Cảnh báo bệnh mạch máu não hiếm gặp gây đột quỵ não ở người trẻ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vừa tiếp nhận hai bệnh nhân trẻ bị đột quỵ xuất huyết não có liên quan đến bệnh Moyamoya. May mắn được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cả hai đều đã vượt qua cơn nguy kịch và đang hồi phục.
Bệnh nhân đầu tiên là một phụ nữ, 32 tuổi, quê Hậu Giang. Theo lời kể, bệnh nhân đột ngột cảm thấy mơ màng, bị liệt nửa người bên trái, vào viện cấp cứu và được chẩn đoán xuất huyết não. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật khẩn cấp để giải áp và lấy máu tụ. Chụp hình mạch não sau mổ cho thấy có sự tắc nghẽn ở các động mạch chính và tuần hoàn bàng hệ, xác nhận bệnh Moyamoya.
Trường hợp thứ hai là một bé gái, 16 tuổi, quê Vĩnh Long. Gia đình bệnh nhân cho biết, bé bất ngờ ngã xuống nền, lơ mơ, liệt tay chân trái, được chẩn đoán xuất huyết não bán cầu phải, phẫu thuật mở sọ giải áp ngay sau khi vào viện. Hình chụp DSA ghi nhận tắc động mạch cảnh trong phải đoạn cuối, nhận bàng hệ dạng Moyamoya.
Hiện tại, cả hai bệnh nhân đều đã có sự cải thiện tốt, nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng tay chân và cải thiện khả năng giao tiếp.
Theo BS.CKI Nguyễn Hoài Ân - Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức (ICU), bệnh Moyamoya là một bệnh lý mạch máu não đặc biệt hiếm gặp, đặc trưng bởi hẹp đoạn cuối động mạch cảnh trong và các nhánh gần của chúng thuộc đa giác Willis dẫn đến sự hình thành tuần hoàn bàng hệ (hình khói thuốc trên chụp mạch).
Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em (5 đến 10 tuổi) và người lớn (30 đến 35 tuổi), phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở người Châu Á với 3/100.000 trẻ em. Ở Nhật Bản tỷ lệ mắc bệnh 0.35/100.000 người dân. Bệnh Moyamoya thường gây ra nhồi máu não ở trẻ em và xuất huyết não ở người trưởng thành.
Triệu chứng của bệnh Moyamoya dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khi có các triệu chứng liên quan đến thiếu máu não bao gồm đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, nhiều đợt yếu nửa người, rối loạn cảm giác, mất ngôn ngữ, đau đầu, co giật, chậm phát triển, ở trẻ em có cơn đau đầu tái phát, dùng thuốc thông thường không thuyên giảm, có thể có yếu chi kèm theo… nên chụp MRA, CTA hay DSA giúp chẩn đoán xác định bệnh lý Moyamoya, từ đó có thể lập kế hoạch điều trị phù hợp cho bệnh lý này.
BS.CKI Nguyễn Hoài Ân nhấn mạnh việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp bệnh nhân thể phục hồi tốt hơn và giảm thiểu các di chứng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình