Bệnh nhân viêm tụy cấp nên ăn gì và kiêng gì?
Vừa qua, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa điều trị Gan-Mật-Tụy đã phối hợp cùng Khoa Dinh dưỡng, Ban Công tác xã hội thực hiện chuyên đề tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh viêm tụy cấp. Thông qua chương trình, các bác sĩ đã nhấn mạnh, một trong những cách hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh là thiết kế chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân.
Thực trạng viêm tụy cấp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, viêm tụy cấp thường do sỏi đường mật, rượu và rối loạn mỡ máu gây ra. Trong đó, nguyên nhân do rượu rất thường gặp, đặc biệt là ở nam giới. Một số nguyên nhân khác có thể gặp như ung thư tụy, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán, các bệnh lý tự miễn (viêm tụy tự miễn, viêm tụy do IgG4).
Viêm tụy cấp có nhiều triệu chứng khác nhau, tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ, thường gặp nhất là đau bụng vùng trên rốn, đau lan ra sau lưng, mạch nhanh, buồn nôn/nôn mửa, cảm giác đầy chướng bụng.
Khi người bệnh có triệu chứng định hướng tới viêm tụy cấp, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp phim cắt lớp vi tính ổ bụng. Trên xét nghiệm máu có thể thể hiện men tụy như: Amylase, Lipase tăng lên rất cao; có hình ảnh tụy to phù nề hoặc hoại tử tụy, có dịch quanh tụy trên hình ảnh cắt lớp vi tính.
Tuỳ vào tình trạng bệnh, diễn biến lâm sàng, tính chất và mức độ viêm tụy mà bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh như truyền dịch, giảm đau. Những trường hợp viêm tụy nặng phải lọc tách huyết tương, can thiệp lấy sỏi cấp cứu.
Người bệnh viêm tụy cấp nên ăn gì?
ThS.BS Nguyễn Đình Phú - Phó Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng và BS.Trần Tùng Lâm - Khoa điều trị Gan-Mật-Tụy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) giải thích, tụy là một tạng tiêu hoá đảm nhiệm chức năng tiêu hoá thức ăn, khi tụy viêm thì chức năng tiêu hoá của tụy cũng bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, tụy là tạng nằm sát với quai tá tràng, là một quai ruột trên đường đi của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, khi viêm tụy cấp vùng tá tràng thường phù nề, dẫn tới làm hẹp đường xuống của thức ăn.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như súp, cháo, sữa. Tuy nhiên, các loại thức ăn này vẫn cần chứa đầy đủ chất dinh dưỡng.
Các bác sĩ liệt kê một số thức ăn phù hợp với người bệnh viêm tụy cấp, gồm:
- Cháo trắng thường được các bác sĩ chỉ định cho người bệnh mới bắt đầu tập ăn trở lại nhằm thăm dò hệ tiêu hoá đã thực sự phục hồi hay chưa.
- Sữa hạt như sữa đậu nành, sữa từ những loại ngũ cốc ít chất béo,... là những thực phẩm dễ tiêu, rất phù hợp cho giai đoạn cấp tính.
- Các loại sữa đã thuỷ phân peptides giúp tăng khả năng hấp thu, cũng như cung cấp đủ các chất dinh dưỡng.
- Một số thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng hơn như cháo thịt xay, cháo cá, sữa động vật sẽ được chỉ định khi người bệnh hồi phục chức năng tiêu hoá. Thường người bệnh sẽ được bổ sung thuốc chứa men tụy giúp tăng khả năng tiêu hoá, hấp thu các chất.
Người bệnh lưu ý đến thời gian tập ăn. Một số nghiên cứu cho thấy ăn sớm 24-48 tiếng sau nhập viện, khi người bệnh đã có những dấu hiệu cho nhu động ruột, sẽ giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh và giảm thời gian nằm viện.
Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân viêm tụy cấp sau khi ra viện
Tụy sau khi tổn thương sẽ cần thời gian để phục hồi, trong thời gian này người bệnh nên ăn các thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, đồng thời cần chú ý tập luyện thể thao điều độ để hồi phục bệnh.
Một số loại thức ăn dễ tiêu mà bệnh nhân có thể dùng là rau củ luộc, trái cây, thịt trắng (thịt gà, cá tươi...) và các loại sữa hạt.
Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm tụy cấp cần tránh các loại thịt đỏ, các hải sản giàu đạm và những món ăn chế biến nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, cần tuyệt đối kiêng rượu bia vì đây là một trong các tác nhân dẫn tới viêm tụy cấp tái phát.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình