Hotline 24/7
08983-08983

Chế biến thủ lợn, người đàn ông nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn

Bệnh nhân T.V.N (52 tuổi, quê Thanh Hóa) được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu trong tình trạng thở máy, nhiễm khuẩn huyết có sốc do liên cầu lợn, kèm viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa, bí tiểu...

Theo thông tin được Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đưa ra vào chiều 18/7/2024, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Người nhà bệnh nhân kể lại, cách đây 12 ngày, ông N đi chợ mua một chiếc thủ lợn về chế biến để đãi khách. Chỉ một ngày sau, ông bị sốt cao, nổi các nốt xuất huyết trên da.

Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh khi đang sốt cao, rối loạn ý thức, tụt huyết áp và phải đặt nội khí quản thở máy, lọc máu. Mặc dù đã được hồi sức tích cực trong một tuần nhưng tình trạng của ông N vẫn không cải thiện mà tiếp tục tiến triển nặng, suy đa tạng và rối loạn đông máu.

Kết quả xét nghiệm khẳng định ông N bị liên cầu lợn nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, nhiều mảng xuất huyết trên da, xuất huyết tiêu hóa, bí tiểu. Các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm máu và dùng kháng sinh.

Hiện bệnh nhân vẫn đang trong cơn nguy kịch (Ảnh: BVCC)

ThS.BS Phan Văn Mạnh – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh liên cầu lợn thường gây ra 2 bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não. Bệnh nhân này đã được chọc dịch não tủy và loại trừ viêm màng não. 

Tuy nhiên tình trạng nhiễm khuẩn huyết tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều hậu quả nặng nề như rối loạn đông máu, suy đa tạng kéo dài”.

Bệnh liên cầu lợn có thể gặp ở bất kỳ người khỏe mạnh nào (Ảnh: BVCC)

ThS.BS Phan Văn Mạnh cũng cảnh báo bệnh liên cầu lợn có thể gặp ở bất kỳ người khỏe mạnh nào. Nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể hay gặp hơn trên nền bệnh nhân lạm dụng rượu. Những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiều bệnh lý nền, tuổi cao thì bệnh càng diễn biến nặng, có thể tiến triển nhanh chóng dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

“Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine phòng bệnh nên ăn chín uống sôi rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, lợn bệnh, không ăn các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn. Trong quá trình tiếp xúc với lợn, người dân nên chú ý đeo găng tay và khẩu trang để tự phòng tránh, hạn chế lây nhiễm” - ThS.BS Phan Văn Mạnh khuyến cáo.

Chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn

Một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy bệnh liên cầu lợn có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè nắng nóng, với 81% bệnh nhân là nam giới. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, 38% bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn. 96% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não như: sốt, nhức đầu, ói, cổ cứng, rối loạn tri giác là những triệu chứng thường gặp. 68% trường hợp viêm màng não mủ có triệu chứng ù tai, điếc.

Cục Y tế dự phòng chỉ ra các biện pháp chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn:

- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO khuyến cáo trên 70 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X