Hotline 24/7
08983-08983

Chủ quan khi giẫm gai, người đàn ông 62 tuổi bị nhiễm uốn ván nặng

Giẫm phải gai nhưng chủ quan, người đàn ông 62 tuổi bị nhiễm uốn ván nặng phải mở khí quản để thở máy, sử dụng những thuốc an thần, giãn cơ vì bệnh nhân lên cơn gồng liên tục và tăng tiết đàm.

Trong lúc làm việc ở vườn, ông N.V.N. (62 tuổi, ngụ Bình Dương), vô tình đạp phải gai. Nghĩ vết thương đơn giản, ông chỉ rửa sơ qua nước. Tuy nhiên, một tuần sau, hàm của ông N. mỏi, dần dần không mở miệng được, ăn uống khó khăn, lúc nào hàm răng cũng cắn chặt. Ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM) cấp cứu với chẩn đoán nhiễm uốn ván nặng.

BS.CK2 Trương Ngọc Trung - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, khi nhập viện, ông N. đã ở ngày thứ 3 của bệnh uốn ván. Đây là trường hợp uốn ván nặng.

Sau khi nhập khoa ICU 2 ngày, các bác sĩ phải mở khí quản để người bệnh thở máy, sử dụng những thuốc an thần, giãn cơ vì ông lên cơn gồng liên tục và tăng tiết đàm.

Bác sĩ Trương Ngọc Trung thông tin, trong trong giai đoạn nặng nhất của bệnh, ông N. bị rối loạn thần kinh thực vật, mạch và huyết áp dao động rất nhiều, tổn thương tim, nhồi máu cơ tim cấp.

Khoa ICU đã hội chẩn với khoa Tim mạch, tiến hành điều trị tình trạng nhồi máu cơ tim song song với các phương pháp điều trị uốn ván.

May mắn, sau 6 ngày điều trị tích cực, người đàn ông đã tạm ổn định, không gồng giật nữa, nhưng vẫn thở máy và được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ. Tình trạng tim mạch của ông N. cũng dần cải thiện.

Sự chủ quan khi giẫm phải vật nhọn khiến người đàn ông mất thời gian dài nằm trong phòng hồi sức, sức khỏe suy giảm. Đây cũng là thói quen của rất nhiều người khác khi nghĩ rằng vết thương do giẫm gai, đinh rỉ sét, kẽm, tôn... Nguy hiểm nhất là khi vết cắt không gọn, khó loại được hết mô chết hoặc dị vật trên bề mặt.

Nếu không vệ sinh sạch, vi trùng uốn ván sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, tăng nhanh về số lượng rồi sản sinh độc tố gây bệnh. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, dưới 48 giờ thì bệnh thường nặng.

Một người bị uốn ván sẽ có biểu hiện mỏi hàm, cứng hàm, cắn khít răng, nuốt khó, nuốt sặc, co cứng cơ vùng đầu, cổ, ngực, bụng, tay chân. Bên cạnh đó, người bị uốn ván có thể có những cơn co giật, gồng toàn thân. Ngoài ra, bệnh uốn ván có thể nhầm với những bệnh khác như viêm khớp thái dương hàm, bệnh lý răng miệng, tai biến mạch máu não.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X