Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia hàng đầu thế giới về Tai mũi họng Nhi tề tựu tại TPHCM

Chỉ sau 5 tháng chuẩn bị, Hội nghị Tai mũi họng Nhi châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8 đã chính thức diễn ra vào 2 ngày 5/8 và 6/8 tại TPHCM. Đây là một trong những hội nghị quốc tế tầm cỡ được tổ chức sau thời điểm căng thẳng vì COVID-19, đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức chương trình và cho thấy sự hồi phục đáng khích lệ sau đại dịch.

1. Khoảng cách không còn là rào cản để nhân viên y tế cập nhật kiến thức y khoa thế giới

Hội nghị APOG 2022 (Asia Pacific Pediatric Otolaryngology Group - Nhóm chuyên khoa Tai Mũi Họng Nhi châu Á - Thái Bình Dương) do Liên chi hội Tai mũi họng Nhi TPHCM, Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM phối hợp cùng Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM và Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tổ chức với chủ đề “Khuynh hướng mới trong chuyên ngành Tai Mũi Họng Nhi” thu hút gần 1.000 người tham dự, được thực hiện dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua zoom.

Đáng chú ý, trong số những người tham dự có nhiều bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa. Đây là nỗ lực của ban tổ chức để nội dung hữu ích lan rộng, dễ tiếp cận, khi khoảng cách không còn là rào cản để nhân viên y tế cập nhật kiến thức.

Hội nghị chỉ diễn ra hai ngày nhưng đón nhận sự quan tâm của đông đảo nhân viên y tế trên khắp cả nước. Trong đó, chương trình tiền hội nghị đã triển khai vào ngày 5/8 với khóa học về “Phẫu thuật đường thở nâng cao” tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM và hội thảo “Âm ngữ trị liệu, kiểm soát nhiễm khuẩn” tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM mang đến nhiều nội dung hấp dẫn.

Đặc biệt, học viên có thể “mục sở thị” phẫu thuật thuật đường mở qua nội soi (Open Airway Surgery - State of the Art) được xem là đỉnh cao trong nghệ thuật phẫu thuật hiện nay. Nhờ vậy, ngay sau khi kết thúc khóa học, chương trình nhận được những đánh giá tốt đẹp với các kiến thức và kỹ năng được cập nhât.

Hội nghị chính diễn ra vào ngày 6/8 với hơn 300 người tham dự trực tiếp

Về hội nghị chính, mặc dù chỉ diễn ra trong 1 ngày (6/8) nhưng đã tổ chức, xây dựng chương trình với tổng số bài báo cáo “khủng” lên đến gần 40 bài, cập nhật nội dung phong phú, đa dạng các vấn đề. Trong đó, từ chủ đề cổ điển liên quan đến xu hướng điều trị viêm mũi họng, viêm mũi xoang, amidan, VA, nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA), đến vấn để nổi trội trong hai năm vừa qua, đó là đồng nghiễm khuẩn trong COVID-19. Đặc biệt, hội nghị còn tập trung vào các vấn đề vẫn còn nhiều nan giải đối với cả ngành y trên thế giới lẫn Việt Nam như chít hẹp đường thanh quản, bất thường bẩm sinh mềm sụn thanh quản…

Hội nghị không chỉ quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về chuyên khoa Tai mũi họng Nhi trên thế giới với nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại các hội nghị quốc tế như GS Kevin D. Pereira, GS Michael J. Rutter, GS Ron B. Mitchell, GS Alan Cheng, GS Wei - Chung Hsu… mà hầu hết tất cả các bài báo cáo đều phải thực hiện bằng tiếng Anh. Đây là điểm nhấn khác biệt của hội nghị, cho thấy sự đầu tư, tinh tế xứng tầm “quốc tế”.

2. Nét chấm phá đặc biệt của Hội nghị Tai Mũi Họng Nhi châu Á - Thái Bình Dương

Phát biểu mở đầu tại hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch APOG, đồng thời là chủ tịch Đại hội lần thứ 8 trải lòng, việc điều trị, chẩn đoán cũng như theo dõi bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em rất khác so với người lớn. Do đó, việc tổ chức hội nghị cung cấp kiến thức chuyên sâu về nhi sẽ rất hữu ích.

Khi đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế ở Việt Nam, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung có hai kỳ vọng. Thứ nhất là để các bác sĩ Việt Nam không phải tốn chi phí ra nước ngoài nhưng vẫn được hưởng những kiến thức cập nhật trên thế giới và trao đổi, tiếp xúc với đồng nghiệp quốc tế, nhất là những giáo sư nổi tiếng trên thế giới, giàu kiến thức và cả thực hành lâm sàng.

Thứ hai là, thông qua hội nghị quốc tế, các bác sĩ Việt Nam có điều kiện hội nhập thế giới, từ đó có đam mê, nhen nhóm và thúc đẩy ý muốn tham gia báo cáo, thực hiện những đề tài nghiên cứu đạt trình độ quốc tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch APOG

Chia sẻ về sự đột phá của hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết thêm: “Tham dự 4 hội nghị về Tai Mũi Họng Nhi Châu Á-Thái Bình Dương, tôi nhận thấy rằng, cũng giống như Việt Nam, chuyên gia về tai mũi họng nhi tại các nuớc không đông nên họ thường phối hợp với tai mũi họng chung hoặc hội nghị của trường đại học.

Tuy nhiên, riêng lần này ở Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta tổ chức một hội nghị độc lập về Nhi Tai Mũi Họng. Tuy số lượng bác sĩ về tai mũi họng nhi không đông nhưng hội nghị này đã thu hút rất nhiều bác sĩ điều trị tai mũi họng chung, vì kiến thức tiếp thu được trong hội nghị này có thể ứng dụng thực tiễn trong công việc. Bởi thực tế các bác sĩ tai mũi họng Việt Nam hiện nay “kiêm nhiệm” cả điều trị cho cả người lớn và trẻ em”.

3. Hội nghị tổ chức tại Việt Nam: Tiền đề để thành lập Hội Tai Mũi Họng Nhi châu Á-Thái Bình Dương

Chia sẻ đôi nét về lịch sử hình thành APOG, GS Wei - Chung Hsu (Taiwan) nhấn mạnh, tại châu Á-Thái Bình Dương, hiện chỉ có APOG là một nhóm về chuyên khoa Tai Mũi Họng Nhi được thành lập từ năm 2007 bởi 7 quốc gia, bao gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam. Đến năm 2015, thành viên của APOG mở rộng, với sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hông Kong, Australia gia nhập và Mông Cổ (năm 2017).

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay APOG đã tổ chức thành công 7 hội nghị mang tầm quốc tế, với hình thức 2 năm 1 lần. Ngoài các thành viên của APOG, hội nghị còn quy tụ rất nhiều đồng nghiệp đến từ châu Phi, châu Mỹ và châu Âu, cùng các khóa đào tạo đường thở ở Đài Bắc, Đài Loan. Đồng thời, APOG cũng đào tạo cho các bác sĩ trẻ về các vấn đề tiếp cận đường thở ở trẻ em.

GS Wei - Chung Hsu - một trong những thành viên sáng lập của APOG

Trên cương vị là Chủ tịch APOG, trước đó, khi chia sẻ những thông tin đầu tiên về hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung vui mừng bày tỏ, để trở thành một nhân tố không thể thiếu trong APOG, đại diện Việt Nam đã tham gia xuyên suốt trong những hội nghị châu Á-Thái Bình Dương, qua đó xây dựng điều lệ hoạt động, đồng thời dành nhiều tâm huyết để hội nghị được đăng cai tổ chức tại Việt Nam.

Chuyên gia cho rằng, đây là niềm vinh dự nhưng song song đó cũng là trách nhiệm rất lớn. Bởi vì trên thế giới, cụ thể tại châu Âu và châu Mỹ đã thành lập Hội Tai Mũi Họng Nhi. Riêng tại châu Á-Thái Bình Dương chưa có Hội Tai Mũi Họng Nhi chính thức.

Vì vậy, thực tế hiện nay không có những bác sĩ tai mũi họng chuyên sâu hoàn toàn về nhi. Thay vào đó, những bác sĩ tai mũi họng điều trị cho người lớn cũng tham gia điều trị cho nhi, và các bác sĩ nhi cũng điều trị tai mũi họng. Trong khi đó, chỉ có những bác sĩ tai mũi họng nhi sẽ đi chuyên sâu về phẫu thuật nhi.

“Đại hội lần thứ 8 được tổ chức tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề để chính thức thành lập hội Tai Mũi Họng Nhi châu Á-Thái Bình Dương, mở ra thêm nhiều cơ hội cho thầy thuốc cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực điều trị, và cho cả bệnh nhân”- PGS.BS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Còn đứng trên cương vị là Chủ tịch Hội Y học TPHCM, PGS.BS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung lại rất tự hào rằng Việt Nam đã hội nhập với các nước trong khu vực nói riêng, và thế giới nói chung. Bên cạnh hội nghị APOG 2022, những hội nghị quốc tế do Việt Nam tổ chức trong thời gian gần đây như Hội nghị về tim mạch can thiệp, Hội nghị về Dinh dưỡng đều mang tầm vóc, đón rất nhiều sự tham gia của những báo cáo viên nước ngoài.

“Tôi hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ là một trong những nước có các bài báo cáo có giá trị tham gia vào các hội nghị quốc tế, cũng như là điểm đến để các nước chọn, đề nghị đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế giống như năm 2022 đã được mời đăng cai tổ chức Hội nghị Tai Mũi Họng Nhi châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 8” - Chủ tịch Hội Y học TPHCM bày tỏ.

Một số hình ảnh ghi nhận tại hội nghị:

ư

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X