Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện Thống Nhất: Hành trình 2 năm tái sinh 12 cuộc đời mới nhờ ghép thận

Ngày 24/4, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức “Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 công tác ghép thận tại bệnh viện”. Các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất trong công tác ghép thận, đồng thời chỉ ra thiếu hụt nguồn thận vẫn là một thách thức lớn cần phải giải quyết để đem lại sức sống mới cho người bệnh.

Ghép thận là phương pháp tốt nhất để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân suy thận mạn

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, suy thận mạn là gánh nặng y tế toàn cầu. Với những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, điều trị thay thế thận là cách duy nhất để kéo dài cuộc sống.

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 30.000 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận, trong đó ghép thận là phương pháp tốt nhất.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất báo cáo tại hội nghị

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam thực hiện hơn 7.000 ca ghép thận nhưng đáng buồn là hầu hết đều từ người cho sống. Chỉ một sơ sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của 2 người. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề về điều kiện pháp lý và an toàn của cả người hiến lẫn người nhận. Đến nay, nước ta chỉ có hơn 170 ca hiến tạng từ người cho chết não hoặc chết tim, con số rất nhỏ so với các nước trên thế giới.

Thống kê tại Bệnh viện Thống Nhất cho thấy, mỗi năm có 12-15 trường hợp điều trị tại đây cần ghép thận. Ngoài ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép với Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị cũng phải chuẩn bị vấn đề cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, ký hợp đồng với bác sĩ tâm lý, bác sĩ pháp y.

Trong phần báo cáo, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nhấn mạnh để triển khai được đề án ghép thận, cần có sự quyết tâm cao độ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện. Tiếp theo, cần tuân thủ tuyệt đối vấn đề pháp lý và chuyên môn.

“Kết quả hôm nay là nhờ có sự phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm theo mô hình “Chị - Em”. Quyết định chọn lựa Bệnh viện Chợ Rẫy là vô cùng sáng suốt, cùng dìu dắt nhau giải quyết gánh nặng y tế cho người dân. Cuối cùng, phải tận dụng hợp lý mọi nguồn lực không phân biệt công - tư, đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu” - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kết luận.

Sau 2 năm, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện thành công 12 ca ghép thận. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 19 tuổi và lớn nhất là 61 tuổi, trong đó có 2 cặp hiến - ghép không cùng huyết thống. Tất cả các bệnh nhân ghép thận đều còn sống.

Hành trình 2 năm nối dài sự sống cho 12 mảnh đời bất hạnh vì bạo bệnh

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Thống Nhất đã ghép thận thành công, suôn sẻ 12 ca. Phân tích 11 cặp ghép thận đầu tiên từ người cho sống thực hiện tại Bệnh viện Thống Nhất (tính từ năm 2022), bệnh nhân trẻ nhất mới 19 tuổi, lớn nhất là 61 tuổi. Trong đó có 2 cặp hiến - ghép không cùng huyết thống. Tất cả các bệnh nhân ghép thận đều còn sống.

Bệnh viện triển khai ca ghép thận đầu tiên vào tháng 5/2022 cho một nam thiếu niên 19 tuổi (ngụ TPHCM), bị bệnh lý hội chứng thận hư đã điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, bệnh nhân không điều trị nên diễn tiến đến suy thận và nhập Bệnh viện Thống Nhất vào tháng 9/2021, được chạy thận 6 tháng. Ngày 10/5/2022, bệnh nhân được ghép thận từ người cho sống là mẹ ruột (47 tuổi).

PGS.TS.BS Nguyễn Bách hồi tưởng hành trình bắt đầu ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất

PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất kể lại, khi biết đây là lần đầu bệnh viện thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân hơi e ngại. Tuy nhiên, với sự đảm bảo của bệnh viện, phút cuối bệnh nhân đã đồng ý và ca ghép thận cũng thành công.

Trong ngày hôm qua (23/4), Bệnh viện Thống Nhất thực hiện ca ghép thận thứ 12. Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu, sức khỏe trong giai đoạn phục hồi.

“Các ca ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất có kết quả tốt nhờ hệ thống lọc máu tốt, quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Bệnh viện cũng cải tiến quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước ghép, tập trung vào người hiến giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Ngoài ra, việc chăm sóc và cách ly bệnh nhân sau mổ được làm thật kỹ” - PGS.TS.BS Nguyễn Bách thông tin.

Thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn thận ghép

Theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép tạng là một trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm nhận định: “Hiện bệnh nhân suy thận mạn ngày càng tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân suy thận mạn tăng lên gấp đôi sau 5 năm. Ghép thận là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối”.

Ghép thận có thể kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân với chi phí thấp. Nếu so sánh với các phương pháp điều trị khác, chi phí ghép thận chỉ bằng một nửa. Ghép thận đã phát triển khá xa, trở thành thường quy ở nhiều nước, nhiều trung tâm.

Bệnh nhân sau ghép thận cũng có sức khỏe tốt hơn những người bệnh điều trị bằng phương pháp khác, có thể quay lại cuộc sống bình thường.

PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về những khó khăn trong công tác ghép thận

Hiện nay, số lượng người bệnh suy thận giai đoạn cuối được ghép thận ngày càng tăng. Ở Mỹ, kỹ thuật ghép thận được triển khai từ năm 1950. Cho đến nay, mỗi năm quốc gia này có 25.000 ca ghép.

Việt Nam có 25 trung tâm ghép tạng từ Bắc chí Nam, với tổng số trường hợp ghép tạng là hơn 8.000, trong đó có 7.500 trường hợp ghép thận. Số lượng ca ghép thận trong 10 năm đầu (1992 - 2002) chỉ bằng 1 năm ở thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, đến nay công tác ghép thận vẫn còn nhiều khó khăn cần nghiên cứu, giải quyết: “Vì tình trạng thiếu hụt nguồn thận ghép quá lớn, chúng ta quay lại phát triển nguồn thận hiến từ người chết não, ngừng tim.

Bên cạnh đó còn đặt ra vấn đề mở rộng tiêu chuẩn lấy từ người lớn tuổi, người có vấn đề bệnh lý nhưng vẫn còn kiểm soát tốt như cao huyết áp, đái tháo đường, Crea tăng,... Kể cả bệnh nhân ung thư sau khi điều trị khỏi vẫn có thể hiến tạng”.

Để mở rộng nguồn thận hiến, trên thế giới đã áp dụng một số phương pháp như: đổi chéo người hiến PKE, ghép không tương hợp nhóm máu ABOi, ghép trên những đối tượng có tình trạng miễn dịch đặc biệt (PCR dương tính, DSA, phản ứng chéo dương tính...)

Cạnh đó, cần giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn hay bệnh tim mạch, ung thư sau ghép, bệnh thận tái phát… Cuối cùng là cần tiếp cận các kỹ thuật mới để ghép thận nói riêng, ghép tạng nói chung được phát triển.

“Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thận ghép, tôi cho rằng cần phát triển đồng bộ nhiều phương pháp và đặc biệt chú ý phát triển ghép thận từ người hiến chết não” - PGS.TS.BS Thái Minh Sâm nhấn mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X