Cách chẩn đoán và điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,…, thậm chí là đột tử. Để phát hiện sớm bệnh và điều trị hiệu quả, mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của Th.BS Vũ Trần Thiên Quân - Phó Tổng thư ký Hội y học giấc ngủ Việt Nam.
1. Hội chứng ngưng thở là gì?
Trước tiên, xin bác sĩ cho biết hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ (OSA) ở người lớn là bệnh gì? Xin bác sĩ có thể cung cấp một vài số liệu thống kê về bệnh?
Hội chứng tắc nghẽn khi ngủ là tình trạng khi ngủ đường thở bị đóng lại. Khi đó sẽ gây ra một số tác hại như thiếu oxy máu, mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày,... Khi ngủ mà bị thiếu oxy thì ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giấc ngủ, từ đó dẫn tới những hậu quả, biến chứng.
Về tần suất của ngưng thở khi ngủ ở người lớn chủ yếu gặp nhiều ở nam giới và tần suất này sẽ tăng theo tuổi. Tần suất dao động tùy theo quốc gia, khoảng từ 5% - 10%. Ở người trẻ tuổi thì tỷ lệ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ là 3% - 4%, từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ này là 5% - 7%.
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân hiện là Phó tổng thư ký Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, BCH Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM
2. Biến chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Người lỡ mắc bệnh sẽ đối diện với những nguy cơ, biến chứng nguy hiểm nào? Các biến chứng này diễn ra bộc phát hay âm thầm?
Như chúng ta biết, hội chứng ngưng thở khi ngủ là do sự đóng lại của đường thở. Ngủ thường kèm theo ngáy, đây là hiện tượng đường thở bị hẹp lại và tạo thành tiếng ngáy. Còn ngưng thở khi ngủ là hiện tượng đóng hoàn toàn đường thở.
Khi đó, oxy máu sẽ giảm, dẫn đến cơ thể phải thích nghi bằng cách tiết ra hormone kích thích cơ thể thức dậy.
Khi chúng ta thức, các khối cơ săn chắc; nhưng khi ngủ, cơ có xu hướng mềm hơn để cơ thể thư giãn, dễ ngủ. Chính việc mềm của các cơ sẽ khiến đường thở dễ bị đóng lại và gây tắc nghẽn khi ngủ.
Khi bị thiếu oxy máu, não bộ sẽ bị đánh thức và gây thức giấc. Thức giấc này gọi là vi thức giấc, nghĩa là trên sóng điện não là có thức nhưng bệnh nhân không cảm nhận được.
Một số bệnh nhân ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm nhưng sáng hôm sau vẫn cảm thấy buồn ngủ, muốn ngủ thêm. Đây là trường hợp ngủ nhiều nhưng không có hiệu quả do vi thức giấc liên tục.
Khi chúng ta biết cơ thể ngủ nhiều nhưng không có hiệu quả thì đó là stress rất lớn với cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ tiết ra hormone chống stress. Tuy nhiên, hormone này có thêm tác dụng làm tăng huyết áp, tăng đường huyết.
Các biến chứng tức thì như: mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ vào ngày hôm sau, dễ ngủ gật. Biến chứng lâu dài của hội chứng ngưng thở khi ngủ là làm tăng nguy cơ tử vong so với người bình thường, dễ bị các biến chứng như tăng huyết áp, tăng đường huyết, suy tim, nặng hơn là đột quỵ.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nguyên nhân gây bệnh của ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ ở người lớn? Vì sao nam giới lại có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn ạ?
Nguyên nhân có thể do bệnh nhân có amidan, gây chèn ép đường thở và dễ bị tắc nghẽn khi ngủ. Có một số trường hợp bệnh nhân do đường thở hẹp bẩm sinh hoặc đôi khi không thể tìm được nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ.
Hiện tại, người ta vẫn chưa tìm ra lý do vì sao nam giới có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Những giả thiết đưa ra gồm: nam giới dễ béo phì hơn, uống rượu bia nhiều. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc uống nhiều rượu bia có liên quan trực tiếp đến ngưng thở khi ngủ.
4. Hội chứng ngưng thở khi ngủ đi kèm với bệnh lý nền
Người bị các bệnh lý nền sẽ nguy hiểm thế nào nếu bị song hành bệnh ngưng thở khi ngủ? (Có phải ngưng thở khi ngủ làm gia tăng các bệnh lý tim mạch, loạn nhịp?)
Các bệnh lý nền và hội chứng ngưng thở khi ngủ có sự tương tác hai chiều. Ví dụ, người tăng huyết áp kháng trị (dùng nhiều thuốc huyết áp nhưng huyết áp vẫn còn cao) có tỷ lệ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ cao hơn người khác.
Ngoài ra, một số bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, suy tim thì dễ bị mắc ngưng thở khi ngủ hơn.
Đồng thời, người bị tình trạng ngưng thở khi ngủ sẽ dễ bị các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim.
5. Dấu hiệu phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ
Người bệnh ngưng thở khi ngủ thường không hay biết cho đến khi bị người ở cạnh phàn nàn. Vậy những người sống một mình thì cần được hỗ trợ hay lưu ý gì để phát hiện bệnh?
Việc người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ nhưng không biết là điều bình thường. Theo số liệu thống kê tại Mỹ, hơn 50% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ không được chẩn đoán và điều trị.
Một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh khi ngủ một mình là béo phì ở độ tuổi trung niên, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, làm việc kém tập trung.
Đối với người có người thân ngủ cùng thì dấu hiệu phát hiện là ngáy to, ngáy không đều.
Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày... là những dấu hiệu cảnh báo hội chứng ngưng thở khi ngủ
6. Các phương pháp chẩn đoán hội chứng ngưng thở khi ngủ
Các phương pháp chẩn đoán nào hiện nay giúp phát hiện được bệnh? Cơ sở nào có thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán này?
Để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ thường sẽ chẩn đoán nguyên nhân. Phần lớn các bệnh nhân sẽ được chỉ định nội soi tai mũi họng để xem amidan có to hay không. Để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ thì sẽ cho bệnh nhân đo đa ký giấc ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ là nghiệm pháp sẽ cho bệnh nhân ngủ qua đêm trong một cơ sở y tế từ 21h - 6h sáng hôm sau. Bệnh nhân sẽ được gắn những điện cực để xem bệnh nhân ngủ như thế nào nào, đã ngủ đủ giấc chưa. Các đầu dò sẽ gắn ở mũi, miệng để đo xem bệnh nhân có hơi thở khi ngủ không. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được theo dõi oxy máu, nhịp tim. Cách đo đa ký giấc ngủ cũng sẽ giúp phân biệt được ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hay là ngưng thở khi ngủ do trung ương và số lần ngưng thở trong 1 giờ là bao nhiêu để có phương pháp điều trị phù hợp.
Đo đa ký giấc ngủ sẽ giúp bác sĩ phát hiện được điều gì từ người bệnh? Vì sao nó được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ngưng thở khi ngủ?
Đa ký giấc ngủ là một xét nghiệm chuyên sâu về giấc ngủ, có các kênh để đo điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, tiếng ngáy, xác định vị trí tư thế cơ thể, đo cử động chân, có video để theo dõi diễn biến trong đêm.
Có 2 cách đo đa ký giấc ngủ. Cách đo lý tưởng nhất là đo trong bệnh viện, sẽ có điều dưỡng theo dõi và điều chỉnh máy khi có trục trặc. Tại các nước Âu Mỹ, có dịch vụ đo đa ký giấc ngủ tại nhà.
Đo đa ký giấc ngủ sẽ giúp theo dõi lưu lượng hơi thở qua mũi, miệng; giúp chẩn đoán được nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của ngưng thở khi ngủ.
Khoảng 2-3 năm gần đây, có nhiều bệnh viện bắt đầu có dịch vụ đo đa ký giấc ngủ. Tại BV Đại học Y dược TPHCM, dịch vụ này đã triển khai được 10 năm.
Đo đa ký giấc ngủ được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ngưng thở khi ngủ vì nó giúp chẩn đoán được mức độ nặng nhẹ của bệnh, nguyên nhân bệnh.
Ngưng thở khi ngủ do trung ương là do điều hòa hô hấp của cơ thể có vấn đề và não không phát được những xung động giúp cơ hô hấp hoạt động. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là cơ hô hấp vẫn hoạt động nhưng bị nghẽn ở đường thở.
Khi đo đa ký giấc ngủ có điện não sẽ giúp biết được người bệnh nhân đang ngủ hay thức. Còn đo đa ký giấc ngủ tại nhà sẽ không có điện não.
7. Cách phòng tránh hội chứng ngưng thở khi ngủ
Phòng tránh ngưng thở khi ngủ trong cộng đồng như thế nào? Cần lưu ý gì để tránh "rước bệnh" vào người?
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh để cơ thể bị béo phì, bởi vì đây là yếu tố có liên quan chặt chẽ đến hội chứng ngưng thở khi ngủ. Người không béo phì chưa chắc là không mắc ngưng thở khi ngủ, nhưng người béo phì thì khả năng mắc bệnh rất cao. Ngoài ra, không béo phì sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lý khác.
Đối người người không béo phì nhưng vẫn bị ngưng thở khi ngủ thì phải đi điều trị.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình