Hotline 24/7
08983-08983

Cấp cứu đột quỵ, người nhà cần lưu ý gì?

Khi cơn đột quỵ xảy ra với bệnh nhân, nếu người nhà mất bình tĩnh và hành động không đúng sẽ khiến cho tình hình tệ thêm. Sau đây là những điều người nhà cần lưu ý khi cấp cứu đột quỵ.

Nội dung bài viết:
I. Dấu hiệu đột quỵ cần cấp cứu
II. Người nhà cần làm gì khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ?
1. Gọi xe cứu thương
2. Nếu bệnh nhân còn ý thức
3. Nếu bệnh nhân mất ý thức
III. Người nhà không nên làm gì?
IV. Cấp cứu đột quỵ bằng phương tiện gì?

 

I. Dấu hiệu đột quỵ cần cấp cứu

Nếu bạn hay người nhà có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào, hãy gọi ngay cho số 115 để được hỗ trợ, hoặc gia đình nên có sẵn số điện thoại của trung tâm cấp cứu đột quỵ gần nhà mình nhất, viết to và rõ tại một vị trí nơi dễ thấy trong nhà, hoặc lưu sẵn trong điện thoai.

Trường hợp các triệu chứng kéo dài hơn 10-15 phút, lại xuất hiện thường xuyên và có vẻ xấu hơn, thì nhanh chóng đưa bệnh nhân cấp cứu bằng xe cứu thương hoặc xe ôtô cá nhân (nếu xe cứu thương chưa tới kịp).

dấu hiệu đột quỵ cần cấp cứuNếu đau đầu, tức ngực, khó thở đột ngột coi chừng dấu hiệu đột quỵ

Dưới đây là những dấu hiệu đột quỵ cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu:

- Yếu ở cánh tay, bàn tay hoặc chân

- Tê một bên cơ thể

- Mất thị lực, đặc biệt là ở một mắt

- Khó nói đột ngột, méo miệng

- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng

- Đau đầu đột ngột, dữ dội

- Tức ngực, khó thở

- Rối loạn ý thức, mê man

II. Người nhà cần làm gì khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ?

Đột quỵ càng lâu không được điều trị thì nguy cơ tổn thương não càng lớn. Nếu bệnh nhân được cấp cứu ngay sau khi có triệu chứng thì cơ hội phục hồi sẽ tăng lên. Vì vậy, người nhà hãy nhớ rằng "hành động của bạn càng nhanh thì càng có nhiều cơ hội sống sót cho bệnh nhân đột quỵ".

Và điều bạn cần thực hiện để cấp cứu đột quỵ cho người thân đúng cách đó là:

1. Gọi xe cứu thương

Hãy giữ bình tĩnh và gọi điện ngay cho xe cứu thương qua số cấp cứu 115.

Trong thời gian chờ xe bạn nên nói chuyện với bệnh nhân, hoặc hỏi các thông tin đơn giản về cá nhân của họ. Nếu họ không trả lời được, bạn hãy yêu cầu họ siết tay mình để làm dấu hiệu trả lời câu hỏi của bạn.

ép ngực cho bệnh nhân đột quỵThực hiện ép ngực đúng cách nếu bệnh nhân hôn mê, nhịp tim kém

2. Nếu bệnh nhân còn ý thức

- Hãy di chuyển nhẹ nhàng người bệnh đến nơi thoáng mát, sạch sẽ, và nên cho họ nằm nghiêng, kê cao đầu 30 độ bằng gối hoặc quần áo.

- Nới rộng quần áo bằng cách cởi bớt nút hoặc tháo dây thắt lưng, áo ngực...

- Dùng chăn (mền) đắp cho bệnh nhân nếu họ cảm thấy lạnh.

- Kiểm tra hơi thở có ổn định không, nếu có vật gì trong miệng gây cản trở hô hấp hãy lấy chúng ra. Nên tháo răng giả ra.

- Hãy trò chuyện với bệnh nhân hoặc hỏi những câu ngắn để họ không bị bất tỉnh.

- Ghi nhớ thời gian người bệnh bắt đầu triệu chứng để, tính thời gian trôi qua để báo với nhân viên y tế.

3. Nếu bệnh nhân mất ý thức

Đầu tiên, bạn cũng vẫn phải di chuyển họ tới nơi thông thoáng, để tiện theo dõi.

Áp má lên miệng xem họ còn thở không, nếu không hãy hô hấp nhân tạo

Xem ngực có đang cử động không thì thực hiện ép ngực (nếu bạn biết cách) hoặc dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế qua điện thoại trong lúc chờ họ tới.

III. Người nhà không nên làm gì?

Dưới đây là những lưu ý người nhà cần đề phòng và tránh thực hiện để không bị những sơ sót đáng tiếc xảy ra:

- Tuyệt đối không cho người bệnh đột quỵ ăn bất kỳ thứ gì hoặc chất lỏng nào vì dễ gây nôn ói và cản trở đường thở.

- Không dùng khăn hoặc vật dụng nào đó để chắn ngang miệng họ

- Không tự ý thực hiện điều trị bằng các biện pháp như: châm kim ngón tay, cạo gió, xoa bóp, nặn chanh, bấm huyệt…

- Không nên mong chờ cơn đột quỵ sẽ qua đi, và cho bệnh nhân uống thuốc linh tinh hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi, sẽ tăng nguy cơ tử vong.

IV. Cấp cứu đột quỵ bằng phương tiện gì?

Nên di chuyển bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện bằng xe cứu thương sẽ an toàn hơn

Phương tiện tốt nhất để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ đó là xe cứu thương, vì vậy nếu nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ cần phải liên hệ ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp khẩn cấp không thể chờ xe cứu thương, người nhà có thể dùng xe ôto gia đình để vận chuyển bệnh nhân, tuy nhiên nên liên hệ tới bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể trong quá trình di chuyển đảm bảo an toàn cho người bệnh đột quỵ.

Không vì quá khẩn trương mà đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng xe máy.

Một số bệnh viện ở các khu vực điều trị đột quỵ tốt chẳng hạn như:

- Hà Nội: Bệnh viện 108, Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện 103...

- Miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng, BVĐK tỉnh Bình Định...

- TPHCM: Bệnh viện Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Thống Nhất, BVĐH Y Dược, Nhân dân Gia Định...

- Miền Đông Nam Bộ: BVĐK Đồng Nai...

- Miền Tây Nam Bộ: Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (SIS), Đa khoa Cần Thơ, Trung ương Cần Thơ,…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X