Bệnh nhân loãng xương cần ít nhất 3-5 năm điều trị để giảm nguy cơ gãy xương
Theo ThS.BS Hoàng Quốc Nam - Phụ trách khoa Nội Cơ Xương Khớp Bệnh viện Thống Nhất, Thư ký CLB Loãng Xương, thời gian điều trị loãng xương với đường uống kéo dài 5 năm, và đường truyền tĩnh mạch là 3 năm. Sau đó bác sĩ sẽ đánh giá lại nguy cơ gãy xương, tình trạng loãng xương để tính đến hướng điều trị tiếp theo.
TOP những nhóm tuổi cần đo loãng xương
ThS.BS Hoàng Quốc Nam - Phụ trách khoa Nội Cơ Xương Khớp Bệnh viện Thống Nhất, Thư ký CLB Loãng Xương cho biết, loãng xương là bệnh của hệ xương, chỉ xảy ra ở các xương dài. Khi loãng xương, độ cứng của xương giảm làm xương trở nên giòn và dễ gãy.
“Vấn đề đáng sợ nhất ở bệnh loãng xương là tình trạng gãy xương, vì đây chính là sự kết thúc của rất nhiều vấn đề sức khỏe, do đó việc ngăn chặn gãy xương là việc quan trọng”, chuyên gia nhấn mạnh.
ThS.BS Hoàng Quốc Nam dẫn chứng một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ loãng xương ở nhóm người từ 60-65 tuổi tại Hà Nội lên đến 30%, cứ 10 người thì có 4 người bị loãng xương. Tại TPHCM, tỷ lệ này ở nhóm người trên 70 tuổi gần 40%, trong đó có gần 40% bệnh nhân bị gãy đốt sống. Nghĩa là cứ 10 người bị loãng xương trên 70 tuổi thì có 4 người bị xẹp đốt sống. Ngoài gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi cũng là thảm họa đối với người già, đặc biệt ở giai đoạn sau 80 tuổi khi nguy cơ gãy cổ xương đùi tăng cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
ThS.BS Hoàng Quốc Nam nhấn mạnh đến 4 giai đoạn cần tiếp cận bệnh nhân loãng xương:
Giai đoạn 1: Từ khi còn bé đến trước 50 tuổi, cần quan tâm đến khối xương đỉnh. Loãng xương cần được chuẩn bị, dự phòng khi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu chứng minh nếu tăng khối lượng xương đỉnh lên 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương khi về già.
Giai đoạn 2: 50-60 tuổi, bắt đầu có biểu hiện loãng xương, chủ yếu sau mãn kinh. Giai đoạn này loãng xương thường chưa gây gãy xương nhiều, tiên lượng cao nếu tuân thủ điều trị.
Giai đoạn 3: Người cao tuổi, xương yếu và dễ gãy, nguy cơ tử vong tăng cao do các bệnh lý kèm theo và tuân thủ điều trị kém.
Giai đoạn 4: Trên 80 tuổi, chất lượng hệ xương giảm trầm trọng, nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong cao, từ đó điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Vị chuyên gia cho biết thêm, một vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là các yếu tố ảnh hưởng đến mật độ xương có thể can thiệp được như: sử dụng rượu bia, thuốc lá, thuốc chứa corticoid và các thuốc điều trị bệnh lý mạn tính khác. Trong đó khi sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính bệnh nhân phải chấp nhận đối mặt với nguy cơ loãng xương.
“Loãng xương là bệnh thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng, chỉ khi gãy xương mới phát hiện. Triệu chứng muộn của loãng xương bao gồm gãy xương (do té ngã, va chạm nhẹ…); đau lưng cấp, mạn tính do xẹp lún đốt sống; gù; giảm chiều cao; và tàn phế”, ThS.BS Hoàng Quốc Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia thông tin việc chẩn đoán loãng xương dựa vào đo mật độ xương. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm người cần đo loãng xương gồm: phụ nữ ≥ 65 tuổi và nam giới ≥ 70 tuổi; phụ nữ sau mãn kinh, tiền mãn kinh và nam giới từ 50 đến 69 tuổi có các yếu tố nguy cơ lâm sàng đối với gãy xương; người lớn bị gãy xương từ 50 tuổi trở lên; người lớn có bệnh lý hoặc đang dùng thuốc gây nguy cơ loãng xương; người nghiện rượu bia và có chỉ số khối cơ thể thấp (BMI <18).
Biến chứng loãng xương nặng có thể bộc phát bệnh nền như tim mạch, huyết áp
Chuyên gia cho biết có 3 yếu tố nguy cơ gây gãy xương gồm: mật độ xương giảm, độ tuổi cao, té ngã.
“Về điều trị loãng xương cần đảm bảo 3 yếu tố: một là tập luyện và ăn uống; hai là dùng canxi và vitamin D; ba là dùng thuốc điều trị chống hủy xương song song với canxi và vitamin D. Bộ ba này phải được phối hợp trong điều trị loãng xương thì kết quả điều trị mới thành công. Hiện nay nhiều người cho rằng đã uống thuốc điều trị loãng xương nên không cần bổ sung canxi hay chú trọng việc ăn uống, đây là quan điểm sai”, ThS.BS Hoàng Quốc Nam nhận định.
Bác sĩ thông tin, giải pháp điều trị loãng xương là phòng ngừa bằng cách chú ý chế độ dinh dưỡng, lối sống và tập luyện để tăng mật độ xương đỉnh khi còn trẻ và đề phòng té ngã ở người cao tuổi; phát hiện chẩn đoán sớm; dùng thuốc điều trị hiệu quả.
Việc điều trị các biến chứng kèm theo loãng xương nặng vô cùng quan trọng, đặc biệt khi bệnh nhân bị gãy xương các biến chứng này sẽ thường trực, tăng nguy cơ biến chứng, trong đó phổ biến là nguy cơ nhiễm trùng do bệnh nhân đau, không thể vận động gây loét, viêm phổi và nhiễm trùng.
Các biến chứng khác như đối với bệnh nhân có sẵn các bệnh lý nền tim mạch, huyết áp sẽ bùng lên, trở thành nguy cơ gây tử vong cho người bệnh.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp nội khoa dùng thuốc giảm đau; và điều trị ngoại khoa. Hiện nay Bệnh viện Thống Nhất đã có một số phương pháp điều trị loãng xương cho bệnh nhân gãy xương có hiệu quả, đặc biệt trên người cao tuổi và thành công trên rất nhiều ca.
Nhấn mạnh về thời gian điều trị loãng xương, ThS.BS Hoàng Quốc Nam thông tin rằng, đối với đường uống thời gian điều trị sẽ kéo dài 5 năm, đường truyền tĩnh mạch kéo dài 3 năm. Khi đó các bác sĩ điều trị sẽ đánh giá lại loãng xương của bệnh nhân thế nào, nguy cơ gãy xương ra sao, khi đó sẽ quyết định ngưng điều trị tạm thời hay tiếp tục điều trị hoặc chuyển sang phương pháp dùng thuốc khác.
Tóm lại, chuyên gia nhấn mạnh loãng xương là bệnh nguy hiểm, cần chú trọng phòng ngừa và điều trị kịp thời để giảm thiểu các biến chứng và nguy cơ tử vong.
Trong buổi sinh hoạt, người tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi và được chuyên gia giải đáp tận tình. Câu hỏi tại sao người loãng xương thường đau nhức vào ban đêm và giảm nhẹ vào ban ngày? được ThS.BS Hoàng Quốc Nam giải đáp, thực tế rất nhiều người bắt đầu từ giai đoạn mãn kinh, sau đó là giai đoạn từ 60 tuổi thường xuất hiện tình trạng nhức chân vào ban đêm khi ngủ, gây khó chịu. Tình trạng này lặp lại rất nhiều lần đặc biệt là những ngày mệt mỏi. Có nhiều nguyên nhân dấn đến tình trạng trên và không hoàn toàn do loãng xương. Đầu tiên là tình trạng suy tĩnh mạch sâu ở chi dưới, một số trường hợp khi đứng cả ngày, hệ thống tĩnh mạch giãn ra, các chất ứ trệ ở chân, ban đêm các chất này gây ra kích thích, cảm giác khó chịu sẽ giảm vào sáng hôm sau. Nguyên nhân thứ hai là các bệnh lý cột sống gây chèn ép thần kinh. Nếu tình trạng của người bệnh thường nhức và tê sẽ được chẩn đoán liên quan đến thần kinh cột sống. Nguyên nhân thứ ba là loãng xương, tuy nhiên vấn đề này không nhiều. Câu hỏi ở phụ nữ, độ tuổi nào bắt đầu có dấu hiệu loãng xương, và sinh con có tác động đến vấn đề loãng xương hay không? được ThS.BS Hoàng Quốc Nam trả lời, tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ cao gấp 4-5 lần so với nam giới, nghĩa là cứ 4-5 người bị loãng xương chỉ có một người là nam. Vấn đề loãng xương ở nữ giới liên quan chặt chẽ đến yếu tố nội tiết, sau khi bệnh nhân mãn kinh là giai đoạn nội tiết giảm ồ ạt, lúc này tình trạng hủy xương giảm mạnh và loãng xương xuất hiện. Tuy nhiên tình trạng loãng xương ở giai đoạn này diễn ra rất chậm, thông thường loãng xương diễn tiến nhanh nhất trong khoảng 60-65 tuổi. Vì vậy những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cần kiểm tra sớm. Bên cạnh đó, khi phụ nữ sinh nở là giai đoạn thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Trước đây khoảng 40 năm, người phụ nữ sau sinh thiếu dinh dưỡng trầm trọng, còn hiện tại, phụ nữ nuôi con được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, sữa đầy đủ, hầu như vấn đề thiếu dinh dưỡng, thiếu xương không còn phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Để đảm bảo đủ canxi cung cấp cho con và phụ nữ sau sinh, khuyến cáo các mẹ nên uống canxi khi đang mang thai, sau sinh và khi nuôi con. Các chế phẩm từ sữa hiện nay có thể hỗ trợ cung cấp canxi cho các mẹ bầu. |
Những kiến thức trên được ThS.BS Hoàng Quốc Nam chia sẻ trong bài báo cáo “Bệnh loãng xương - những điểm cần lưu ý” tại Lễ ra mắt CLB Loãng Xương Bệnh viện Thống Nhất, tổ chức ngày 24/9/2024. Đây là CLB loãng xương đầu tiên được thành lập và xây dựng tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại nhằm truyền tải các thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về căn bệnh loãng xương, hướng dẫn cách phát hiện và dự phòng loãng xương. Đồng thời sử dụng các biện pháp dinh dưỡng, thực phẩm chức năng và tập luyện để có hệ cơ xương khớp chắc khỏe, trong đó làm giảm biến chứng của loãng xương như gãy xương hoặc các biến chứng khác. Để tham dự CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất qua những thông tin sau sau: Zalo CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất: 0768 582 829 Facebook CLB Loãng xương Bệnh viện Thống Nhất Sau buổi sinh hoạt này, CLB Loãng xương sẽ tiếp tục tổ chức sinh hoạt lần 2 vào ngày 21/11/2024. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình