Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân gánh hậu quả gì khi vùng tiểu não bị tổn thương do đột quỵ?

Tổn thương tiểu não do đột quỵ có thể làm cho bệnh nhân đi đứng khó khăn, ảnh hưởng đến các hoạt động sống hàng ngày. BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - Nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp cho bạn đọc về dấu hiệu tổn thương tiểu não và cách phục hồi.

1. Tiểu não là gì, đột quỵ tiểu não sẽ xảy ra như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Tiểu não là vùng não giúp điều phối hoạt động, giữ thăng bằng cơ thể qua hệ thống kết nối với vỏ não và các hệ thống khác.

Với chức năng như vậy, khi bị tổn thương vùng tiểu não do đột quỵ sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị rối loạn vấn đề thăng bằng và rối loạn cơ. Bệnh nhân khó đi lại và không thể thực hiện sinh hoạt lao động hàng ngày.

2. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ tiểu não?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Dấu hiệu của đột quỵ tiểu não cũng giống như các đột quỵ khác. Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy ngay là bệnh nhân đi lại khó khăn, nhưng tư thế này rất đặc biệt là đi như người say rượu, có khi bệnh nhân đi dạng chân ra, đôi lúc đi chân khép lại quá mức, tức là tư thế không bình thường. Nếu nhìn thấy người say rượu, chúng ta có thể hình dung được người bị tổn thương tiểu não.

Ngoài ra, các vận động không còn chuẩn. Ví dụ như chúng ta bảo bệnh nhân lấy thứ này, bệnh nhân đưa tay đến nhưng lại quá tầm. Hoặc mắt bị rung giật nhãn cầu.

3. Bệnh nhân sẽ gánh những hậu quả gì khi vùng tiểu não bị tổn thương?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Khi tiểu não bị đột quỵ, bệnh nhân sẽ mất thăng bằng, khó khăn trong vận động và phải phục hồi những vấn đề này.

Bệnh nhân không đi được do không giữ được thăng bằng, ngồi sẽ bị đổ ngửa ra phía sau hoặc không thể làm chủ được các động tác trong sinh hoạt, không phối hợp các động tác chính xác dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt, lao động.

Một số bệnh nhân bị tổn thương vùng này khá lâu, trong giai đoạn đầu trương lực cơ giảm, ở giai đoạn sau sức cơ dù rất tốt nhưng bệnh nhân vẫn không thể giữ thăng bằng. Đó là di chứng do đột quỵ tiểu não để lại.

4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị đột quỵ tiểu não?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Chẩn đoán tổn thương tiểu não là do bác sĩ quyết định dựa theo triệu chứng thăng bằng. Ngoài ra, bác sĩ còn xem rung giật nhãn cầu ngang hay dọc để xác định. Chúng ta cần có chẩn đoán cận lâm sàng khác như chụp CT hay MRI để xác định.

Trong giai đoạn cấp, bác sĩ sẽ quan tâm đến phục hồi chức năng cho người bệnh và tư vấn nguy cơ dẫn đến đột quỵ tái phát.

Tại Việt Nam, các bác sĩ đột quỵ làm rất tốt việc điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hoặc các phương pháp khác.

Về phần phục hồi chức năng, sẽ không giống phục hồi chức năng vận động thông thường, mà cần có các kỹ thuật tập đặc biệt mới giúp phục hồi.

5. Khi nào bệnh nhân đột quỵ tiểu não nên tập vật lý trị liệu?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Người bệnh nên tập vật lý trị liệu sớm khoảng từ 24 đến 48 giờ sau đột quỵ. Tuy nhiên, ở giai đoạn cấp bệnh nhân thường nằm nhiều nên cần phải tập nhiều và sớm hơn, bằng các tư thế nằm ngửa. Ngoài tập phục hồi tiểu não, các phương pháp tập khác vẫn cần được duy trì.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - Nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115

6. Bài tập cho bệnh nhân bị đột quỵ vùng tiểu não?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Bệnh nhân bị rối tầm, quá tầm hay thao tác không chính xác thường sẽ được tập tại phòng khám, bệnh viện hoặc có thể được bác sĩ hướng dẫn tập tại nhà.

Đối với tổn thương tiểu não, bác sĩ sẽ khám xem tầm của bệnh nhân có đúng hay không, chẳng hạn yêu cầu bệnh nhân lấy tay chỉ mũi, kể cả nhắm mắt hay mở mắt nhưng bệnh nhân tổn thương tiểu não có thể chỉ không tới hay chỉ quá mũi.

Dựa trên kiểu vận động, bác sĩ sẽ định hướng cho bệnh nhân tập. Bệnh nhân có thể tập ở tư thế mở mắt và nhắm mắt, ví dụ như bệnh nhân tập đứng thì bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân có sự hỗ trợ người nhà bên cạnh. Phía sau là ghế để họ ngồi xuống, nếu họ không giữ được tư thế thì chúng ta nên tập có sự giám sát của người nhà trong tư thế mở mắt. Dần dần, bệnh nhân sẽ phục hồi lại những gì bị mất.

Thông thường, bệnh nhân sẽ đứng lên và ngồi xuống mở mắt, nhắm mắt với sự kiểm soát của người nhà. Họ có thể giơ tay ở một tư thế khó hơn một chút, dần dần có thể tập các động tác khác tại nhà như đặt gót chân lên đầu gối. Bệnh nhân có thể làm đi làm lại nhiều lần thậm chí đổi bên, đặt gót chân lên cẳng chân một cách chính xác hoặc nâng chân lên, bẻ bàn chân ở phía dưới, đặt chân vào đúng chỗ yêu cầu nhiều lần.

Nếu bệnh nhân cố gắng làm liên tục mỗi ngày thì việc phục hồi sẽ diễn ra tốt đẹp.

7. Trong quá trình tập trị liệu, bệnh nhân cần làm gì để tránh chấn thương?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Trong quá trình tập luyện, bệnh nhân không nên tập quá sức các động tác cùng một lúc. Quá sức cùng một lúc sẽ gây mệt mỏi, quá tải, thậm chí gây đau. Đối với người bình thường, vận động một giờ là bình thường nhưng đối với người bệnh đang cố gắng vận động bên liệt, sức của họ bỏ ra rất lớn, mặc dù họ vận động rất ít, họ dễ cảm thấy mệt nhanh.

Bệnh nhân không nên tập quá nhiều, nên chia nhỏ thời gian, chẳng hạn hôm nay muốn tập 30 phút, thì tập tay 5 phút sau đó chuyển sang tập chân, bệnh nhân sẽ chịu được và thích nghi trong quá trình tập.

Đối với tiểu não cũng vậy, chúng ta có thể thay đổi vị trí từ tay đến chân, bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt hơn và không nản chí. Chúng ta nên chú ý đến bệnh nhân và chia nhỏ động tác trong ngày.

8. Bệnh nhân đột quỵ tiểu não cần lưu ý gì với chế độ dinh dưỡng?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Đối với bệnh nhân tổn thương nặng, việc ăn uống rất quan trọng. Một số bệnh nhân phải ăn qua ống thông mũi hoặc ống thông dạ dày, có lúc không đủ dinh dưỡng vì không được tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ nặng, họ cần có sự tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng.

Đối với bệnh nhân đã chủ động về ăn uống, họ sẽ không gặp vấn đề gì nhiều, chủ yếu là làm sao ăn theo chế độ của bệnh khác. Bệnh nhân bị tiểu đường, huyết áp cần ăn theo chế độ dành cho người tiểu đường, huyết áp. Hoặc bệnh nhân bị béo phì cần cố gắng giảm cân cho phù hợp.

Bệnh nhân bị đột quỵ do béo phì sẽ khó vận động, người nhà cố gắng cho giảm cân để dễ vận động, vì béo phì đôi lúc cũng gây nguy hiểm cho người bệnh. Các động tác cần được thực hiện hết sức chậm rãi, để bệnh nhân có đủ năng lượng vận động tốt nhất.

9. Lời khuyên dành cho bệnh nhân đột quỵ tiểu não

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng:

Theo quan niệm thời xưa, đột quỵ là trúng phong, trúng gió nên chúng tôi ít chia sẻ quan niệm y học cổ truyền về phòng chống đột quỵ. Tôi khuyên mọi người cố gắng tham gia hoạt động thể dục thể thao càng sớm càng tốt. Vì chúng ta ít vận động sẽ là nguy cơ dẫn đến đột quỵ sớm. Ngồi nhiều sẽ gây béo phì rất nhanh, gây rối loạn mỡ máu, tiểu đường, nên hãy cố gắng duy trì thói quen vận động. Chỉ có vận động thường xuyên, chúng ta mới tạo thành thói quen.

Các phương pháp y học cổ truyền có thể lựa chọn như tập yoga, dưỡng sinh cũng sẽ có lợi cho người có nguy cơ bị bệnh. Người chịu khó tập thể dục thể thao sẽ giảm yếu tố bệnh tật.

Theo Trọng Dy (ghi) - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X