Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh viện Gia An 115: Hiện đại - Chất lượng - An toàn cho người bệnh

Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn chất lượng AACI của Hoa Kỳ. Bên cạnh những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh, Bệnh viện Gia An 115 còn đặt tâm huyết vào việc đầu tư trang thiết bị, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của thời đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Một trong số đó chính là tiên phong ứng dụng công nghệ RAPID AI từ năm 2019.

1. Bệnh viện Gia An 115 đã nỗ lực và đạt được những bước tiến nào để hướng đến Bệnh viện: Hiện đại - Chất lượng - An toàn cho người bệnh?

Nhân chương trình hôm nay, xin hỏi TS.BS Trương Vĩnh Long, kể từ khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Gia An 115 đã nỗ lực và đạt được những bước tiến nào để hướng đến Bệnh viện: Hiện đại - Chất lượng - An toàn cho người bệnh?

TS.BS Trương Vĩnh Long trả lời: Bệnh viện Gia An 115 được đầu tư bài bản ngay từ ban đầu. Từ những khâu thiết kế, đến công tác chuẩn bị xây dựng quy trình như tuyển dụng đào tạo và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Từ khi đi vào hoạt động (2018) đến nay, bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu và chứng nhận. Năm 2019 đạt giải thưởng Quản lý Bệnh viện Châu Á (HMA). Năm 2020, Bệnh viện Gia An 115 đạt kỷ lục Việt Nam về ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đột quỵ. Đến năm 2021, Bệnh viện Gia An 115 trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận điều trị vàng của Tổ chức Đột quỵ Thế giới.

Trong năm 2022, sau khi trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 lịch sử, Bệnh viện Gia An 115 cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên của bệnh viện đã được nhận bằng khen xuất sắc của Ủy ban Nhân dân TPHCM. Đến đầu năm 2023, bệnh viện đã đạt giải thưởng chăm sóc sức khỏe Châu Á (Healthcare Asia Awards 2023). Cuối năm 2023, Bệnh viện Gia An 115 đạt được chứng nhận quốc tế về chất lượng và an toàn người bệnh của AACI Hoa Kỳ.

2. Bệnh viện Gia An 115 đạt chứng nhận quốc tế về chất lượng và an toàn người bệnh của AACI Hoa Kỳ vào thời gian nào?

Được biết, Bệnh viện Gia An 115 trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn chất lượng AACI của Hoa Kỳ. Nhờ BS chia sẻ thêm một số thông tin về sự kiện đặc biệt này ạ.

TS.BS Trương Vĩnh Long trả lời: Sau đại dịch COVID-19, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như toàn thế giới thì Bệnh viện Gia An 115 đã bắt tay vào việc xây dựng, điều chỉnh các tiêu chuẩn hoạt động theo tiêu chuẩn AACI của Hoa Kỳ.

Ngày 28/11/2023, Bệnh viện Gia An 115 đã được Tổ chức AACI (American Accreditation Commission International) trao chứng nhận bệnh viện đạt chuẩn chất lượng xuất sắc và an toàn người bệnh.

3. Vì sao AACI được xem là biểu tượng về chứng nhận trong ngành chăm sóc sức khỏe?

Nhờ đâu mà AACI được xem là một biểu tượng về chứng nhận trong ngành chăm sóc sức khỏe, mức độ tin cậy trên toàn cầu như vậy, thưa BS?

TS.BS Trương Vĩnh Long trả lời: Ở Mỹ Tổ chức JC (Joint Commission) được thành lặp từ năm 1951 (cách đây 73 năm). Tổ chức này ra đời nhằm thẩm định các bệnh viện trong nước Mỹ, để các tổ chức bảo hiểm của Mỹ chi trả.

Đến năm 1998, thành lập Tổ chức JCI (Joint Commission International), tổ chức thẩm định các bệnh viện theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ nhưng ngoài nước Mỹ, đến nay đã được 36 năm. Năm 2013, Tổ chức thứ 2 tại Mỹ ra đời - AACI, cũng áp dụng bộ tiêu chí để các bệnh viện trong và ngoài nước Mỹ ứng dụng nâng cao chật lượng để các tổ chức bảo hiểm y tế của Mỹ, cũng như bảo hiểm quốc tế chi trả.

Như vậy, AACI là bộ tiêu chí của Mỹ, ra đời sau JCI nên được cập nhật và cải tiến rất nhiều. Đặc biệt, Tổ chức AACI được Hiệp hội Quốc tế về Chất lượng Chăm sóc sức khoẻ của thế giới công nhận để trở thành tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới và chứng nhận cho các bệnh viện muốn đạt theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

4. Bộ tiêu chuẩn AACI chủ yếu tập trung vào những khía cạnh nào? Bệnh viện Gia An 115 đã vượt qua những thuận lợi và khó khăn gì để trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn chất lượng AACI của Hoa Kỳ?

Được biết, để đạt được tiêu chuẩn này, Bệnh viện Gia An 115 phải đáp ứng 140 tiêu chuẩn rất khắt khe.

- Trong đó, bộ tiêu chuẩn này tập trung vào những khía cạnh nào là trọng yếu, thưa BS? Bộ tiêu chuẩn của AACI được công nhận bởi đơn vị/Hiệp hội nào?

- Những thuận lợi cũng như khó khăn mà BV Gia An 115 đã vượt qua để trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn chất lượng AACI của Hoa Kỳ? Và BV đã làm những gì để vượt qua khó khăn, thử thách này?

TS.BS Trương Vĩnh Long trả lời: AACI được Hiệp hội Quốc tế về Chất lượng Chăm sóc sức khoẻ (The International Society for Quality in Health Care - ISQua) công nhận.

JCI ra đời 26 năm và có 7 phiên bản cập nhật về bộ tiêu chí. Riêng AACI chỉ ra đời 11 năm đã có 7 phiên bản cập nhật liên tục và cải tiến. Hiện nay, đã áp dụng đến phiên bản thứ 7. Điều này đồng nghĩa AACI bám sát thực tiễn và nâng cấp các tiêu chuẩn nên vô cùng khắc khe.

JCI chỉ tập trung vào quản trị và chăm sóc người bệnh, còn AACI phân thành 3 tiêu chuẩn. Thứ nhất, tập trung vào công tác quản trị bệnh viện bao gồm: lãnh đạo, điều hành, hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống an toàn người bệnh.

Tiêu chuẩn thứ hai, tập trung vào công tác chăm sóc người bệnh bao gồm: tiêu chuẩn, tiêu chí, các chương chi tiết để quy định từ việc tiếp nhận bệnh nhân, thăm khám, lập kế hoạch điều trị, đến khi phục hồi chức năng và cho bệnh nhân xuất viện, theo dõi tại nhà, tạo thành một vòng khép kín với các tiêu chuẩn khắt khe.

Tiêu chuẩn thứ ba, tập trung vào công tác hạ tầng, quản trị các dịch vụ hỗ trợ để kiểm soát chuẩn hóa, kể cả vấn đề xây dựng bệnh viện, hạ tầng, trang thiết bị y tế, các dịch vụ hỗ trợ như dinh dưỡng, phục hồi chức năng, đặc biệt vấn đề kiểm soát rủi ro.

Đối với AACI để hoàn tất, đáp ứng được các tiêu chí này Bệnh viện Gia An 115 đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc điều chỉnh các quy trình. Mặc dù trước đây, ngay từ ban đầu bệnh viện đã áp dụng theo bộ tiêu chí JCI, tuy nhiên khi áp dụng tiêu chí của AACI phải điều chỉnh lại các quy trình hiện có của bệnh viện và đào tạo cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của bệnh viện, thực hiện theo quy trình mới của AACI.

Quá trình để đạt tiêu chuẩn AACI, đa phần là thuận lợi vì ngay từ ban đầu, giai đoạn lập dự án, thiết kế và xây dựng bệnh viện đã được đơn vị của Nhật Bản hỗ trợ thiết kế. Bên cạnh đó, còn nhận có sự tư vấn về chuyên môn, kiến trúc của Tổ chức Global Health Services Network (Hoa Kỳ). Đây là tổ chức có hơn 40 chuyên gia phần lớn là tổng giám đốc của các tập đoàn y tế, cũng như giám đốc của các bệnh viện nổi tiếng tại Mỹ.

Vì vậy, ngay từ ban đầu đã thiết kế bệnh viện, xây dựng tất cả các quy trình theo chuẩn của Hoa Kỳ nên đây là điều thuận lợi. Về trang thiết bị y tế, đã đầu tư rất hiện đại. Việc còn lại là đào tạo nhân sự theo tiêu chuẩn mới.

Điều khó khăn là đối với AACI không chỉ kiểm soát các dịch vụ trong bệnh viện mà các dịch vụ bệnh viện thuê ngoài như dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, giặt ủi,... đều phải tuân thủ quy trình của AACI. Đặc biệt, về mặt hạ tầng phải duy trì hoạt động 24/7 kể cả các trang thiết bị y tế.

5. Bệnh viện đạt chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn sẽ mang lại những lợi ích nào trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh?

Chứng nhận AACI có ý nghĩa quan trọng như thế nào cho hiện tại và tương lai của Bệnh viện Gia An 115, thưa BS? Một Bệnh viện đạt chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn sẽ mang lại những lợi ích nào trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh?

TS.BS Trương Vĩnh Long trả lời: Điều ý nghĩa nhất khi Bệnh viện Gia An 115 đạt chất lượng AACI của Hoa Kỳ là mang lại sự an toàn cho bệnh viện, đặc biệt là người bệnh, giúp giảm áp lực đối với đội ngũ quản lý. Vì tất cả quy trình đã được xây dựng, thực hiện tự động.

Thứ hai là người bệnh sẽ được hưởng lợi ích từ tiêu chuẩn AACI. Vì trong y khoa, vấn đề lo lắng nhất là các tai biến, biến chứng nên bộ tiêu chuẩn này rất quan trọng. Đặc biệt, chất lượng từ chuyên môn đến phục vụ, mang đến hiệu quả điều trị giúp rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Cuối cùng, mang lại thương hiệu tốt cho Bệnh viện Gia An 115 nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.

6. Ứng dụng phần mềm RAPID đã mang lại hiệu quả ra sao trong việc chẩn đoán, điều trị và phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ?

Xin hỏi BS.CK2 Đặng Đình Hoan, công nghệ khởi động cho việc tiên phong ứng dụng công nghệ AI tại Bệnh viện Gia An 115 là gì?

- Và tính đến nay, việc ứng dụng phần mềm RAPID này đã mang lại hiệu quả ra sao trong việc chẩn đoán, điều trị và phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ ạ?

- Nhờ BS chia sẻ một (hoặc vài) tình huống bệnh nhân đột quỵ cứu sống kịp thời, chuyển biến - phục hồi rõ rệt nhờ phần mềm RAPID ạ?

BS.CK2 Đặng Đình Hoan trả lời: Trước đó, khi không có RAPID AI, một bệnh nhân đột quỵ được đưa đến, bác sĩ sẽ cho chụp CT không cản quang (đây là quy trình của thế giới). Nếu tổn thương lớn, hình ảnh rõ ràng sẽ bắt đầu can thiệp lấy huyết khối. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vừa xảy ra (tối cấp), hình ảnh giữa nhu mô não bình thường và bất thường gần như không có. Điều này đòi hỏi sự quan sát kỹ hơn của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn.

Sau đó, phải có sự hội chẩn giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ lâm sàng để đưa ra quyết định nếu có đột quỵ thì vùng não tổn thương sẽ như thế nào? Tiếp theo phải tiến hành chụp cộng hưởng từ tưới máu hoặc CT tưới máu, kỹ thuật này mất khoảng 20 phút.

Tuy nhiên, sau khi chụp xong phải có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh đọc. Trong khi đó, thời gian đọc yêu cầu phải chính xác 3 vấn đề: Thứ nhất là vị trí tổn thương; Thứ hai, kích cỡ huyết khối (dài hay ngắn); Thứ ba là ảnh hưởng của huyết khối trên vùng não mà mạch máu chi phối. 3 câu hỏi này đòi hỏi bác sĩ phải mất từ 30 - 60 phút, tùy theo kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, sau đó là một hội chẩn khác. Vì vậy, có thể dẫn đến mất thời gian vàng.

Như đã biết, thời gian vàng của đột quỵ từ lúc bắt đầu xảy ra triệu chứng là 6 tiếng. Trong khi đó, thời gian chụp hình, chẩn đoán, đưa ra kế hoạch điều trị hơn 3 tiếng là rất phí.

Nhằm mục đích an toàn cho bệnh nhân là trên hết, nhà đầu tư, cũng như ban giám đốc Bệnh viện Gia An 115 đã quyết định tiên phong sử dụng công nghệ RAPID AI. Với công nghệ này, khi bệnh nhân vào bệnh viện chỉ cần một CT không cản quang dựa vào công nghệ RAPID AI sẽ cho ra kết quả giải quyết được cả 3 vấn đề: xác định vị trí tổn thương; đo được chiều dài kích thước tổn thương (huyết khối); xác định được vùng tổn thương.

Khi xác định được vùng tổn thương sẽ xác định được 3 vị trí vùng tổn thương đen (vùng tổn thương não) hoàn toàn bị phá hủy, cho dù đã lấy huyết khối vẫn không phục hồi được; Vùng nhu mô não lành; Giữa vùng nhu mô não lành và vùng nhu mô não tổn thương hoàn toàn có vùng gọi là “tranh tối, tranh sáng”, sẽ có độ màu khác nhau. Ví dụ, từ xám nhạt đến xám đậm. Trên vùng diện tích đó bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bệnh nhân về khả năng phục hồi khi can thiệp lấy huyết khối, điều này chính xác gần như 100%.

Vừa qua, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 60 tuổi có bệnh nền cao huyết áp và thiếu máu cơ tim dẫn đến rất dễ tạo huyết khối khi tim có những hoạt động bất thường. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, trên phần mềm RAPID AI, các bác sĩ đã xác định được ngay huyết khối trên nhánh động mạch não giữa ở phần trung tâm, ảnh hưởng đến trung khu vận động. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ can thiệp thần kinh đứng tại phòng chụp cùng hội chẩn, quyết định sử dụng X-quang can thiệp, dùng thuốc tiêu sợi huyết để lấy huyết khối.

Trước khi can thiệp bệnh nhân đã có những thắc mắc về khả năng phục hồi khi sử dụng biện pháp này và được các bác sĩ của Bệnh viện Gia An 115 cho biết khả năng phục hồi gần như 100%. Sau thời gian điều trị cho thấy tiên lượng của bác sĩ là đúng.

Nếu trước đó, không có RAPID AI khi chụp thấy huyết khối ở đâu sẽ giải quyết ở đó và tìm dụng cụ, vật liệu. Sau khi có RAPID AI, bác sĩ can thiệp sẽ có kế hoạch và chuẩn bị được hết các phương tiện, dụng cụ. Thời gian can thiệp ngắn, thay vì trung bình khoảng 2 - 3 tiếng, với vị trí M1 (động mạch não giữa) chỉ mất khoảng 60 phút.

Với công nghệ RAPID AI thời gian chuẩn đoán nhanh, đồng nghĩa hạn chế được sự hư hao của não khi máu không được tưới. Trước đây, khi không có công nghệ này thời gian vàng để áp dụng X-quang can thiệp là 6 tiếng. Khi có công nghệ RAPID AI, thời gian áp dụng X-quang can thiệp là 24 tiếng.

Điều này giúp đạt được tiêu chí của AACI là đưa an toàn bệnh nhân lên hàng đầu.

Phần 2: Bệnh viện Gia An 115 định hướng phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trương Vĩnh Long, BS.CK2 Đặng Đình Hoan Bệnh viện Gia An 115 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X