Bé trai ở Hà Nội mọc lông khắp người vì uống thuốc gia truyền để tăng cân
Ngày 11/11/2024, Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi kém ăn, chậm tăng cân và được gia đình cho uống thuốc Đông y suốt 3 tháng, dẫn đến tình trạng mọc lông bất thường.
Bé H.Đ.H. có tình trạng kém ăn, chậm tăng cân từ nhỏ. Mặc dù đã áp dụng nhiều phương pháp nhưng không đem lại hiệu quả. Được bạn bè giới thiệu, mẹ bé H. tự tìm mua thuốc Đông y gia truyền với mong muốn hỗ trợ tăng cân cho con.
Sử dụng ròng rã suốt 3 tháng, bé H. tăng được khoảng 0,5kg. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, toàn thân cháu xuất hiện tình trạng mọc lông bất thường, đặc biệt ở các vùng mặt, vai, cánh tay, lưng và chân. Ngoài ra, da của trẻ cũng sạm hơn, mặt tròn hơn.
Thấy con có những dấu hiệu bất thường, gia đình đưa cháu tới Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ (Hà Nội) để kiểm tra. Tại đây, sau khi tiến hành khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán.
Đặc biệt, kết quả định lượng cortisol (hormone tuyến thượng thận) trong máu lúc 9h sáng của bé giảm thấp xuống mức 56,9 nmol/L (mức bình thường: 140 - 700 nmol/L). Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận do thuốc, được kê đơn điều trị ngoại trú và hẹn lịch tái khám.
Cảnh báo tác dụng phụ từ các chế phẩm corticoid liều cao
ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ cho biết, cortisol là một hormone do tuyến thượng thận tiết ra, có tác dụng điều hòa chuyển hóa đường trong cơ thể và chống lại các stress.
Corticoid là một chất kháng viêm mạnh, thường có trong thành phần của nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lý như thuốc nhỏ, xịt trong tai mũi họng; thuốc bôi trong da liễu; thuốc uống chống viêm và các thuốc không có nguồn gốc rõ ràng với quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, tăng cân.
Việc sử dụng các chế phẩm corticoid liều cao, kéo dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ trên nhiều hệ cơ quan khác nhau:
- Toàn thân: Phù, tăng huyết áp.
- Chuyển hóa: Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
- Da: Tăng nguy cơ nhiễm trùng da, mỏng da, rạn da, dễ bầm tím, mụn trứng cá.
- Mỡ: Rối loạn phân bố mỡ gây nên kiểu hình Cushing: Mặt tròn như mặt trăng, béo trung tâm, bướu lưng trâu, chi teo.
- Cơ, xương: Teo cơ, loãng xương, chậm phát triển ở trẻ em.
- Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Miễn dịch: Suy giảm miễn dịch nên dễ nhiễm trùng cơ hội, giảm hiệu quả và tăng nguy cơ của vaccine.
- Thần kinh: Thèm ăn, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
- Mắt: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
- Thượng thận: Khi dừng đột ngột có thể gây ra tình trạng suy thượng thận cấp là 1 tình trạng cấp cứu có khả năng tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Ở nước ta, một số đông người dân, trong đó có các bậc phụ huynh thường có thói quen tự mua thuốc tại quầy thuốc để điều trị tại nhà và không theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Chính vì vậy tình trạng nhập viện vì biến chứng do sử dụng corticoid khá cao.
ThS.BS Ngô Thị Cam khuyến cáo, người dân cần hết sức lưu ý với các sản phẩm thuốc gắn mác thuốc Đông y với tác dụng tăng cân, trị biếng ăn, giảm nhanh các triệu chứng viêm họng, ho, viêm da, giảm đau, sưng khớp… bởi chúng có thể bị trộn lẫn corticoid.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình