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Không cần kiêng cữ món gì sau khi tiêm. Nếu như trước đây, chúng ta ăn món gì không bị dị ứng thì sau khi tiêm vẫn có thể ăn được như bình thường.
Chúng ta nên có một chế độ vận động vừa phải, tùy theo sức của mình. Trong những ngày đầu sau tiêm, nếu gặp tác dụng phụ mệt mỏi thì có thể hạn chế hoặc vận động vừa phải. Khi cảm thấy cơ thể đã hồi phục hoàn toàn thì chúng ta có thể quay lại nhịp sống bình thường và tập thể dục, thể thao tuỳ theo sức của mình.
Trân trọng cảm ơn TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung Y sinh học Phân tử, Trường ĐH Y dược TPHCM đã nhận lời mời tham gia chương trình và Nhãn hàng Hapacol - Giảm đau hạ sốt nhanh từ Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng chương trình.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình