Hotline 24/7
08983-08983

Biện pháp tránh thai sau khi chấm dứt thai kỳ

Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được phát triển, sức khỏe của phụ nữ ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có trên dưới 800.000 trường hợp nạo phá thai với rất nhiều nguyên nhân. Việc phá thai ngày càng nhiều cũng tương đương với hậu quả và tai biến của nạo phá thai ngày càng cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Do đó, sau khi chấm dứt thai kỳ, các chị em phụ nữ nên được tư vấn để có thể lựa chọn cho mình phương pháp ngừa thai phù hợp, tránh có thai ngoài ý muốn lặp lại, tránh nguy cơ tai biến sau phá thai cũng như gia tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp ngừa thai hiện đại và lâu dài. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các vấn đề phòng tránh thai sau khi nạo phá thai.

1. Chấm dứt thai kỳ thường thực hiện trong trường hợp nào?

Chấm dứt thai kỳ hay còn gọi là phá thai là việc loại bỏ các mô thai, các sản phẩm của bào thai và nhau thai ra khỏi tử cung.

Những trường hợp chấm dứt thai kỳ như:

- Có thai ngoài ý muốn, bạn chưa sẵn sàng để sinh em bé ra

- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh, có các vấn đề về di truyền gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé nếu được sinh ra

- Sức khỏe của người mẹ quá yếu, việc mang thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ nên buộc phải bỏ thai để điều trị.

- Những trường hợp thai ngưng tiến triển trong buồng tử cung (thai chết lưu)

Bạn có thể chấm dứt thai kỳ bằng cách dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, dù là biện pháp phá thai bằng thuốc thì cũng cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín và có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối, không được tự ý thực hiện tại nhà vì sẽ rất dễ gây ra những hậu quả nặng nề như băng huyết, sảy thai giữa chừng, nhau thai không hết, hoặc thậm chí là mất khả năng làm mẹ.

2. Chấm dứt thai kỳ bao lâu thì có thể mang thai lại?

Theo nhiều chuyên gia sản khoa, bạn có thể thụ thai trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi đình chỉ thai kỳ. Nguyên nhân vì các thủ thuật chấm dứt thai kỳ, nếu được thực hiện đúng cách, chỉ gây ra tác động  nhất định với sức khỏe, tâm lý phụ nữ và không có tác dụng ngừa thai, và quá trình rụng trứng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, cũng như an toàn cho thời gian thai kỳ tiếp theo, bạn nên áp dụng các biện pháp tránh thai một thời gian và nên tư vấn cùng các nhà chuyên môn trước khi mang thai lần nữa, bởi vì, cơ thể bạn và cơ quan sinh sản cần thời gian để hồi phục.

3. Những biện pháp phòng tránh thai sau khi chấm dứt thai kỳ

Khoảng thời gian sau khi chấm dứt thai kỳ là một khoảng thời gian khó khăn đối với phụ nữ, cho dù bất kỳ lý do nào thì tâm lý của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của thủ thuật đến sức khỏe của nữ, cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của cả hai. Vậy nên, muốn việc thực hiện các biện pháp ngừa thai có hiệu quả nhất cần đòi hỏi sự hợp tác và thống nhất của cả vợ lẫn chồng.

Một số biện pháp tránh thai tránh dành cho các chị em sau bỏ thai có thể áp dụng như:

Đối với viên tránh thai dạng uống

Bạn có thể áp dụng ngay sau khi chấm dứt thai kỳ, thậm chí là bắt đầu ngay ngày thực hiện thủ thuật. Viên uống tránh thai có thể sử dụng loại thành phần nội tiết kết hợp estrogen và progestin hoặc loại chỉ có progestin đều có thể được áp dụng.

Biện pháp tránh thai dạng uống này không phòng tránh được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục kể cả HIV/ AIDS, tuy nhiên vẫn áp dụng cho những trường hợp viêm nhiễm cấp tính đường sinh dục.

Thuốc tiêm tránh thai (DMPA), que cấy tránh thai IMPLANON

Thuốc tránh thai có thành phần chỉ có progestin, có thể tiêm hoặc cấy ngay lập tức. Tuy nhiên, giống như các thuốc tránh thai dạng uống, DMPA, IMPLANON cũng không phòng tránh được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Bao cao su (loại cho nam hoặc nữ)

Bạn có thể sử dụng bao cao su khi bắt đầu quan hệ tình dục, sau khi chấm dứt thai kỳ.

Bao cao su  là một biện pháp duy nhất có thể vừa giúp phòng tránh thai vừa giúp phòng tránh các viêm nhiễm lây qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS, nên thường được gọi là biện pháp ngừa thai “kép”.

Bên cạnh đó, hiệu quả tránh thai mà bao cao su mang lại cũng khá cao, lên đến 98% nếu như được sử dụng đúng cách.

Vòng tránh thai

Đối với những trường hợp không gặp những biến chứng gì sau khi chấm dứt thai kỳ, bạn có thể đặt vòng tránh thai sau hút thai.

Đối với những trường hợp phá thai khi thai đã lớn, các trường hợp như có thương tổn nặng chưa lành, chưa kiểm  soát được băng huyết  hay thiếu máu cấp tính chưa ổn định, bạn nên đợi tử cung trở về bình thường, khoảng 4 - 6 tuần, khi đó, vòng đặt vào có thể tránh tình trạng bị rơi hoặc tụt thấp.

Trước khi tiến hành đặt vòng, bạn sẽ được các cán bộ y tế khám và sàng lọc kỹ những dấu hiệu viêm nhiễm, nếu có, bạn phải đợi ít nhất là 3 tháng sau khi hút thai hoặc đến khi điều trị hết các viêm nhiễm.

Khả năng tránh thai của biện pháp đặt vòng phụ thuộc vào mức độ chấp nhận của tử cung người đặt đối với vòng tránh thai. Và giống như những biện pháp khác, đặt vòng không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thắt ống dẫn trứng

Biện pháp được chỉ định cho trường hợp các cặp vợ chồng trên 35 tuổi, đã đủ hoặc hơn hai con sống khỏe mạnh, con nhỏ nhất trên 3 tuổi.

Thắt ống dẫn trứng thực hiện bằng tiểu phẫu với đường rạch nhỏ ở bụng hoặc nội soi ổ bụng và có thể thực hiện ngay sau khi thủ thuật hút thai không có tai biến. Đối với trường hợp có nhiễm khuẩn hoặc sốt, băng huyết nặng, tổn thương nặng đến cơ quan sinh sản thì không nên thực hiện ngay.

Nhìn chung, ngừa thai sau khi chấm dứt thai kỳ là một vấn đề vô cùng quan trọng, nhằm tránh mang thai ngoài ý muốn và tránh tình trạng nạo phá thai nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người phụ nữ.

Mỗi biện pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nên để an toàn cho sức khỏe của bạn và lựa chọn cho mình một phương pháp ngừa thai phù hợp, bạn nên khám và tư vấn chuyên gia trước khi lựa chọn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X