Hotline 24/7
08983-08983

Chi phí điều trị và những biến chứng có thể xảy ra khi lọc màng bụng?

Lọc màng bụng là một phương pháp điều trị thay thế thận được sử dụng phổ biến ở các bệnh nhân suy thận. Ưu điểm của lọc màng bụng như thế nào và những biến chứng nào của lọc màng bụng có thể gặp, TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM sẽ giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Đại dịch COVID-19 bùng phát, phương pháp lọc màng bụng “lên ngôi”?

Theo quan sát của BS, thời gian giãn cách vừa qua, có nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo chuyển sang lọc màng bụng không ạ?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, theo các số liệu cho thấy, Việt Nam không có tình trạng bệnh nhân chạy thận nhân tạo chuyển qua phương pháp lọc màng bụng. Bởi các bệnh viện ở Việt Nam vẫn cho bệnh nhân chạy thận đúng lịch dù tình hình dịch COVID-19 căng thẳng.

Tuy nhiên, hiện đã có nhiều bệnh nhân mới chọn phương pháp lọc màng bụng hơn thay vì chạy thận nhân tạo.

2. Mất bao lâu để thành thạo các thao tác lọc màng bụng?

Việc học các thao tác lọc màng bụng có khó không, người bệnh thường mất bao lâu để thành thạo các thao tác này, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Đối với kỹ thuật lọc màng bụng, gia đình bệnh nhân không cần phải quá lo lắng bởi thao tác lọc màng bụng chỉ mất khoảng 1 – 2 tuần sử dụng thì đã có thể thành thạo.

Thao tác lọc màng bụng cũng vô cùng dễ dàng, mọi người đều có thể học và tự làm, kể cả người không biết đọc, biết viết bởi các nhân viên y tế huấn luyện dựa theo mô hình và hình ảnh.

3. Lọc màng bụng tại nhà - làm sao tránh nhiễm khuẩn?

Điều lo ngại nhất của người lọc màng bụng tại nhà nhiễm khuẩn. Họ cần lưu ý gì để yên tâm thực hiện tại nhà ạ?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Biến chứng lọc màng bụng là biến chứng mà cả bệnh nhân và bác sĩ lo lắng nhất. Do đó, tuần đầu huấn luyện rất quan trọng, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà tất cả các trường hợp và cách xử lý nhiễm khuẩn.

Theo đó, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ tất các bước điều trị đã được huấn luyện và không bỏ qua bất kỳ bước nào. Nhiều bệnh nhân giai đoạn đầu tuân thủ rất tốt nhưng sau một thời gian (khoảng 6 tháng hoặc 1 năm) thì lơ là và bỏ qua vài bước dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.

TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận-Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất.

4. Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng trạng viêm phúc mạc?

Nếu người bệnh bị viêm phúc mạc thì có dấu hiệu gì giúp nhận biết sớm, thưa BS? Và việc điều trị có khó khăn không ạ?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Các dấu hiệu của viêm phúc mạc bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Dịch xả ra đục.
  • Tiêu chảy.
  • Sốt.
  • Dịch vào - ra kém.

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình đang bị viêm phúc mạc thì bệnh nhân nên liên hệ ngay cơ sở y tế để được tái khám. Nếu phát hiện được sớm tình trạng bệnh, việc điều trị sẽ rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần sử dụng kháng sinh, ngâm ổ bụng là có thể khỏi.

Ngược lại, nếu chúng ta chủ quan không đến bệnh viện tái khám khi có dấu hiệu nghi ngờ, tình trạng nhiễm trùng sẽ trở nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, mất nhiều chi phí và thời gian cũng kéo dài hơn.

Tóm lại, việc điều trị của viêm phúc mạc sẽ rất dễ, đơn giản nếu bệnh nhân tự phát hiện sớm. Ngược lại, tình trạng sẽ trở nên nặng nếu phát hiện hoặc điều trị chậm trễ.

5. Lợi ích của phương pháp lọc màng bụng trong mùa dịch?

Nhờ BS chỉ rõ những lợi ích mà phương pháp lọc màng bụng đem lại trong mùa dịch COVID-19?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Trong đại dịch COVID-19 này, chúng ta có thể thấy rõ được ưu thế của phương pháp lọc màng bụng tại nhà. Khác với phương pháp chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng đem lại nhiều lợi ích như:

  • Bệnh nhân không cần đến bệnh viện mà sẽ được điều trị, cấp thuốc tại nhà. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng ít hơn bởi bệnh nhân không phải ra vào bệnh viện thường xuyên như bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
  • Bệnh nhân không cần phải thực hiện các khâu xét nghiệm COVID-19. Nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong mùa đỉnh dịch đôi khi cần phải test đến 3 lần trước khi chạy thận. Trong khi đó, bệnh nhân dùng phương pháp lọc màng bụng chỉ cần test nhanh COVID-19 theo yêu cầu của địa phương hoặc khi cần đến cơ sở y tế để khám.
  • Về mặt kinh tế, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn như chi phí test nhanh COVID-19, đi lại, ăn uống khi thăm khám…
  • Trong trường hợp bệnh nhân gặp trục trặc khi điều trị ở nhà thì có thể được BS tư vấn thông qua các nền tảng như điện thoại, tổng đài tư vấn, gửi hình ảnh qua tin nhắn…

6. Chi phí cho phương pháp lọc màng bụng?

Chi phí điều trị là một trong những vấn đề khiến nhiều người bệnh e dè khi lựa chọn phương pháp lọc màng bụng.

- Xin hỏi BS, chi phí điều trị ước tính chung khi lọc màng bụng? So với các phương pháp khác trong điều trị thay thế thận, chi phí lọc màng bụng liệu có chênh lệch nhiều?

- Phương pháp lọc màng bụng có được BHYT chi trả?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Bệnh nhân lọc màng bụng ổn định tại nhà, nếu có bảo hiểm y tế thì chỉ cần trả khoảng 20% chi phí cho kỹ thuật lọc màng bụng. Theo đó, bệnh nhân sẽ trả một khoản chi phí bình quân 1 – 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì phải chi trả số tiền gấp đôi.

Tuy nhiên, đó là chi phí của phương pháp lọc màng bụng bằng tay. Nếu bệnh nhân muốn lọc màng bụng bằng máy thì chi phí sẽ cao hơn, gấp khoảng 3 lần so với lọc màng bụng bằng tay, nghĩa là người bệnh phải chi khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài chi phí rẻ hơn so với chạy thận nhân tạo, áp dụng phương pháp lọc màng bụng còn giúp bệnh tiết kiệm khoản chi khác như chi phí đi lại, ăn uống, thăm khám, xét nghiệm COVID-19…

Theo đó, bệnh nhân lọc màng bụng hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, được cấp thuốc dịch lọc, được sử dụng các dụng cụ để tự thực hiện.

7. Bệnh nhân ở tỉnh có nên áp dụng phương pháp lọc màng bụng?

Nhiều người cũng lo lắng rằng, phương pháp này chỉ áp dụng tại các bệnh viện ở thành phố lớn, trong khi người ở tỉnh khó tiếp cận.

- Vậy xin hỏi BS, hiện nay trên cả nước có bao nhiêu cơ sở y tế triển khai phương pháp lọc màng bụng? BS có thể liệt kê một số cơ sở y tế để bạn đọc nắm rõ hơn.

- Như vậy, người bệnh ở xa, trong vùng không có cơ sở y tế triển khai lọc màng bụng, làm thế nào để được điều trị bằng phương pháp này?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Hiện nay, các trung tâm lọc màng bụng đã xuất hiện trên khắp cả nước nên việc điều trị cũng rất thuận lợi.

Ở khu vực phía nam, ngoài TPHCM đã có 15 trung tâm; khu vực phía bắc có 15 trung tâm; khu vực miền trung và đồng bằng Sông Cửu Long mỗi vùng đã có khoảng 5 - 8 trung tâm.

Các BS thường khuyên bệnh nhân ở tỉnh sử dụng phương pháp lọc màng bụng bởi nó đem lại nhiều thuận tiện hơn so với chạy thận nhân tạo. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện thăm khám 1 lần/tháng. Còn lại, chủ yếu thời gian điều trị là ở nhà, bệnh viện sẽ gửi thuốc và hướng dẫn các thao tác thực hiện cho người bệnh và gia đình. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Một số cơ sở y tế bệnh nhân triển khai phương pháp lọc màng bụng mà bệnh nhân có thể tham khảo:

  • Ở TPHCM, hầu hết các bệnh viện đều có thể cho bệnh nhân thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng, chẳng hạn như: bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y dược, bệnh viện 115…
  • Ở miền bắc, bệnh nhân có thể tìm đến bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Hà Nội,…
  • Ở miền trung, bệnh nhân có bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Trung ương Huế,…

Hiện tại, các bệnh viện tỉnh cũng đã triển khai kỹ thuật lọc màng bụng nên bệnh nhân không cần phải quá lo lắng. Nhiều bệnh nhân thường nghĩ rằng chỉ có những bệnh viện lớn mới triển khai kỹ thuật lọc màng bụng. Nhưng trên thực tế, các bệnh viện tỉnh như bệnh viện Đa khoa Khánh Hoà, bệnh viện Đa khoa Tây Nguyên… đều có những kỹ thuật này. Vì vậy, bệnh nhân hoàn toàn có thể thăm khám tại bệnh viện địa phương, nếu có bất kỳ sự cố gì thì chắc chắn sẽ được chuyển lên những bệnh viện tuyến trên. Như vậy, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, cũng như giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn.

Đối với những bệnh nhân ở tỉnh, không có điều kiện thăm khám thường xuyên thì càng nên tiếp cận với phương pháp lọc màng bụng. Theo đó, bệnh nhân nên nói rõ cho bác sĩ biết mình đang ở xa để được huấn luyện kỹ hơn về những tình huống có thể xử lý khi ở nhà. Đồng thời, bệnh nhân có thể hẹn lịch khám kéo dài hơn so với bình thường, có thể tái khám sau 2 – 3 tháng thay vì mỗi tháng 1 lần.

Có thể thấy, lọc màng bụng là phương pháp tối ưu cho những bệnh nhân điều trị tại nhà, đặc biệt là những bệnh nhân ở xa, không có điều kiện khám ở cơ sở y tế thường xuyên.

8. Lọc màng bụng - phương pháp tối ưu cho bệnh thận mãn tính

Xin BS gửi đến quý bạn đọc, đặc biệt là với những ai đang thực hiện phương pháp lọc màng bụng tại nhà một vài lời khuyên để bảo vệ tốt sức khoẻ của mình, có thể tự làm bác sĩ cho chính mình?

TS.BS Nguyễn Bách trả lời:

Bệnh nhân không nên e ngại mà hãy tự tin thực hiện phương pháp lọc màng bụng vì đây là phương pháp hiệu quả cho bệnh nhân. Không có bất cứ bác sĩ hay điều dưỡng nào làm tốt hơn chính mình làm cho bản thân. Nếu được huấn luyện kỹ và tuân theo đúng các kỹ thuật, việc sống chung với bệnh thận mãn tính sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, khi được điều trị tại nhà, đời sống tinh thần cũng thoải mái hơn. Người bệnh sẽ không bị bức bách khi ra vô bệnh viện nhiều mà sẽ chung sống hoà bình với bệnh thận ngay tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X