Bệnh lý về máu: Hậu quả nghiêm trọng nếu phát hiện muộn
Bệnh về máu rất phức tạp. Với ững bệnh lý ác tính, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng.
BS Thanh Thanh, Phó khoa Huyết học BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh lý máu ác tính gồm có ung thư máu (mãn tính, cấp tính), ung thư hạch và đa u tủy.
Ung thư máu cấp tính hay dân gian còn gọi là bệnh bạch cầu, bệnh máu trắng.
Biểu hiện của người mắc bệnh này là sốt, thiếu máu, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, máu cam, thậm chí đi tiểu ra máu. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ bị các tổn thương như gan, lách, hạch to, sùi nướu răng. Các tế bào ác tính có thể di căn vào não, gây tử vong. Theo bác sĩ Thanh, bệnh nhân bị bệnh máu trắng thường được hóa trị, có thể ghép tủy. 90% bệnh nhân mắc bệnh có đột biến về nhiễm sắc thể, khả năng sống sót hai năm sau điều trị là 50%.
Ung thư máu dạng mạn tính với biểu hiện đa hồng cầu, bạch cầu mạn tính dòng tủy, tăng tiểu cầu tiền phát. Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, liệt nửa người, da đỏ, tắc mạch chi. Việc điều trị ung thư máu mạn tính đơn giản hơn. Bệnh nhân sẽ uống thuốc mỗi ngày, theo dõi, tái khám mỗi tháng/lần. Nếu tuân thủ điều trị tốt, bệnh nhân có thể sống từ 5 - 10 năm.
Ung thư hạch (lymphoma) với biểu hiện hạch to, nhiều hạch toàn thân. Các hạch này sẽ gây chèn ép các cơ quan khác. Bệnh nhân sẽ được hóa trị, nếu không đáp ứng sẽ kết hợp với xạ trị.
Thông thường, 60% bệnh nhân ung thư hạch đáp ứng với hóa trị. 60% bệnh nhân sau điều trị sẽ sống được từ 5 năm.
Đa u tủy với biểu hiện đau nhức xương dữ dội hoặc suy thận, thiếu máu. Phương pháp điều trị bệnh này là hóa trị để diệt tế bào ác tính và ghép tủy. Tùy từng giai đoạn bệnh sẽ đáp ứng với điều trị mỗi khác. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị sẽ sống trên 5 năm. Bệnh đa u tủy thường gặp ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi chiếm 70%).
Người bị ung thư máu rất dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Những bệnh nhân này nên tránh tiếp xúc với đám đông hay những người đang bị cảm cúm hoặc đang bị một bệnh nhiễm trùng nào đó.
Những phương pháp điều trị bệnh ung thư máu như hóa trị, xạ trị, ghép tủy có nhiều mặt tích cực nhưng cũng có tác dụng phụ.
Hóa trị, tức dùng thuốc để trị liệu. Thông thường thuốc chống ung thư sẽ tác động lên các tế bào đang trong giai đoạn phân chia (tế bào ung thư phân chia nhiều hơn tế bào bình thường). Dù vậy, ít nhiều khi dùng thuốc, một số tế bào bình thường cũng bị phá hủy. Các tế bào dễ bị thuốc phá hủy nhất bao gồm tế bào máu, tế bào ở gốc lông, tóc hoặc ở đường tiêu hóa. Bệnh nhân ung thư đang hóa trị, sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng, chảy máu. Đa số các tác dụng phụ sẽ hết dần trong giai đoạn hồi phục giữa các đợt điều trị và sau khi ngưng điều trị.
Xạ trị, tức là đưa tia phóng xạ vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Tác dụng phụ của xạ trị làm bệnh nhân mỏi mệt, chán ăn. Nếu xạ trị ở vùng đầu bệnh nhân sẽ rụng tóc, xạ trị ở tinh hoàn có thể mất khả năng có con…
Có thể kết hợp hóa trị, xạ trị với cấy ghép tế bào gốc, giúp cải thiện cơ hội chữa bệnh đối với một số bệnh nhân ung thư máu. Tuy nhiên, phương pháp cấy ghép tế bào gốc cũng có các rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu…
Bác sĩ Thanh khuyên, khi có các triệu chứng như thiếu máu, hạch to, đau nhức xương, xuất huyết dưới da hãy đi khám ngay. Đặc biệt, không tự mua thuốc điều trị, bởi việc đó sẽ làm chậm trễ thời gian chữa bệnh. Đối với các bệnh máu ác tính, chữa càng sớm càng tốt, bởi khi đó các tế bào ung thư chưa di căn nhiều, ít gây tổn thương cho cơ thể.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình