Hotline 24/7
08983-08983

Cần làm gì để người phụ nữ không rơi vào trầm cảm sau sinh?

Theo Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, tất cả chị em phụ nữ sau khi sinh con đều rơi vào giai đoạn nhạy cảm và cần sự chung tay của gia đình. Không đợi đến khi người mẹ có những hành vi tiêu cực lên bản thân hay lên con mới đến giúp đỡ mà phải có những biện pháp hỗ trợ từ sớm.

1. Khi nào vấn đề về tâm lý sau sinh cần can thiệp?

Người mẹ cần cần nhận biết như thế nào, khi nào là vấn đề về tâm lý sau sinh cần can thiệp để tránh các hệ lụy sau này?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố trả lời: Tất cả những phụ nữ sau khi sinh con, đều ở trong giai đoạn nhạy cảm và cần sự chung tay của chồng, của gia đình, của mọi người để giúp chăm sóc trẻ. Không đợi đến khi người mẹ có những hành vi tiêu cực lên bản thân hay lên con mới đến giúp đỡ thì đã trễ.

Cần quan sát 4 yếu tố sau để nhận biết một người phụ nữ đang gặp khó khăn về mặt tâm trí sau khi sinh:

- Về mặt cảm xúc: Người phụ nữ sau khi sinh con lúc nào cũng tỏ ra buồn bã, căng thẳng, lo lắng, cáu kỉnh.

- Suy nghĩ, nhận thức: Lúc nào cũng nghĩ mình không đủ tốt, là một người mẹ xấu, không chăm sóc con tốt, không có khả năng làm mẹ và nói điều đó với mọi người thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo.

- Hành vi: Người mẹ trở nên lo lắng, kiểm tra con liên tục hoặc con khóc nhưng trở nên thờ ơ, không đến chăm sóc, không dỗ con, tránh tiếp xúc với con.

- Triệu chứng cơ thể: Than phiền mình nhức đầu, mệt, đau,… mặc dù đã đi khám bác sĩ và không ghi nhận bất thường thì có thể do căng thẳng về tâm lý đang ảnh hưởng lên cơ thể.

2. Làm thế nào để giúp đỡ phụ nữ sau sinh tránh các vấn đề về tâm lý?

Thưa BS, cụ thể giúp đỡ người phụ nữ sau sinh là giúp đỡ trên những phương diện nào và bằng cách gì?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Thứ nhất, cần có sự chung tay giúp người mẹ chăm sóc trẻ, vì chăm sóc trẻ sau sinh là vấn đề không đơn giản. Đôi khi trẻ quấy khóc nên mẹ không có thời gian ngủ, chăm sóc cho bản thân dẫn đến kiệt sức, kiệt quệ.

Nhiều trường hợp trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi bác sĩ tiếp xúc nhận thấy người mẹ không có thời gian chăm sóc cho sức khỏe thể chất hay tinh thần của chính mình, bỏ ăn uống, không thay đồ, chải tóc,… dẫn đến mệt mỏi.

Thứ hai, chăm sóc là dành thời gian động viên, lắng nghe, chia sẻ và không tạo áp lực rằng người mẹ lúc nào cũng phải tốt, phải luôn hoàn mỹ, tránh kỳ vọng quá nhiều vào người mẹ.

Thứ ba giúp đỡ về mặt xã hội. Nghiên cứu cho thấy, khi người mẹ sống trong khó khăn về mặt kinh tế sẽ làm gia tăng trầm cảm sau sinh. Nên cần giúp người phụ nữ có điều kiện được chăm sóc về mặt y tế, đời sống một cách cơ bản để người mẹ có nền tảng tốt nhất và chăm sóc cho con của mình.

3. Trẻ có mẹ đang bị trầm cảm có cần trị liệu về tâm lý?

Những trẻ có mẹ đang bị trầm cảm có cần trị liệu về tâm lý không và khi nào thì nên áp dụng? Tại các cơ sở y tế, chuyên gia tâm lý có thể làm gì cho trẻ trong các tình huống này?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Trẻ có mẹ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh thì người mẹ sẽ từ chối con, để lại một khoảng trống rất lớn về sự gắn bó, về nhu cầu tinh thần, lẫn thể chất của trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, những trẻ không được gắn bó an toàn với mẹ có thể phát sinh ra những bất thường về mặt sức khỏe tâm trí hoặc chậm về mặt nhận thức, cảm xúc khi phát triển ở những giai đoạn sau này.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang cần trợ giúp về mặt tâm lý.

- Trẻ chậm về các lĩnh vực phát triển so với các bạn cùng trang lứa: Ví dụ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi bắt đầu nói từ đầu tiên mà 2 tuổi bé vẫn chưa nói hoặc 2 tuổi chưa biết đi hoặc ít tương tác với người khác, không có những tương tác xã hội với các bạn thì đó là dấu hiệu trẻ đang chậm hơn về mặt phát triển tâm vận động.

- Trẻ có vấn đề hành vi: Lúc nào cũng tỏ ra cấu kỉnh, quấy khóc,… có thể là dấu hiệu cho thấy tâm trí của trẻ không ổn.

- Sự phát triển về mặt cảm xúc: Trẻ khi vào cấp 1, cấp 2 khó tương tác với bạn bè xung quanh, khó thiết lập mối quan hệ tốt, không quản lý được các cảm xúc khó chịu.

Lúc đó, có thể đưa trẻ đến những nơi có dịch vụ trợ giúp về mặt tâm lý. Trẻ em là một thành viên trong hệ thống gia đình, vì vậy ngoài điều trị cho mẹ trầm cảm sau sinh thì phải hỗ trợ cho cả bé lẫn mẹ.  

Các nhà chuyên môn sẽ can thiệp trên một hệ thống gia đình, nơi những thành viên đang có dấu hiệu bất ổn, nhưng phải ý thức làm sao cho vận hành của hệ thống đó được ổn định.

Đặc biệt, cần tránh việc suy nghĩ theo hướng tuyến tính, vì người mẹ trầm cảm sau sinh nên con mới bất thường, chậm phát triển, từ đó vô tình tạo gánh nặng rất lớn đến những người mẹ. Trong khi đó có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trạng thái chậm hay khó khăn về mặt tinh thần của một đứa trẻ nên cần hạn chế các suy nghĩ này, để không tạo gánh nặng cho những người mẹ.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố

4. Cần phải làm gì để hỗ trợ phụ nữ sau sinh?

Từ trước đến nay mọi người luôn cho rằng phụ nữ là phái yếu và cần được bảo vệ, che chở, đặc biệt là khi bước vào giai đoạn sinh nở là một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời người phụ nữ, ở giai đoạn này đôi khi tâm lý mong manh, dễ vỡ hơn. Vậy đối với những người mẹ sau sinh, chúng ta cần phải làm gì?

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Đối với người mẹ sau sinh, đầu tiên nên tuân theo các khuyến cáo về mặt y tế của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé ổn định và cân bằng.

Thứ hai, việc người mẹ cho con bú là một yếu tố rất quan trọng, nên phải cân nhắc, khi đó sẽ thắt chặt liên kết giữa mẹ và bé. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người mẹ trầm cảm sau sinh thường từ chối việc cho con bú và điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển, cảm giác an toàn của trẻ.

Tiếp theo, người mẹ cần lên tiếng về những khó khăn mình đang gặp phải, hiểu được mình đã cố gắng hết sức để chăm sóc cho con và một lúc nào đó cảm thấy mình kiệt sức, cần thời gian cho bản thân thì đừng ngần ngại lên tiếng để chồng và những người xung quanh có thể chung tay giúp đỡ.

Việc lên tiếng này không gây phiền nhiễu hay khó chịu cho người khác mà là cơ hội để mọi người cùng với người mẹ chăm sóc cho bé tốt nhất.

Và đừng nghĩ trầm cảm sau sinh chỉ có phụ nữ vì phụ nữ phải trải qua sinh nở. Theo các nghiên cứu trên thế giới, những ông bố cũng có thể gặp tình trạng trầm cảm sau khi vợ sinh. Đặc biệt là khi vợ rơi vào trầm cảm sau sinh, thì một số gia đình người chồng cũng rơi vào trầm cảm sau sự kiện này. Đây là một yếu tố cần cân nhắc để tránh bỏ quên những người được coi là phái mạnh, nhưng đôi khi cũng cần sự nâng đỡ và trợ giúp.

>>> Vì sao phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X