Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nấm phổi - “kẻ thù giấu mặt” của người bệnh suy giảm miễn dịch

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên cho biết, triệu chứng của nấm phổi (viêm phổi do nấm) thường không điển hình, khó phân biệt với các tác nhân vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác; do đó quá trình chẩn đoán và điều trị thường chậm trễ.

1. Nấm phổi là bệnh như thế nào, thường do loại nấm nào gây ra?

Vi nấm sống ở khắp nơi trong môi trường, như trong đất, nước, trên bề mặt vật dụng, trong không khí, trên bề mặt da và bên trong các khoang cơ thể người; nhưng vì kích thước nhỏ nên khó thấy bằng mắt thường.

Hình thái của nấm là những vi sinh vật có nhân, thường có dạng sợi, thành của tế bào có cấu tạo thành phần là glucid, phủ bởi vỏ kitin, hoặc bằng cellulose. Nấm nhân lên bằng bào tử hoặc sinh sản vô tính. Nấm không có rễ nên chúng bắt buộc phải sống hoại sinh hay ký sinh. Nấm thường chỉ quần cư trên da hoặc niêm mạc, chúng ít khi gây bệnh ở người khoẻ mạnh.

Tùy theo sự nhạy cảm của vật chủ và tính độc hại của mầm bệnh mà nấm có thể xâm lấn vào cơ quan gây ra các hội chứng. Khi cơ thể có những điều kiện thuận lợi như dùng nhiều kháng sinh, dùng corticoid kéo dài làm rối loạn cân bằng giữa vi khuẩn với nấm hoại sinh và nấm phát triển, có bệnh phổi cấu trúc hoặc cơ thể bị suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ghép tạng... vi nấm có điều kiện thuận lợi để phát triển và gây bệnh, thường gặp với các tác nhân như Candida, Aspergillus, Mucor, Cryptococcus.

Vi nấm cũng có thể gây bệnh khi gặp điều kiện dịch tễ thuận lợi như với các chủng vi nấm Histoplasma, Coccidioides, blastomyces hoặc Paracoccidioides.

2. Bệnh nấm phổi có dấu hiệu nhận biết không?

Triệu chứng của nhiễm nấm phổi thường không điển hình, bệnh nhân có thể biểu hiện với sốt, ho khan hoặc ho có đàm, đau ngực, khó thở tiến triển, ho ra máu, hạch to, tăng phản ứng đường thở và có thể kèm theo các biểu hiện của nhiễm vi nấm ở các cơ quan khác như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm cơ xương, mắt, thận, gan, xoang mũi... Triệu chứng có thể biểu hiện cấp tính hoặc dai dẳng kéo dài tuỳ theo tác nhân gây bệnh và cơ địa người bệnh.

3. Viêm phổi do nấm có đặc điểm khác biệt gì so với do nguyên nhân khác?

Bởi vì các triệu chứng của viêm phổi do nấm thường không điển hình, khó phân biệt với các tác nhân vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây viêm phổi khác; do đó quá trình chẩn đoán và điều trị thường chậm trễ, bệnh nhân dễ diễn tiến tới bệnh cảnh lâm sàng nặng và có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

4. Những ai có nguy cơ bị bệnh nấm phổi?

Nông dân tiếp xúc nhiều với phân hoặc nước tiểu của chim chóc, dơi, các loài động vật gặm nhấm ở vùng dịch tễ có nguy cơ cao nhiễm nấm phổi do Histoplasma hoặc những nạn nhân bị ngạt trong nước bẩn trong các đợt bão, lụt có nguy cơ nhiễm nấm lan tỏa do Pseudoallescheria boydii hoặc Scedosporium apiospermum.

Loài nấm Coccidioides lại có nhiều trong các khu vực nhiều ẩm mốc và có thể gây bệnh khi hít phải lượng nhiều.

Nấm Aspergillus có thể gây ra bệnh cảnh u nấm trên nền hang lao cũ.

Các tác nhân còn lại như Candida, Aspergillus... chủ yếu mắc bệnh do cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh phổi cấu trúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển và gây bệnh như:

  • Bệnh nhân đang hoá trị
  • Bệnh nhân ghép tạng, ghép tuỷ
  • Sử dụng các thuốc nhóm corticosteroid kéo dài hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)
  • Giảm bạch cầu hạt kéo dài
  • Rối loạn miễn dịch bẩm sinh
  • Sau cắt lách
  • Cơ địa nằm lâu, sử dụng kháng sinh phổ rộng dài ngày

5. Bệnh nấm phổi được khám, xét nghiệm như thế nào? Vì sao khó chẩn đoán?

Chẩn đoán nấm phổi cần phối hợp dữ kiện từ diễn tiến lâm sàng, biểu hiện trên hình ảnh học và kết quả xét nghiệm vi sinh.

Bạch cầu có thể tăng ở người khỏe mạnh nhiễm nấm dịch tễ, bạch cầu ái toan cũng có thể tăng, đặc biệt khi nhiễm coccidioidomycosis, tuy nhiên, dấu hiệu này cũng rất dễ nhầm lẫn với nhiễm các tác nhân vi khuẩn, ký sinh trùng khác. Giảm bạch cầu hạt có thể gặp khi nhiễm nấm cơ hội với Candida hoặc Aspergillus.

Các loại nấm Candida, Aspergillus, Scedosporium có thể phân lập được từ đàm, dịch rửa phế quản (lấy được qua nội soi phế quản) nhưng rất khó phân biệt với vi nấm cư trú không gây bệnh.

Cấy máu cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ cấy dương tính thật sự trên bệnh nhân nhiễm nấm phổi không cao, do đó rất dễ bỏ sót bệnh. Nhiều chỉ dấu miễn dịch và xét nghiệm sinh học phân tử đã ra đời, góp phần tăng khả năng chẩn đoán đúng các loại vi nấm nhưng chi phí còn cao và cần chỉ định xét nghiệm đặc hiệu cho từng loại nấm.

Sinh thiết xuyên thành qua nội soi phế quản hoặc dưới hướng dẫn CT hoặc nội soi ngực có video hỗ trợ có thể được áp dụng để lấy bệnh phẩm trong các trường hợp khó khăn chẩn đoán.

Khi có nghi ngờ trên lâm sàng, ví dụ như trên bệnh nhân có yếu tố dịch tễ hoặc cơ địa phù hợp, bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định Xquang phổi và các xét nghiệm tương ứng để tìm tác nhân vi nấm phù hợp.

6. Bệnh nấm phổi được điều trị như thế nào, có khỏi hẳn được không?

Điều trị bệnh nấm phổi chủ yếu là sử dụng thuốc kháng nấm, lựa chọn thuốc sẽ dựa trên loại vi nấm phân lập được và kết quả kháng sinh đồ.

Thuốc kháng nấm hiện nay có nhiều nhóm, bao gồm các triazole thế hệ 1,2,3 và nhóm echinocandin. Amphotericin B ngày càng ít được sử dụng và thường được dùng dưới dạng liposome để giảm độc tính. Tỷ lệ kháng thuốc nhóm azole ở nấm Aspergillus ngày càng gia tăng gây ra nhiều lo ngại. Nhóm thuốc echinodandins mới xuất hiện gần đây cho thấy hiệu quả cao, an toàn nhưng chi phí điều trị còn khá cao.

Đối với các trường hợp nấm phổi trong hang lao cũ, điều trị nội khoa hầu như không có kết quả; người ta có thể bơm amphotericin qua ống soi phế quản sợi mềm vào hang có u nấm, tuy nhiên kết quả cũng chỉ hạn chế phần nào đối với ho ra máu nhẹ. Những trường hợp ho ra máu nặng thì có thể làm bịt tắc động mạch phế quản trong khi chụp động mạch phế quản. Điều trị u nấm Aspergillus có nguy cơ cao ho ra máu chủ yếu là phẫu thuật.

7. Nếu không phát hiện và điều trị đúng thì bệnh nấm phổi có diễn tiến, biến chứng gì?

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nấm phổi có thể tiến triển gây ra biến chứng suy hô hấp cấp, nhiễm nấm lan toả toàn cơ thể (màng não, da, thận, gan, lách, thượng thận, tim mắt...), hội chứng nhiễm trùng huyết, xâm lấn vào mạch máu gây thuyên tắc, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và có thể gây đe doạ tính mạng.

Một số biến chứng khác cũng có thể gặp khi không điều trị nấm phổi kịp thời:

  • Lỗ rò khí quản - thực quản hoặc phế quản - màng phổi
  • Các triệu chứng hô hấp mạn tính
  • Xơ hoá trung thất
  • Sỏi phế quản gây tắc nghẽn đường thở
  • Viêm màng ngoài tim

8. Hình ảnh phim phổi của bệnh nấm phổi có đặc trưng gì?

Biểu hiện trên Xquang phổi ở bệnh nhân nấm phổi rất đa dạng, có thể dưới dạng những đám mờ, nốt mờ, đông đặc, tạo hang hoặc tràn dịch màng phổi.

Các vi nấm dịch tễ có thể gây hạch trung thất to một bên hoặc hai bên.

Ở người nhiễm Aspergillus có giảm bạch cầu hạt, các nốt phổi bao quanh bởi hình ảnh kính mờ được gọi là “halo sign” khá thường gặp. Trên cơ địa có di chứng hang lao cũ có thể dưới dạng u nấm bên trong hang lao (hình lục lạc). Bệnh nấm phổi trên người suy giảm miễn dịch có thể biểu hiện dưới dạng tổn thương hạt kê lan toả.

alobacsi nấm phổi AspergillusBên trái là hình ảnh “halo sign” của bệnh nhân nhiễm nấm Aspergillus có giảm bạch cầu hạt. Bên phải là hình ảnh “lục lạc” ở bệnh nhân này trong giai đoạn hồi phục - Ảnh chụp CT, nguồn: Clin Infect Dis. 2011;52(9):1144.

9. Bệnh nấm phổi có dễ tái phát không?

Tương tự như các bệnh lý nhiễm trùng khác, nấm phổi có thể tái phát nếu không điều trị đúng mức, không đủ thời gian hoặc khi người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong điều kiện thuận lợi. Nếu điều trị đúng và đủ, bệnh thường hiếm khi tái phát.

10. Làm sao để phòng tránh bệnh nấm phổi?

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là tránh các yếu tố nguy cơ gây ra suy giảm miễn dịch, giữ gìn sức khoẻ để tăng cường sức đề kháng, tránh khói bụi, nấm mốc, khu vực ẩm thấp, tránh tiếp xúc với chất thải của động vật gặm nhấm, dơi, chim chóc.

Nếu phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ghép tạng, bệnh nhân được khuyên nên tránh các hoạt động dễ nhiễm khuẩn (làm vườn, lau dọn...). Nên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, tránh các thực phẩm bẩn hoặc bảo quản không đúng cách.

Hoá dự phòng có thể được chỉ định trên các cơ địa nguy cơ cao bởi bác sĩ chuyên khoa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X