Hotline 24/7
08983-08983

Các vấn đề nội khoa thường gặp tại phòng khám: từ tên gọi bệnh, giá trị xét nghiệm đến giao tiếp với bệnh nhân

Tại Hội nghị khoa học năm 2022 của Hội Y học TPHCM, chủ đề 2: “Các vấn đề nội khoa thường gặp tại phòng khám”, các bác sĩ đầu ngành đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích và kinh nghiệm hay khi khám, chẩn đoán và điều trị cho 5 bệnh phổ biến: nội tiết, tim mạch, gan mật, thận niệu, tuyến tiền liệt.

Hội nghị khoa học năm 2022 của Hội Y học TPHCM, phiên chủ đề 2: “Các vấn đề nội khoa thường gặp tại phòng khám”

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, một trong 2 vị chủ tọa của phiên “Các vấn đề nội khoa thường gặp tại phòng khám”

“Các vấn đề nội khoa thường gặp tại phòng khám” là một chủ đề lớn gồm nhiều vấn đề, từ cách gọi tên bệnh, đánh giá các chỉ số xét nghiệm, chú ý tâm lý khi giao tiếp với bệnh nhân cho tới cập nhật những khuyến cáo mới đều được các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trao đổi tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2022 do Hội Y học TPHCM tổ chức sáng ngày 3/12.

PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh - Chủ tịch hội Tiết niệu - Thận học TPHCM

Với chủ đề: “Xử trí bướu lành tiền liệt tuyến dưới góc nhìn bác sĩ nội khoa, Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến, Khi nào cần chuyển bác sĩ chuyên khoa niệu”, PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh - Chủ tịch hội Tiết niệu - Thận học TPHCM lần lượt đi qua các mục: đại cương, vai trò của viêm tuyến tiền liệt (TTL), mục tiêu của thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, mục đích điều trị, các câu hỏi thường gặp ở bệnh nhân, khi nào có chỉ định phẫu thuật, ung thư TTL.

Mở đầu bài báo cáo, PGS Tuấn Vinh đã giải thích cặn kẽ quá trình thay đổi tên gọi của bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, bởi lẽ tên gọi sẽ quyết định thái độ của chúng ta với căn bệnh.

Trước đây mọi người gọi là u xơ TTL, đem lại cảm tưởng: nữ thì u xơ tử cung, nam thì có u xơ TTL; để rồi khi dùng thuốc nam, thuốc bắc ở các ông lang, bệnh nhân được kê thuốc tương tự, mặc dù bản chất 2 bệnh này khác nhau. Sau này, với tên gọi tăng sản lành tính TTL, thái độ của mọi người với bệnh này cũng khác, lành tính thì có thể không điều trị khi nó không gây khó chịu gì.

PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh đưa ra ví dụ: “Ngày xưa mỗi ngày có 3-4 ca cắt đốt TTL, nay cả năm chỉ có vài ca. Đa số bệnh nhân bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa (không phải chịu tổn thương do phẫu thuật) hoặc không điều trị mà chung sống hòa bình với tình trạng TTL của mình”.

Không chỉ có vai trò về tiết niệu, TTL còn là “tuyến phụ” của cơ quan sinh sản nam giới nên bác sĩ cũng phải tinh ý và tinh tế khi điều trị bệnh này. PGS Tuấn Vinh kể một chuyện vui: anh con trai đưa ba tới khám TTL, nói bác sĩ cứ chữa bệnh “cho hết” đi. Ông cụ đẩy anh con ra và thủ thỉ với bác sĩ: “Tui vẫn còn…”. Bác sĩ hiểu ngay vấn đề tế nhị của ông và bà xã ở nhà, nghĩ cách điều trị sao cho vẹn cả đôi đường.

Với bệnh ung thư TTL cũng vậy, nghe đến “ung thư” ai cũng sợ, muốn chữa càng sớm càng tốt. Tuy nhiên ung thư TTL có trường hợp không cần điều trị. Đó là khi bác sĩ cân nhắc tới tiến triển của bệnh và tuổi tác của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân cao tuổi rồi, chỉ còn vài năm là về đến đích của cuộc đời mình mà ung thư vẫn chỉ là một khối nhỏ xíu không ảnh hưởng gì thì có thể không điều trị cũng được.

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường - trưởng khoa Y, trưởng bộ môn Nội - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bài báo cáo “Ý nghĩa các xét nghiệm tầm soát bệnh lý gan”, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường - Trưởng Khoa Y, Trưởng Bộ môn Nội - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa mọi người đi qua hàng loạt xét nghiệm tầm soát bệnh gan gồm xét nghiệm sinh hóa gan, các dấu ấn virus gây viêm gan và cách đánh giá xơ hóa gan. Xét nghiệm cần tầm soát thường được các thầy thuốc chỉ định là ALT, AST, GGT; tuy nhiên các xét nghiệm này không có ý nghĩa tiên lượng bệnh gan và khi có kết quả bình thường cũng không loại trừ bệnh gan. Các xét nghiệm cần tầm soát nhiễm virus gây viêm gan B, C như HBsAg, antiHBs, antiHBc và anti HCV vì Việt Nam là vùng dịch tễ có tỷ lệ lưu hành cao.

PGS Khánh Tường cho biết, mức độ xơ hóa gan rất quan trọng đối với bệnh gan mạn. Trong đó, có một chi tiết cần giải thích rõ với bệnh nhân “xơ hóa” là một hậu quả do tổn thương gan mạn kéo dài. Xơ hóa gồm 4 giai đoạn từ F1 đến 4. Chỉ khi F4 mới gọi là xơ gan. Nếu không được bác sĩ giải thích rõ, bệnh nhân có thể suy sụp tinh thần vì mình mang “bản án” xơ gan trong khi mới xơ hoá gan F1, F2, F3.

Rất nhiều đồng nghiệp chụp lại các slide đáng chú ý trong bài báo cáo của vị chuyên gia đầu ngành Tiêu hóa - gan mật

Một bệnh lý mà PGS Khánh Tường mong muốn các bác sĩ phòng khám chú ý, đó là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, đây cũng là đề tài nghiên cứu chủ yếu của tác giả được giới khoa học nước ngoài quan tâm. PGS Khánh Tường nhấn mạnh: nếu phát hiện gan nhiễm mỡ cần tìm nguyên nhân, thường do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và mức độ nhiễm mỡ tương quan với độ dày lớp nội mạc động mạch cảnh, bệnh nhân có thể có nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim nếu không được phòng ngừa kịp thời. Do đó, cần cho bệnh nhân làm siêu âm doppler động mạch cảnh và có thể kiểm tra động mạch vành cho các đối tượng gan nhiễm mỡ nhiều.

PGS Khánh Tường còn đưa ra nhiều chỉ dẫn thú vị khác, chẳng hạn bệnh nhân vàng da nhưng mắt không vàng, nước tiểu vàng nhưng bọt có vàng hay không… sẽ gợi ý nguyên nhân khác nhau. Một vấn đề bệnh nhân hay hỏi là chế độ ăn, PGS Khánh Tường khẳng định: bệnh gan không kiêng ăn đạm như trứng, sữa thịt… dù đã xơ gan thậm chí xơ gan mất bù, tuy nhiên phải kiêng uống rượu lưu ý các thuốc đông y, thuốc bắc, thảo dược vì có thể gây tổn thương gan do thuốc, còn cà phê rất tốt cho gan nên không khuyến cáo ngưng.

PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí - trưởng khoa Hồi sức ngoại viện - Viện tim TPHCM với chủ đề “Cập nhật tin tức từ Hội nghị tim mạch châu Âu - các vấn đề liên quan bác sĩ nội khoa”. Theo thông lệ, cuối tháng 8, đầu tháng 9, Hội Tim mạch châu Âu (ESC) tổ chức buổi họp thường niên cập nhật những thông tin, nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực tim mạch học.

Trong khuôn khổ nội dung dành cho các phòng khám, PGS Quang Trí trình bày các vấn đề liên quan đến thực hành, gồm: điều trị tăng huyết áp, nghiên cứu TIME; ảnh hưởng trên cơ của statin: phân tích gộp CTT, phòng ngừa thứ phát trong mạch vành; liệu pháp ức chế SGLT2; nghiên cứu EMMY.

Đây là những thông tin rất cần thiết cho các bác sĩ không chuyên khoa từ một hội nghị lớn của chuyên khoa Tim mạch, theo ban chủ tọa thì phải là người “cứng cựa” mới trình bày được đầy đủ các vấn đề quan trọng gói gọn trong 1 bài báo cáo như vậy.

TS.BS Nguyễn Tú Duy - trưởng khoa Nội, Bệnh viện FV

Bài báo cáo “Biện luận xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Chỉ định tầm soát bệnh thận mạn ở bệnh nhân đái tháo đường. Cập nhật quản lý bệnh thận đái tháo đường”, của TS.BS Nguyễn Tú Duy - trưởng khoa Nội, Bệnh viện FV gồm các nội dung: đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) nên dùng công cụ nào, định nghĩa bệnh thận mạn, tỷ lệ lưu hành bệnh thận mạn ở bệnh nhân ĐTĐ, các thành phần cấu trúc của thận bị ảnh hưởng trong bệnh thận ĐTĐ, ý nghĩa của albumin niệu và giảm độ lọc cầu thận ở bệnh nhân có bệnh thận mạn, eGFR theo công thức mới nhất của CKD EPI 2021, tầm soát bệnh thận ĐTĐ với xét nghiệm đánh giá ACR và eGFR, tiếp cận đa yếu tố trong kiểm soát bệnh ĐTĐ, thay đổi lối sống theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Assosiation, ADA) và Hội Thận học quốc tế (Kidney Disease Improving Global Outcomes, KDIGO); lựa chọn thuốc cho bệnh nhân ĐTĐ có bệnh thận mạn…

Trong đó, vấn đề thay đổi lối sống khiến không chỉ bệnh nhân mà bác sĩ cũng lúng túng vì khuyến cáo của bệnh thận và bệnh ĐTĐ có những điểm khác nhau. TS.BS Nguyễn Tú Duy nói “Rất may là dường như năm nay 2 hội ADA và KDIGO là ngồi lại và đưa ra khuyến cáo thống nhất để bệnh nhân bị cùng lúc 2 bệnh này dễ thực hành hơn”.

ThS.BS Trần Viết Thắng - bộ môn Nội tiết - Đại học Y dược TPHCM

Trên thực tế khám chữa bệnh tuyến giáp, một vấn đề các bác sĩ thường gặp nhưng khá khó xử ngay cả với chuyên khoa Nội tiết là nhân giáp, đặc biệt là nhân giáp nhỏ hơn 1 cm. Vấn đề này được ThS.BS Trần Viết Thắng - bộ môn Nội tiết - Đại học Y dược TPHCM nói rõ trong bài “Quản lý bướu giáp nhân dựa trên ca lâm sàng”.

Mặc dù đã quá trưa nhưng phần thảo luận của phiên chủ đề 2 vẫn giữ chân các bác sĩ ở lại theo dõi đến phút cuối là 13 giờ chiều, vì không dễ gì có được cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe những kinh nghiệm quý báu từ 2 vị chủ tọa là PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, PGS.TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí và các báo cáo viên. Các vấn đề được quan tâm là: thuốc huyết áp nên uống vào buổi sáng hay tối, bệnh nhân ĐTĐ bị phù chân dùng thuốc huyết áp thế nào, chỉ số PSA bao nhiêu thì nghi ngờ ung thư TTL…

Dù đã qua thời điểm kết thúc phiên từ lâu nhưng phần thảo luận vẫn giữ chân các bác sĩ ở lại theo dõi đến đầu giờ chiều

Một điều các bác sĩ cần lưu ý khi kê thuốc đó là: càng ít liều thuốc thì bệnh nhân càng tuân thủ tốt hơn vì dễ nhớ, đỡ bị quên liều. Vì vậy, sau này có những viên thuốc được kết hợp nhiều công dụng. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân lo lắng: “Bệnh tôi nhiều vậy mà bác sĩ chỉ cho 1 viên thuốc, làm sao mà khỏi?”.

Hoặc một số bệnh nhân có tâm lý đối phó, cả tháng hay bỏ liều thuốc nhưng gần ngày tái khám thì uống thuốc đều đặn, bởi e ngại xét nghiệm ra chỉ số không tốt, “sợ bác sĩ la”. Vì vậy, cần tư vấn cho bệnh nhân hiểu tầm quan trọng của việc tuân thủ liều thuốc là vì sức khỏe chính bản thân mình.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê đúc kết, tất cả những vấn đề được nêu hôm nay đều là vấn đề thực tế mà phòng khám nào cũng gặp, thông tin đưa ra từ các báo cáo viên rất hữu ích để các bác sĩ có hướng điều trị tốt hơn và giao tiếp, nói chuyện với bệnh nhân để họ hiểu đúng về bệnh của mình.

Hồng Nhung - ảnh Viết Hưởng - AloBacsiGioi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X