Cho con bú thế nào là đúng cách và hấp thu dưỡng chất tốt nhất?
Trongv bài viết này, BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy và ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp đã có những hướng dẫn về chế độ ăn, các thực phẩm nên ăn và nên kiêng, cũng như các tư thế cho bú đúng cách để bé nhận được nhiều dưỡng chất nhất từ sữa mẹ.
1. Cho con bú, mẹ bỉm nên ăn gì và kiêng gì?
- Thưa BS, các bà mẹ đang cho con bú sau sinh có cần kiêng các loại thực phẩm nào không ạ?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Trong giai đoạn cho con bú, điều cần tránh nhất là ăn kiêng. Thứ hai, không nên áp dụng chế độ giảm cân trong giai đoạn cho con bú để nhanh về trạng thái trước khi mang thai. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng và lượng sữa mẹ dành cho bé.
Không có thực phẩm nào được xem là hoàn hảo hoặc gây hại cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Chế độ dinh dưỡng dành cho bà mẹ sau sinh nên đa dạng và phong phú các loại thực phẩm trong bữa ăn. Không tập trung vào một loại thực phẩm nào, dù được bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn thực phẩm đó tốt, giúp tăng tiết sữa cũng không nên ăn từ ngày ngày qua ngày khác.
Mỗi loại thực phẩm đều chứa những dưỡng chất khác nhau, khi kết hợp đa dạng trong một bữa ăn sẽ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, vi chất cần thiết cho bà mẹ.
- Nhiều gia đình khi chăm sóc mẹ sau sinh sẽ không cho ăn mỡ vì sợ em bé bị tiểu chảy hoặc không ăn chua, không ăn đồ sống như gỏi vì sợ ảnh hưởng đến tiêu hóa của em bé. Điều này có đúng không thưa BS?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy trả lời: Việc kiêng mỡ không phải là một giải pháp tốt vì cơ thể vẫn cần các chất béo để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, cần lựa chọn những chất béo cần thiết có lợi cho cơ thể như chất béo có nguồn gốc từ cá.
Nếu có thói quen ăn các loại thực phẩm sống thì không nên dùng trong giai đoạn cho con bú. Vì nếu các loại thực phẩm này có nhiễm vi sinh vật sẽ ảnh hưởng đến dòng sữa mẹ, từ đó làm bé có thể nhiễm các loại vi sinh vật này.
2. Làm sao để cho con bú sữa công thức mà không “chê” sữa mẹ?
Một số người mẹ sữa ít, tìm mọi cách vẫn không đủ cho con bú, vì vậy phải bổ sung thêm sữa công thức. Xin hỏi BS, làm sao để cho con bú sữa công thức mà không “chê” sữa mẹ?
ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp - Trưởng phòng Phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Nếu mẹ tuân thủ đúng, cho em bé bú đúng cách và trữ sữa đúng, tức là làm rỗng các bầu sữa sau mỗi cữ bú sẽ không thiếu sữa cho bé.
Trong trường hợp các mẹ đã cố gắng nhưng vẫn không đủ sữa và muốn cho con bổ sung thêm sữa công thức thì nên chọn dòng sữa có thành phần gần giống với sữa mẹ để có mùi và vị giống, từ đó giúp em bé không “chê” sữa mẹ.
Khi cho em bé uống thêm sữa không nên dùng sữa bình, bình mút. Vì khi bú mẹ phải ngậm bắt vú đúng và em bé phải mút, cũng như mút đúng thì mới có sữa. Trong khi đó, núm vú bằng nhựa dài hơn và em bé không cần dùng lực để hút nhiều, như vậy em bé sẽ thích dùng bình bú hơn và dần dần chê đầu ti của mẹ. Do đó, trong trường hợp phải cho bú sữa công thức nên dùng muỗng để đút cho bé thêm 1 - 2 cữ sữa.
Trường hợp rã đông sữa mẹ vẫn phải dùng muỗng để cho bé bú. Hiện nay, trên thị trường có một loại cốc (không cần dùng muỗng) chỉ cần nghiêng một góc 30 độ sữa sẽ vào phần trũng của vòi sữa và lượng sữa đó vừa đủ cho bé. Điều này khá thuận lợi cho các mẹ, không cần múc từng muỗng, chỉ cần nghiêng cho sữa chảy ra, mà bé vẫn uống được bình thường và uống nhanh.
3. Thực hư quan niệm sữa nóng - sữa mát làm trẻ không tăng cân?
Một số mẹ bỉm sữa stress vì “lời ra tiếng vào”: sữa mẹ nóng nên con không tăng cân, bụ bẫm. Thực hư quan niệm sữa nóng - sữa mát, trẻ không tăng cân này như thế nào, thưa BS?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy trả lời: Quan niệm sữa nóng làm trẻ chậm tăng cân là không có cơ sở khoa học. Không có sữa nóng và cũng không có sữa mát, tất cả đều là sữa mẹ, mà sữa mẹ thì sẽ có các thành phần dinh dưỡng như nhau.
Trẻ không tăng cân có thể do các vấn đề như trẻ bú không đúng cách hoặc trẻ không bú đủ lượng sữa cần thiết hoặc trẻ có những bệnh lý liên quan đến vấn đề tiêu hóa.
Đối với những trẻ tăng cân không đúng theo nhu cầu khuyến nghị, các bà mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chuyên khoa Nhi cần thiết và tìm hiểu nguyên nhân hoặc những bệnh lý mà trẻ đang mắc phải.
4. Nguyên nhân nào gây mất sữa và cần làm gì để khắc phục?
Những nguyên nhân nào gây mất sữa, thưa BS? Mẹ cần làm gì để khắc phục tình trạng này ạ?
ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp trả lời: Có những mẹ sau sinh, em bé phải nằm điều trị khoa Nhi khá lâu. Sau khi bé qua cơn nguy kịch, khoảng 1 tháng hoặc 40 - 50 ngày thì nguồn sữa của mẹ hầu như cạn dần do mẹ không biết cách hút.
Em bé vừa ra khỏi khoa sơ sinh rất cần nguồn sữa trực tiếp từ mẹ. Theo cơ chế tiết sữa, cơ thể mẹ đã có sẵn sữa sau sinh, quan trọng là phải có phương pháp kích thích sữa.
Tại Bệnh viện Hùng Vương sẽ thực hiện biện pháp Kangaroo. Nghĩa là em bé được đặt trên người mẹ và thực hiện động tác mút vú để sản xuất Prolactin đi vào máu, kích thích hoạt động giúp hệ thống vận hành trở lại.
Tuy nhiên, khi em bé mút ngực chưa tạo sữa ngay nên cần lấy sữa mồi (sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ), mồi lên vú của mẹ để sữa chảy xuống núm vú. Sau đó, em bé mút sữa thì sữa mồi sẽ vào em bé.
Động tác ngày lặp đi lặp lại, theo chu kỳ mỗi 2 giờ/lần, dần dần bà mẹ sẽ lấy lại được sữa và có sữa cho bé. Vì đã có cơ chế rõ ràng nên các bà mẹ hãy tự tin khi mất sữa vẫn có thể lấy lại sữa nếu kiên trì và có giải pháp.
5. Nguyên tắc cần nhớ khi mẹ cho con bú?
Việc cho con bú có phải tuân thủ theo nguyên tắc nào không để bé có thể bú được nguồn sữa dồi dào? Làm sao để nhận biết được bé đã bú đủ hay chưa, thưa BS?
- Nhờ BS tư vấn, hướng dẫn tư thế bú đúng và tư thế bú sai mà các mẹ thường gặp phải ạ?
ThS.ĐD Võ Thị Ngọc Diệp trả lời: Một trong những nguyên tắc chung nhất là mẹ phải hết sức thoải mái. Khi cho bé bú mẹ có thể ngồi hoặc nằm, tuy nhiên trong tất cả các tư thế đều phải quan sát xem em bé ngậm bắt vú có đúng không.
Khi em bé bú đúng hai má sẽ phồng lên và mẹ có cảm giác, nghe được em bé nuốt từng ngụm sữa. Đây là dấu hiệu em bé bú tốt và nhận được một lượng sữa đáng kể. Sau mỗi cữ bú sẽ thấy mặt em bé rất thoải mái, thư giãn, thậm chí bé sẽ ngủ và ngủ rất sâu giấc, không giật mình.
Trong quá trình cho bú để đỡ mệt, đỡ khó khăn mẹ có thể chọn tư thế phù hợp với từng thời điểm. Ví dụ như ban ngày có người quan sát trẻ mẹ có thể nằm nhưng ban đêm nên hạn chế cho bú nằm vì không có cơ hội quan sát hoặc mẹ ngủ quên sẽ gặp những vấn đề bất lợi.
>>> Cho trẻ bú sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiểu đường và các bệnh mạn tính
>>> Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương: Giải pháp cho trẻ không có điều kiện bú sữa mẹ
>>> Sử dụng sữa mẹ trữ đông thế nào để bảo toàn dưỡng chất?
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình