Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, khi nào cần dùng máy tạo oxy, khi nào đến bệnh viện?

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về máy tạo oxy cũng như cách sử dụng, hướng xử trí khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng, AloBacsi đã liên hệ phỏng vấn BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã tìm mua máy tạo oxy về dự phòng, cũng như trường hợp người bệnh được điều trị tại nhà rất lo lắng khi không tìm được nơi cung cấp oxy trong điều kiện giãn cách xã hội như hiện nay.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân, với bệnh nhân mắc COVID-19, việc sử dụng oxy tại nhà chỉ là một giải pháp tạm thời trong lúc chờ đến bệnh viện điều trị. Việc sử dụng máy oxy tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên cần đặc biệt thận trọng.

“Hơn nữa, khi có máy oxy sẽ tạo tâm lý chủ quan cho người bệnh, họ yên tâm ở nhà điều trị mà không liên hệ để được trợ giúp về y tế. Song điều này không đúng, vì bệnh sẽ tiếp tục diễn tiến và mỗi bình oxy chỉ giúp bệnh nhân cầm cự tối đa 1 ngày”.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về máy tạo oxy cũng như cách sử dụng, hướng xử trí khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng, AloBacsi đã liên hệ phỏng vấn BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân.

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành Y, là chuyên gia tư vấn thân thiết của AloBacsi

1. Thưa BS, với bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà, trong trường hợp nào được chỉ định dùng máy tạo oxy?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Với bệnh nhân có SpO2 trên 95% không cần phải sử dụng máy tạo oxy, vì trường hợp này có thể tự thở. Chỉ định thở oxy là khi SpO2 dưới 95%. Chỉ số này không thay đổi theo lứa tuổi.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy tạo oxy không phải là “yếu tố” để yên tâm giữ bệnh nhân, nhất là người già. Vì vậy, song song với việc sử dụng máy tạo oxy cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện để theo dõi. Bởi khi đó, chúng ta không biết rằng trong 24 giờ sắp tới, SpO2 của bệnh nhân sẽ thay đổi ra sao.

Hay nói cách khác, máy oxy có tác dụng giúp bệnh nhân “cầm cự” trong thời gian không đủ xe cấp cứu, trường hợp không thể đến bệnh viện ngay do tình trạng bệnh quá tải.

2. Bác sĩ vừa nhắc đến chỉ số SpO2. Xin bác sĩ nói cụ thể hơn về máy SpO2 cũng như các chỉ số để bạn đọc hiểu rõ hơn ạ? Điều gì sẽ xảy ra nếu độ SpO2 quá thấp?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Chỉ số SpO2 (saturation of peripheral oxygen) là độ bão hòa oxy qua mạch máu ngoại vi (ngón tay, dái tai). Mục đích của đo chỉ số SpO2 nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh, trước khi có các dấu hiệu trên lâm sàng như tím tái.

Máy đo SpO2 cầm tay là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do COVID-19.

Máy SpO2 có sensor giúp đếm nhịp mạch qua da tay. Mặc dù độ chính xác của máy SpO2 không phải là tuyệt đối nhưng vẫn có thể giám sát được nồng độ oxy trong máu. Hiện nay, chỉ số SpO2 là tiêu chuẩn để quyết định bệnh nhân cần nhập viện hay chuyển hồi sức.

Trong đó, bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và SpO2 từ 95% trở lên thì được xếp vào nhóm nhẹ và có thể được theo dõi tại nhà, tùy theo mỗi địa phương. Những trường hợp này không có chỉ định thở oxy.

Khi bệnh nhân có nồng độ SpO2 dưới 95% được xếp vào độ 2, có thể diễn tiến đến độ 3, độ 4. Lúc này, bệnh nhân phải được chỉ định thở oxy và xem xét cho bệnh nhân nhập viện, không thể theo dõi tại nhà.

Với những bệnh nhân F0 nhẹ và không triệu chứng khi được đưa vào bệnh viện, bác sĩ cũng theo dõi và cho bệnh nhân tự đo SpO2. Nếu bệnh nhân nào có SpO2 dưới 95% thì báo ngay cho bác sĩ. Nếu bệnh nhân sốt sẽ được uống thuốc hạ sốt, ho thì uống thuốc ho và theo dõi.

SpO2 trên 90% cũng chưa khiến bệnh nhân quá khó thở. Nhưng đặc biệt cần ghi nhớ, bệnh nhân không nên để SpO2 dưới 90% mới liên hệ cơ sở y tế hoặc CDC, vì khi đó xe cấp cứu có thể không đến kịp.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý, nồng độ SpO2 là yếu tố quyết định bệnh nhân có chuyển nặng hay không, không phải tri giác của bệnh nhân. Chẳng hạn, bệnh nhân COVID-19 bị ngất nhưng SpO2 98% thì vẫn bình thường, việc ngất này có thể do nhiều nguyên nhân như nhịp tim nhanh, suy tim, thiếu máu não, huyết áp thấp...

Ngược lại, nếu bệnh nhân tỉnh táo mà SpO2 94% thì phải đưa đi bệnh viện, không được chủ quan, đợt đến khi có các dấu hiệu mới liên hệ y tế. Khi SpO2 quá thấp, khoảng 70-80%, bệnh nhân bắt đầu mê, do nồng độ oxy quá thấp, tế bào não không còn oxy. Khi SpO2 dưới 60%, bệnh nhân đã hôn mê, nếu không được thở máy kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

3. Hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn giữa máy tạo oxy và bình oxy, xin hỏi 2 loại máy này có gì khác nhau?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Bên trong bình oxy hay máy tạo oxy chứa toàn bộ là oxy. Nhìn chung 2 thiết bị này không quá khác nhau. Máy tạo oxy sẽ giúp tăng nồng độ oxy cao hơn oxy ở môi trường. Lượng oxy cao hơn nên bệnh nhân sẽ hít vào nhiều hơn. Tác dụng của bình oxy cũng chỉ tăng nồng độ oxy trong lúc thở cho bệnh nhân.

Trong khi đó, bình oxy cồng kềnh, khó vận chuyển hơn. Ngược lại, máy tạo oxy có thể đưa lên xe cấp cứu để đưa vào bệnh viện cho bệnh nhân. Máy tạo oxy phần nào giúp bệnh nhân có nồng độ oxy cao hơn bình thường, bên cạnh đó còn góp phần ổn định tâm lý. bệnh nhân đỡ hoảng loạn.

4. Sử dụng máy tạo oxy như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Cách sử dụng máy oxy khá đơn giản, chỉ cần cắm điện và đổ nước vào. Không khí đi qua nước có độ ẩm và giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Mục đích của máy là thở oxy, không phải máy giúp thở.

5. Trường hợp bệnh nhân SpO2 dưới 95%, sau khi thở oxy có phục hồi không?

BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Tác dụng của máy thở oxy là làm cho nồng độ oxy cao hơn so với không khí bình thường. Người khó thở nhẹ có thể thấy khỏe khi dùng máy thở oxy, bởi bệnh viêm phổi do COVID-19 diễn tiến từ từ nên giai đoạn đầu khi bệnh nhân được thở oxy sẽ đỡ mệt hơn. Nhưng người suy hô hấp nặng, dù có thở 10 lít vẫn không có tác dụng.

Đa phần bệnh nhân đang có dấu hiệu SpO2 tụt dần thì SpO2 sẽ từ từ giảm xuống, do đó SpO2 dưới 95% bắt buộc phải liên hệ cơ sở y tế, CDC để chuyển hồi sức. Một số bệnh nhân vẫn có thể tử vong khi dùng máy oxy.

Bệnh nhân COVID độ 4 có khả năng hồi phục hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, bệnh nền. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân nặng quá nhiều vì vậy đã có hội đồng quyết định bệnh nhân nào sẽ thở máy. Đây là việc không ai mong muốn nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh, thì đó là việc phải chấp nhận.

Cuối cùng, một lần nữa xin được nhấn mạnh với bạn đọc, người bệnh, việc sử dụng máy tạo oxy là điều cần thiết trong những trường hợp không thể chuyển viện ngay do tình trạng bệnh đang quá tải mà bệnh nhân cần oxy ngay thời điểm đó. Song song đó vẫn phải gọi cấp cứu, CDC để đưa bệnh nhân vào bệnh viện.

Khi đã cho bệnh nhân thở oxy nghĩa là can thiệp y khoa thì cần phải có nhân viên y tế, vừa giúp bệnh nhân vừa tránh để bản thân mắc bệnh. Ngoài can thiệp thở oxy, bệnh nhân còn có thể được chỉ định thuốc. Mới đây, Việt Nam đã nhập về loại thuốc đặc trị virus, đó là tín hiệu đáng mừng cho bệnh nhân COVID-19 nặng vì tỷ lệ hồi phục sẽ cao hơn.

Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Thiện Nhân đã nhận lời phỏng vấn cùng AloBacsi!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X