Bệnh nhân hôn mê nhập viện với đường huyết cao chót vót khiến bác sĩ sửng sốt
Bệnh nhân co giật, hôn mê được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Trước sự sửng sốt của y bác sĩ và người nhà, đường huyết của bệnh nhân lên cao chót vót, đo được 700mg/dL!!!
Bệnh nhân D.T.T. (56 tuổi, ở Vĩnh Long) là một trong những trường hợp hi hữu mà Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ tiếp nhận và điều trị thành công. 8 giờ sáng 29/6, ông được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, co giật.
Chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ là đột quỵ chưa xác định do xuất huyết hay nhồi máu não, bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin, rối loạn cân bằng nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, tăng huyết áp vô căn và được cấp cứu nội trú tại phòng ICU.
Sau này, vợ bệnh nhân kể lại: “Sáng hôm đó ngủ dậy thấy ổng có vẻ chậm chạp, sau đó rồi co giật, mê man. Nguyên cả xóm người ta chỉ ở bệnh viện này điều trị đột quỵ hay nè, nên tui kêu xe chở thẳng tới đây luôn”.
Bà cho biết thêm là chồng mình bị tiểu đường 22 năm rồi, cũng điều trị hàng tháng, lãnh thuốc ở bệnh viện huyện uống, khoảng 5 năm nay thì chuyển qua chích insulin và: “Ở nhà đo đường huyết chỉ hơn 200mg/dL nhưng vô tới đây không biết sao lại cao mút chỉ”.
BS Lâm Thành Luân - Khoa ICU, Bệnh viện S.I.S cho biết: bệnh nhân D.T.T. hôn mê do nhiễm toan ceton máu kèm nhồi máu cơ tim do tiền căn có bệnh mạch vành lâu ngày, đã nong stent một lần nhưng không thành công. Cả 2 tình trạng bệnh nhân gặp phải đều có tiên lượng nặng.
Bệnh nhân được điều trị bù dịch, kiểm soát đường huyết, hội chẩn cùng bác sĩ tim mạch để điều trị nhồi máu cơ tim, dùng kháng đông, chống kết tập tiểu cầu.
BS Luân nhận định: “Trường hợp này các bác sĩ gặp khó khăn do bệnh nhân nhiễm toan ceton thì phải bù dịch tích cực trong 24 giờ đầu nhưng có nhồi máu cơ tim, chức năng tim giảm, nếu bù dịch không khéo thì bệnh nhân có thể bị suy tim cấp, bác sĩ phải cố gắng cân bằng giữa 2 việc điều trị”.
Sau 6 ngày được hồi sức tích cực tại khoa ICU, bệnh nhân được chuyển qua điều trị nội khoa thêm 2 ngày rồi xuất viện.
Hôn mê do đường huyết cao chót vót 700mg/dL kèm nhồi máu cơ tim nhưng bệnh nhân đã được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cứu chữa thành công
Nhiễm toan ceton máu là một biến chứng phổ biến của đái tháo đường, gây ra một loạt các rối loạn chuyển hóa thứ phát nặng nề có thể gây tử vong. Nhiễm toan ceton xảy ra khi bệnh nhân kiểm soát đường huyết không tốt, mặc dù bệnh nhân có dùng thuốc nhưng chế độ ăn không được chú ý, ăn uống không kiêng cữ, dẫn đến đường huyết mất kiểm soát trong thời gian kéo dài rồi dẫn tới hôn mê.
[DAP] Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường: bên cạnh việc sử dụng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống cũng phải hết sức chú trọng.
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, theo dõi điều trị phải là quá trình thường xuyên liên tục. Đường huyết dao động, diễn biến liên tục theo bữa ăn trong ngày, do đó bệnh nhân cần nhận biết các mức dao động quá mức của đường huyết.
Thế nào là hạ đường huyết?
- Đường huyết < 70 mg/dL. Triệu chứng: đói, hơi mệt, run tay.
- Đường huyết hạ đến 50- 45 mg/dL. Triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, lạnh tay chân.
- Đường huyết ≤ 20 mg/dL: đo đường huyết → LO (LOW). Triệu chứng: lơ mơ, nói sảng, hoặc hôn mê.
Các biến cố tim mạch dễ xảy ra: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não
Thế nào là tăng đường huyết?
- Đường huyết đói > 7.7 mmol/L (>140 mg/dL)
- Đường huyết sau ăn 2 giờ > 10 mmol/L (> 180 mg/dL)
Báo động đường huyết > 250- 300 mg/dL (>13 mmo/L)
Triệu chứng tăng đường huyết:
- Tăng đường huyết nhẹ: triệu chứng không rõ ràng.
- Tăng đường huyết > 250- 300mg/dL: mệt, khát, tiểu nhiều, tiểu đêm, tê bì tay chân, mắt mờ…
- Tăng đường huyết > 600mg/dL: kéo dài, không điều trị, các triệu chứng trên trở nặng, có thể gặp hôn mê nhiễm toan ceton. Ở người già, không tự chăm sóc được, thường gặp hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không điều trị kịp thời, tỉ lệ tử vong cao.[/DAP]
Hồng Nhung - ảnh: Đức Thịnh
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình