Hotline 24/7
08983-08983

Chụp PET/CT sẽ thấy được gì bên trong khối u?

TS.BS Lê Hồng Minh - Phó chủ nhiệm khoa Điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 giúp bạn đọc hiểu rõ về phương pháp chụp PET/CT có ứng dụng như thế nào trong việc chẩn đoán khối u, trước khi chụp cần chuẩn bị gì...

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. PET/CT nó giống và khác so với chụp CT ở điểm nào?

Mọi người đã khá quen thuộc với phương pháp chụp CT, còn PET/CT là kỹ thuật như thế nào, nó giống và khác so với chụp CT ở điểm nào ạ?

TS.BS Lê Hồng Minh:

PET/CT là một biện pháp khá quen thuộc với chẩn đoán hình ảnh. Nó rất hiện đại, là sự kết hợp giữa chụp CT và kỹ thuật chụp ảnh PET. Trên nền của máy chụp cắt lớp CT nhưng người ta lại được tiêm chất FDG (một chất tương tự như đường), chất này có một đặc điểm là cắc tế bào ung thư rất thích và tăng chuyển hóa hấp thụ những chất này rất tốt. Khi hấp thụ vào, nó sẽ bắt màu và khi kết hợp việc chụp CT, nó sẽ hiện hình những khối u và có những đặc tính hấp thu những dược chất phóng xạ trên khối u này.

Từ đó, chúng ta sẽ nhìn được khối u ấy ác tính hay không, sự phát triển của tế bào ác tính trong khối u có mạnh hay không… Thậm chí, chúng ta có thể biết được phần nào của khối u phát triển mạnh, có sự tăng sinh tế bào mạnh hơn các vùng khác.

Nhờ vào kỹ thuật này, việc chụp CT không dừng lại ở việc tìm thấy hình ảnh khối u mà còn xác định được khối u ấy có phải là khối u ác tính hay không, khả năng phát triển và khả năng sinh sản của nó, qua mức độ như thế nào từ đó ta mới có các biện pháp điều trị thích hợp.

2. Trường hợp nào bệnh nhân được chỉ định chụp PET/CT?

TS.BS Lê Hồng Minh:

PET/CT có nhiều chỉ định, chúng ta cũng thấy rằng khi bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư rồi và chúng ta chụp PET/CT nhằm để đánh giá khả năng gây u ấy có nằm tại chỗ hay không, di căn đến những vị trí nào ở toàn thân rồi, nó có di căn mạnh hay không, có tổn thương thứ phát toàn thân hay không… Từ đó, ta sẽ quyết định được giai đoạn của bệnh.

Việc chụp PET/CT sẽ xác định rằng khối u có còn tại chỗ hay nó di căn đến các vị trí khác. Nhờ đó, ta sẽ xác định biện pháp này sẽ được áp dụng điều trị ở từng giai đoạn ra sao.

Ngoài ra, PET/CT vẫn có thể sử dụng trong những trường hợp chưa được xác định là ung thư. Ví dụ bây giờ có một tổn thương trong phổi, không có biện pháp nào để lấy được mẫu tế bào (sinh thiết phổi) thì có thể sử dụng biện pháp PET/CT này để đánh giá khả năng hấp thu của dược chất phóng xạ của nó. Từ đó, ta có thể tìm ra khối u này và xem nó có ác tính hay không. Nếu nó là ác tính, ta sẽ chỉ định biện pháp điều trị. Nếu nó chỉ là một cái nốt đơn độc và không hấp thu dược chất phóng xạ, có khả năng khối u này lành tính.

Thêm nữa, đôi khi phát hiện ra tổn thương của bệnh ung thư nhưng mình không biết tổn thương ấy nó từ đâu ra, không biết cơ quan ban đầu của nó ở đâu mà chỉ biết cái hạch, tế bào ung thư ở trong đó. Bây giờ nếu đi tìm, PET/CT sẽ hỗ trợ rất tốt. Ta có thể định hình được khối u này ở cơ quan tiêu hóa hay phổi hoặc từ các tuyến thượng thận… có rất nhiều bộ phận trong cơ thể mà tại chỗ có thể chưa lớn, chưa có biểu hiện nhưng nó lại có tổn thương di căn. Nhờ chụp PET/CT ta sẽ tìm được cơ quan xuất phát của khối di căn. Từ đó, ta sẽ có biện pháp điều trị.

Ngoài ra, trong những trường hợp tầm soát, đôi khi đối với những trường hợp quá nghi ngờ thì họ có thể sử dụng những biện pháp này nhằm tầm soát. Tuy nhiên, việc tầm soát ung thư bằng PET/CT có điểm hạn chế là chi phí cao và BHYT không thanh toán cho trường hợp này.

Trong quá trình điều trị ung thư, chúng tôi có thể sử dụng PET/CT để đánh giá kết quả cũng như tiến triển của điều trị. Trước khi điều trị, chúng tôi chụp PET/CT cho bệnh nhân. Sau khi điều trị, có thể chúng tôi chụp PET/CT để đánh giá lại.

Việc này được sử dụng thường xuyên ở các nước tiên tiến. Ví dụ như ở Singapore, bệnh nhân được sử dụng PET/CT thường xuyên để đánh giá kết quả qua các giai đoạn điều trị. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì hạn chế kinh tế nên chỉ có một vài bệnh được đánh giá trước và sau điều trị. Theo quy định của y tế, một năm mình chỉ được chụp PET/CT cho bệnh nhân một lần thôi. Nếu chụp nhiều quá, quỹ BHYT sẽ không chịu nổi.

3. Trước khi chụp PET/CT bệnh nhân cần chuẩn bị như thế nào?

TS.BS Lê Hồng Minh:

Có hai vấn đề cần nhớ trước khi chụp PET/CT. Thứ nhất là tình trạng sức khỏe: tình trạng sức khỏe mình có ổn định không. Nếu chụp PET/CT cần tiêm chất phóng xạ, nó phải nằm trong ấy một thời gian. Thứ hai, dưỡng chất phóng xạ phải vừa gắn với glucose cho nên đối với những người bị tiểu đường sẽ được bác sĩ căn dặn trước, dừng tạm thời thuốc tiểu đường cũng như là phải kiểm soát đường huyết trước khi chụp PET/CT.

Có một điều nữa cần phải nhớ, dưỡng chất phóng xạ khi mang về, nó chỉ tồn tại ổn định một thời gian rất ngắn, sau đó nó sẽ phân giải, thuốc không chờ người bệnh cho nên bệnh nhân phải có mặt. Vì vậy nếu có hẹn chụp PET/CT, bệnh nhân cần chấp hành nghiêm chỉnh ngày hẹn có mặt đúng giờ, thuốc mới có tác dụng hiệu quả, bệnh nhân đến trễ thì thuốc bị phân giải mất.

4. Vì sao bệnh nhân phải kiểm tra đường huyết trước khi chụp PET/CT?

Người bệnh tiểu đường có được chụp PET/CT không?

TS.BS Lê Hồng Minh:

FDG là dược chất phóng xạ, được chế tạo bằng cách sử dụng glucose và gắn thêm định vị phóng xạ, dựa vào các hoạt tính của tế bào u ưa tăng chuyển hóa cho nên rất ưa sử dụng glucose. Vì vậy chất phóng xạ tiêm vào người có bản chất là đường. Chính vì vậy, những bệnh nhân bị tiểu đường cần phải được kiểm tra trước khi PET/CT. Bác sĩ đánh giá lại đường huyết, nếu đường huyết đã được điều trị tốt, bệnh nhân tiểu đường có thể chụp PET/CT vẫn chính xác như bình thường.

5. Vì sao bệnh nhân căng thẳng, stress không nên chụp PET/CT?

TS.BS Lê Hồng Minh:

Tâm trạng căng thẳng của bệnh nhân có ảnh hưởng đến việc chụp PET/CT và bệnh nhân bị stress có được chụp CT không?

PET/CT vẫn là kỹ thuật đưa bệnh nhân vào nằm trong máy chụp CT. Khi bệnh nhân đưa vào chụp mà tâm lý quá căng thẳng, bệnh nhân run lẩy bẩy, không nằm yên thì khó chụp được.

Thứ hai đối với một số trường hợp bệnh nhân, tâm lý không giữ vững được thì khi nằm trong máy một thời gian, họ cũng sẽ không hợp tác và nằm đủ thời gian mà kỹ thuật chụp cần thực hiện. Như vậy, sẽ dẫn đến lãng phí vì bệnh nhân đã tiêm liều thuốc đắt tiền vào rồi nhưng lại không chụp được. Vì vậy, việc bệnh nhân chuẩn bị tâm lí trước khi chụp CT rất quan trọng.

6. Thời gian chụp PET/CT là bao lâu và quy trình chụp PET/CT bao gồm những gì, thưa bác sĩ?

TS.BS Lê Hồng Minh:

Bệnh nhân trước khi chụp, họ sẽ được kiểm soát về sức khỏe và toàn thân, sau đó đo mạch, huyết áp và nhiệt độ. Tiếp đến, kỹ thuật viên sẽ tiêm liều thuốc, liều dưỡng chất lâm sàng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đưa vào máy chụp.

Mời quý bạn đọc xem thêm: Quy trình chụp PET/CT tại Bệnh viện Quân Y 175

alobacsi Quy trình chụp PET/CT tại Bệnh viện Quân Y 175

7. Sau khi chụp PET/CT, bệnh nhân cần giữ khoảng cách với mọi người không?

Sau khi chụp PET/CT thì bệnh nhân về nhà, khi về nhà họ có cần tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ mang thai hay không, thưa bác sĩ? Đây là câu hỏi nhiều bạn đọc Alobacsi rất quan tâm.

Về nguyên tắc, sau khi tiêm dược chất phóng xạ, cơ thể mình sẽ trở thành nguồn phóng xạ, nhưng nó rất yếu. Dược chất phóng xạ dùng để chụp PET/CT khá an toàn bởi thời gian phản xạ và thời gian phân hủy rất nhanh.

Mặc dù nó an toàn, không ảnh hưởng đến người xung quanh nhưng nếu nhân viên y tế tiếp xúc với hóa chất hằng ngày như thế, sẽ có sự tích lũy. Chính vì vậy, sau khi được chụp PET/CT, bệnh nhân cũng nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Khi về nhà, nền phóng xạ đã an toàn rồi, tuy nhiên, ngay lúc đó họ không nên tiếp xúc với phụ nữ có thai hay trẻ em. Thay vì thế, họ nên nghỉ ngơi trong phòng riêng từ 1-2 ngày. Thông thường nó sẽ không ảnh hưởng đến người xung quanh, do đó mọi người cũng không quá lo lắng sợ hãi đối với những người đã chụp PET/CT.

8. Chụp PET/CT có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Khi chụp CT mọi người đã ít nhiều lo lắng về việc “ăn tia” hay nhiễm phóng xạ. Vậy chụp PET/CT thì ảnh hưởng đó có phải là nhiều hơn không ạ?

Chụp PET/CT đó cũng có ảnh hưởng tương tự như chụp CT thôi. Dù các máy móc hiện đại đều có những chỉ số an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng. Ta không thể chụp CT hoặc PET/CT một cách bừa bãi. Tất cả các biện pháp sử dụng các tia X-quang, mặc dù nó được đánh giá không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nếu ta sử dụng quá nhiều lần thì nó cũng có thể gây ảnh hưởng.

9. Có phải MRI 3 tesla thay thế PET/CT được trong một số chỉ định?

Có thông tin rằng MRI 3 tesla có thể thay thế PET/CT trong một số chỉ định, và bệnh nhân không cần lo lắng về tia X khi chụp MRI 3 tesla. BS có ý kiến thế nào về thông tin này ạ?

MRI (chụp cộng hưởng từ) cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh, không sử dụng tia X nên mọi người đỡ lo ngại. Tuy nhiên mỗi phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị riêng, ta không thể nói MRI 3 tesla là loại rất cao cấp mà thay được cho PET/CT. Cả 2 là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cao cấp, nó không thể thay được cho nhau.

Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm của MRI như những tổn thương ở não, những tổn thương ở gan thì PET/CT khó có thể đánh giá, MRI đã làm được điều đó. Nhưng MRI không biết được khối u này hoạt động hay không hoạt động. Có thể đây là khối u bình thường trên MRI, trên chụp PET/CT lên ta mới thấy nó đang hoạt động, nó phát triển rất mạnh. Đây là các biện pháp bổ trợ cho nhau chứ không thay thế nhau.

10. Chi phí chụp PET/CT là bao nhiêu, có được thanh toán và bảo hiểm không?

Hiện tại, chụp PET/CT một lần là khoảng 26 triệu và BHYT thanh toán cho trường hợp có chỉ định theo thông tư 35 (nó có nhiều chỉ định). Theo đó, BHYT sẽ thanh toán cho bệnh nhân khoảng 20 triệu đồng tùy theo mức tỷ lệ phần trăm bảo hiểm của bệnh nhân, ngoài ra có thể bệnh nhân sẽ đóng thêm một khoản phụ thu tùy theo các cơ sở y tế.

Trọng Dy

Chụp PET/CT sẽ thấy được gì bên trong khối u?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X