Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh thận mạn: Số bệnh nhân gấp 20 lần so với ung thư, 90% không biết mắc bệnh

Suy thận là bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ở giai đoạn sớm lại ít có biểu hiện lâm sàng. Để tránh tình trạng bệnh đã vào giai đoạn muộn, khó khăn trong điều trị, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy - Chuyên khoa Nội thận, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có lời khuyên cộng đồng nên khám sức khỏe định kỳ, trong đó có thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận.

Bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm, hay phát hiện muộn

Thận là một cơ quan nằm trong ổ bụng và có vai trò như tấm lưới lọc để đào thải độc chất ra ngoài, giữ lại các chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, thận còn có vai trò điều hòa điện giải, điều hòa huyết áp, tạo máu và liên quan đến chuyển hóa xương.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy giải thích, bệnh thận mạn chỉ tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục. Theo thống kê, có 8 - 10% dân số thế giới mắc bệnh thận mạn nhưng thường chỉ phát hiện được ở giai đoạn muộn vì bệnh có diễn tiến âm thầm.

Bệnh thận mạn chia thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận GFR. Tỷ lệ tử vong ở giai đoạn 2 là 10 - 20%, ở giai đoạn 3 và 4 lần lượt là 24% và 46%.

Bệnh thận mạn tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, loãng xương

Thận bị suy giảm chức năng sẽ dẫn đến ứ đọng các chất không có lợi trong cơ thể khiến bệnh nhân gặp nhiều triệu chứng khó chịu (nôn ói, chán ăn, phù,..). Bệnh nhân suy thận mạn còn dễ bị thiếu máu, tăng huyết áp.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy cảnh báo, bệnh thận mạn làm tăng nguy cơ bị biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ... Ví dụ, một người trẻ bị bệnh thận mạn có nguy cơ tim mạch tương đương với người 75 tuổi.

Suy thận nặng dẫn đến tình trạng dư nước, khiến cơ thể người bệnh bị phù. Có người bị tăng đến 10 - 20kg. Lượng nước ứ ở phổi còn gây khó thở. Bệnh thận mạn còn khiến cơ thể bị rối loạn các chất canxi, photpho, là nguyên nhân khiến người bệnh bị loãng xương.

Các biến chứng của bệnh thận mạn liên quan đến huyết áp, tim, hệ máu, xương...

Đái tháo đường và tăng huyết áp là 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn

“Bệnh thận mạn phổ biến, nhưng bệnh nhân lại không biết mình bị bệnh” - ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, cứ 7 người trưởng thành ở quốc gia này lại có 1 người mắc bệnh thận mạn. Thế nhưng có đến 90% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, thậm chí đến giai đoạn nặng (giai đoạn 4, 5), chỉ có 2/5 bệnh nhân biết về bệnh tình.

Theo thống kê được thực hiện vào năm 2021, trên toàn thế giới có 850 triệu người bị bệnh thận mạn, trong khi số bệnh nhân tiểu đường chỉ khoảng 400 triệu. Điều này cho thấy, về tần suất, bệnh thận mạn có tỷ lệ mắc nhiều gấp đôi so với đái tháo đường. Nhiều khảo sát cũng cho kết quả, số bệnh nhân thận mạn gấp 20 lần so với ung thư.

Đái tháo đường và tăng huyết áp là 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn. Ước tính cứ trong 3 bệnh nhân đái tháo đường và trong 5 bệnh nhân tăng huyết áp có thể có 1 người mắc bệnh thận mạn.

Chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp khác, gồm: bệnh lý cầu thận nguyên phát, bệnh ống thận mô kẽ, bệnh nang thận, bệnh mạch máu thận, bệnh thận do thuốc giảm đau, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần gây viêm thận - bể thận mạn, bệnh thận do tắc nghẽn...

Ai có nguy cơ mắc bệnh thận mạn?

Dù thận mạn là một căn bệnh phổ biến, tuy nhiên, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy trấn an cộng đồng rằng, không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Những nhóm cần tầm soát bệnh thận mạn sớm gồm:

- Bệnh nhân đái tháo đường;

- Người bị tăng huyết áp;

- Tiền sử gia đình có bệnh thận mạn;

- Đã từng bị suy thận cấp;

- Đã từng gặp các bất thường về thận: sỏi thận, thận độc nhất, nang thận...;

- Có tiểu đạm, tiểu máu trước đây;

- Người sinh non, nhẹ cân;

- Người béo phì;

- Người lớn tuổi;

- Tiền sử bệnh lý tim mạch;

- Người hút thuốc lá.

Thuốc điều trị bệnh thận mạn có hiệu quả tốt khi dùng từ giai đoạn sớm

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy: “Trong đa số các trường hợp, bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện gì cho đến giai đoạn nặng nhưng vẫn có một số triệu chứng gợi ý”.

Đầu tiên là các triệu chứng liên quan đến đi tiểu như tiểu đêm, tiểu bọt nhiều và lâu tan, tiểu có máu... Bệnh nhân bệnh thận mạn thường bị phù mặt, sau đó phù chân và phù lan toàn thân. Những triệu chứng khác được nhắc đến như nôn ói, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu (do tăng huyết áp) hoặc thường xuyên bị vọp bẻ, yếu cơ (do rối loạn điện giải, canxi và kali).

Tuy nhiên, những biểu hiện này thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn trễ. Vậy, câu hỏi được người đặt ra là nếu triệu chứng của bệnh không rõ ràng thì làm sao để phát hiện bệnh? ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, chỉ có thực hiện các xét nghiệm mới có thể phát hiện bệnh sớm.

Bệnh thận được khuyến cáo bắt buộc phải tầm soát, nguyên nhân là vì bệnh hoàn toàn có thể phát hiện được từ giai đoạn sớm bằng các xét nghiệm không quá đắt tiền.

Các xét nghiệm đơn giản như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm tiền tiểu đạm vi đạm niệu, siêu âm bụng và xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận với chi phí từ khoảng 200.000 nghìn đồng. Người dân nên thực hiện định kỳ và giữ lại toàn bộ kết quả để so sánh, đối chiếu sẽ giúp phát hiện bệnh từ những giai đoạn sớm.

Xét nghiệm tầm soát bệnh thận mạn không đắt nhưng điều trị ở những giai đoạn cuối cực kỳ tốn kém

"Điều trị bệnh ở giai đoạn trễ tốn kém nhiều hơn, người bệnh cần được chạy thận, ghép thận,... Nhưng vấn đề đặt ra là bao nhiều người có thể đủ khả năng tài chính để theo đuổi điều trị lâu dài?

Gánh nặng chi phí quá lớn là trở ngại lớn nhất trong quá trình điều trị của bệnh nhân, đặc biệt là ở những quốc gia có mức thu nhập trung bình đến thấp, trong đó có Việt Nam" - chuyên gia nhấn mạnh.

Các loại thuốc mới hiện nay rất ở hiệu quả khi được dùng ở giai đoạn đầu của bệnh, thậm chí có sự cải thiện ngoại mục.

Phát hiện ở giai đoạn sớm, đặc biệt đối với bệnh thận mạn do tăng huyết áp hoặc do đái tháo đường, các loại thuốc hiện nay có thể giúp ngăn chặn bệnh tiếp tục diễn tiến. Thậm chí nhiều trường hợp phát hiện sớm ở giai đoạn mới tiểu đạm còn có thể hồi phục được.

Làm sao để bảo vệ thận khoẻ mạnh?

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh: “Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh thận mạn”. Những phương pháp phòng bệnh đơn giản được chuyên gia hướng dẫn cho cộng đồng là:

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn sớm;

- Sử dụng thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thảo dược không rõ nguồn gốc;

- Một số thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm NSAIDs có thể gây hại cho thận khi sử dụng trong thời gian dài. Cần báo với bác sĩ khi dùng các loại thuốc này và cần theo dõi định kỳ nếu có các bệnh lý cần uống NSAIDs thường xuyên.

8 nguyên tắc vàng để bảo vệ thận

Lối sống cũng có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng. Để bảo vệ thận, cần có thói quen theo dõi và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp; có chế độ dinh dưỡng hợp lý; không hút thuốc lá; vận động thể lực thường xuyên và đúng mức.

Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể, theo khuyến cáo là 40ml/1kg trọng lượng cơ thể. Một cách khác để nhận biết cơ thể bị thiếu nước là dựa vào màu sắc nước tiểu. Nước tiểu hơi ngả vàng nhạt và trong có nghĩa là bạn đã uống đủ nước. Ngược lại, nước tiểu sậm màu và ít đi tiểu là dấu hiệu cho thấy cần bổ sung thêm nước.

Lời khuyên của ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy là phải kiểm tra chức năng thận ngay khi phát hiện bất kỳ “yếu tố nguy cơ” là yếu tố then chốt để phòng bệnh. Trong trường hợp phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ hỗ trợ để ngăn chặn hoặc làm chậm diễn tiến bệnh.

Cuối cùng, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy kết luận: “Bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm nên việc thăm khám và tầm soát định kỳ ở các nhóm nguy cơ cao là rất cần thiết. Khi mắc bệnh, việc điều trị sớm và theo định kỳ với bác sĩ, kết hợp với dùng thuốc, thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng sẽ ổn định tình trạng bệnh, làm chậm quá trình tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối”.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X