Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp và tốc độ lây rất khủng khiếp cũng như gây ra rất nhiều biến chứng cho trẻ. Nên chủng ngừa đầy đủ để tránh các nguy hiểm cho sức khỏe là những lời khuyên của BS Trương Hữu Khanh trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh sởi là căn bệnh như thế nào?

Đầu tiên nhờ BS có thể nhắc lại để quý vị khán giả biết, bệnh sởi là căn bệnh như thế nào và dấu hiệu nào để nhận biết ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sởi là một bệnh kinh điển, ông bà ta còn gọi là bệnh ban đỏ. Đây là bệnh lây lan qua đường hô hấp do một loại virus có trong đường hô hấp gây ra, đã có từ rất lâu và lây lan rất nhanh. Trước khi có vaccine sởi đây là một gánh nặng rất lớn gây cho trẻ bị viêm phổi, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A.

Tuy nhiên sau này nhờ có vaccine số bệnh đã giảm xuống nhưng vẫn xuất hiện từng đợt. Mỗi 3, 4 hoặc 5 năm sẽ xuất hiện một đợt sởi do độ tiêm chủng có lỗ hổng nên đến mùa lại khởi phát.

2. Bệnh sởi lây nhiễm qua những con đường nào và độ tuổi nào?

Bệnh sởi lây nhiễm như thế nào và thường tấn công trẻ ở độ tuổi nào nhất, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, sởi và cúm là 2 căn bệnh lây rất khủng khiếp. Độ lây của những bệnh hô hấp khác thường được so sánh với sởi như “có lây bằng sởi không”, “lây bao nhiêu lần so với sởi”.

Bệnh sởi có thể tấn công ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên đa số các trường hợp là những tuổi nhỏ, tuổi bắt đầu bước vào trường học mà chưa chủng ngừa đủ. Có thể mắc ở những trẻ rất nhỏ, dưới 9 tháng hoặc dưới 12 tháng những đối tượng này dễ biến chứng hơn trẻ lớn.

3. Làm sao để nhận diện và phân biệt các đốm đỏ của sởi với sốt phát ban, sốt xuất huyết?

Các đốm đỏ của bệnh sởi thường dễ nhầm nhẫn với sốt phát ban, sốt xuất huyết. Xin hỏi BS, trong trường hợp này làm sao để nhận diện, phân biệt ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Sốt xuất huyết: Xuất hiện ban là đã hồi phục.

- Sốt phát ban: Khi xuất hiện ban sẽ hết sốt.

- Khi nói đến sởi nghĩa là ban: Khi ra ban sẽ sốt rất cao và ho rất nhiều.

Một em bé sốt vài ngày sau đó ra ban, mặt tươi hơn, chơi nhiều hơn thì không phải là sởi. Bệnh sởi khi bắt đầu ra ban sẽ tiếp tục sốt và ho rất nhiều, xuất hiện ban từ vùng đầu, mặt lan xuống chân.

4. Tại sao bệnh sởi diễn biến nhanh và nguy hiểm?

Vì sao bệnh sởi ở trẻ em có thể diễn biến nhanh và nguy hiểm, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sởi có rất nhiều biến chứng:

- Có thể làm tiêu đàm máu

- Viêm phổi

- Viêm não: Trẻ càng nhỏ và có suy dinh dưỡng sẽ càng dễ có biến chứng viêm phổi (viêm phổi của sởi rất nặng)

- Thậm chí biến chứng viêm tai: Sau này không nghe được, giảm thính lực. Các biến chứng này có thể xảy ra trong những ngày đầu hoặc sau khi hồi phục.

- Đặc biệt sởi có biến chứng rất nguy hiểm là tình trạng miễn dịch giảm xuống. Trong vòng 1 năm sau khi mắc sởi trẻ rất dễ mắc bệnh.

- Trong lúc mắc sởi trẻ không ăn được dẫn đến suy dinh dưỡng. Thậm chí suy dinh dưỡng của sởi sẽ làm trẻ còi cọc, không hồi phục được.

5. Biến chứng của sởi thường xảy ra ở độ tuổi nào?

Những biến chứng của sởi như BS đã chia sẻ thì thường xảy ra ở độ tuổi nào của trẻ thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ càng nhỏ càng dễ biến chứng. Đối với trẻ lớn và người lớn dễ có biến chứng viêm não hơn.

6. Trẻ mắc sởi khi nào thì nên đưa đến cơ sở y tế?

Khi trẻ mắc sởi, khi nào thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các dấu hiệu cần cho trẻ nhập viện:

- Khi trẻ sốt quá cao không hạ.

- Trẻ ho quá nhiều hoặc thở nhanh, khó thở.

- Co giật, li bì, lơ mơ.

7. Cần lưu ý gì trong chăm sóc và dinh dưỡng khi trẻ mắc sởi?

Khi trẻ mắc sởi, phụ huynh cần lưu ý gì trong chăm sóc và dinh dưỡng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

- Trong bệnh sởi, sai lầm của phụ huynh là cho trẻ kiêng ăn vì quan niệm bị sởi sẽ không được ăn.

- Ủ kín trẻ: Khi trẻ bị sởi sẽ sốt rất cao nếu ủ kín trẻ sẽ dễ co giật.

- Trẻ bị sởi thường biến ăn nếu phụ huynh để trẻ kiêng ăn sẽ bị suy dinh dưỡng. Phải chăm trẻ ăn, cho ăn nhiều bữa, ăn bất cứ những gì có thể ăn được để bổ sung dinh dưỡng. Nếu trẻ không ăn được cơm thì sẽ ăn cháo hoặc không ăn thì có thể uống sữa như vậy trẻ mới mau hồi phục và hết bệnh.

8. Có những biện pháp nào để phòng ngừa bệnh sởi?

Ngoài vắc xin, thì hiện nay có những biện pháp nào để phòng ngừa căn bệnh này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không có vaccine sẽ không bao giờ phòng ngừa được sởi. Vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp và khả năng lây rất cao, chỉ cần đi lướt qua đã có thể mắc bệnh sởi nếu không phòng bị.

9. Bệnh sởi có tái phát không?

Đã nhiễm sởi, có nguy cơ tái phát không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sởi chỉ bị một lần trong đời nếu đã bị sởi rồi sẽ không bị lại. Chỉ những người miễn dịch rất kém mới mắc sởi lần hai nhưng rất hiếm gặp.

10. Sau khi tiêm sởi bao lâu sẽ có kháng thể? Nếu đã tiêm vaccine sởi thì sau bao lâu chúng ta sẽ có kháng thể bảo vệ khỏi căn bệnh này thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Muốn tiêm ngừa mà không bị sởi thì phải tiêm đủ. Nếu tiêm từ 12 tháng là 2 mũi, từ 9 tháng là 3 mũi (tùy theo khoảng cách). Với một mũi sởi, bắt đầu ngày thứ 10 cơ thể chúng ta đã bắt đầu tạo ra kháng thể, tuy nhiên muốn kháng thể hoàn hảo hoặc ở vùng dịch lớn phải cần 2 tháng.

11. Có cần tiêm nhắc lại sởi không?

Trẻ nhỏ khi đã tiêm đủ 2 mũi, khi lớn lến một chút có cần phải tiêm nhắc lại hay không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tùy thuộc vào 2 mũi đó đã tiêm khi nào, nếu tiêm mũi đầu tiên lúc 9 tháng thì tính là mũi 0 và tiêm từ 12 tháng trở đi tính là mũi 1. Ở Việt Nam sẽ tiêm 1 mũi lúc 9 tháng và tiêm chủng mử rộng lúc 18 tháng. Tuy nhiên vẫn chưa đủ vì mũi 9 tháng miễn dịch rất kém, thông thường phải tiêm 3 mũi. Ở nước ngoài sẽ tiêm 2 mũi vì mũi khởi đầu của họ từ 12 - 15 tháng.

12. Thời tiết nào gây khó khăn cho việc khống chế bệnh sởi?

Hiện nay miền Nam nắng nóng, miền Bắc không khí lạnh tràn về. Thời tiết nào gây khó khăn cho việc khống chế bệnh sởi hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời tiết không liên quan đến khống chế bệnh sởi, khống chế bệnh sởi bắt buộc phải bằng vaccine. Tuy nhiên mùa đông xuân từ tháng 2 đến tháng 6 là mùa virus sởi hoạt động mạnh hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X