Hotline 24/7
08983-08983

Ăn gạo lứt đúng cách để giảm cân, tốt cho sức khỏe

Mặc dù gạo lứt có nhiều công dụng như giảm cân, ngăn ngừa tiểu đường, thanh lọc cơ thể nhưng mỗi tuần chỉ nên ăn 2-3 lần như một loại thực phẩm chức năng. Nếu ăn lâu dài sẽ gây tình trạng nặng bụng, khó tiêu.

Gạo lứt là gì, khác biệt thế nào với gạo trắng?


Gạo lứt là gạo chỉ trải qua quá trình xay tróc vỏ trấu mà không tác động nhiều đến phôi và lớp cám của gạo. Lớp vỏ trấu có thể được bóc bằng máy, xay giã thủ công, do đó hạt gạo lứt có màu sậm hơn, có màu nâu, màu hung đỏ hoặc tía. Công đoạn xát trắng tiếp theo sẽ bỏ đi phôi và lớp cám, cho ra hạt gạo trắng mà chúng ta vẫn thường ăn. Như vậy, sự khác biệt giữa gạo lứt và gạo trắng là ở mức độ xay xát chứ không phải ở màu sắc của hạt gạo.

Gạo lứt có chỉ số đường huyết là 55, thấp hơn của gạo trắng là 70, do đó ăn gạo lứt có thể giảm bớt nguy cơ bị tiểu đường. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Công dụng của gạo lứt


Gạo lứt được ví như “hạt của sự sống” bởi việc giữ lại được lớp vỏ cám và phôi giúp nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đó là vitamin nhóm B (B1, B2, B2, B6…), vitamin E… và dãy dài các nguyên tố khoáng magie, kali, mangan, selen và kẽm, cùng với chất xơ. Do đó, ăn gạo lứt giúp phòng ngừa và hỗ trợ trong việc điều trị bệnh.

Chẳng hạn như, lớp cùi của gạo lứt có trên 120 chất kháng ôxy hóa, có thể bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị xâm hại bởi các gốc tự do. Các chất kháng ôxy hóa được coi như là những người lính bảo vệ tế bào của cơ thể. Chúng “lấy đi viên đạn” khi tế bào cơ thể bị gốc tự do tấn công, do đó tế bào tránh được sự hư hại. Các chất kháng oxy hóa mạnh ở trong lớp cùi của gạo lứt như CoQ10, acid alpha-lipoic, các proanthocyanidin oligomic, SOD, các tocopherol và tocotrienol, IP6, glutathione, carotenoid, selen, các phytosterol, gamma-oryzanol, lutein và lycopene đều đã giúp cho cơ thể phòng chống và giảm rủi ro đối với các bệnh như béo phì, tăng huyết áp...

Các chuyên gia về sức khỏe cũng khuyên rằng nếu bớt đi 30% lượng cơm mỗi ngày thay thế bằng gạo lứt sẽ giảm 17% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Số liệu này dựa trên báo cáo của Viện ung thư Hoa Kỳ (AICR) và tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho thấy ăn ngũ cốc nguyên hạt hàng ngày, chẳng hạn như gạo lứt hoặc bánh mì nguyên hạt giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ăn nhiều hơn thì tỉ lệ phòng ngừa bệnh càng cao hơn.

Bên cạnh đó, gạo lứt có chỉ số đường huyết là 55, thấp hơn của gạo trắng là 70, do đó ăn gạo lứt có thể giảm bớt nguy cơ bị tiểu đường. Với những người đã bị tiểu đường, gạo lứt giúp hạn chế việc tăng đường huyết đột ngột do quá trình tiêu hóa và giải phóng glucose diễn ra chậm hơn.

Các chất khoáng, chất xơ và chất béo trong gạo lứt đảm bảo bạn có một quá trình chuyển hóa tốt nhất, hỗ trợ phòng chống các bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch và béo phì. Khoa học hiện đại cũng cho rằng việc ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột.

Ngoài ra, các hợp chất trong gạo lứt còn có tác dụng giải độc. Acid alpha Lipioc là một tác nhân rất tốt nhằm tinh lọc gan khỏi bị ngộ độc bởi các chất hóa học. Các bác sĩ người Đức đã sử dụng acid alpha lipoic ngay từ những năm 1960 để điều trị bệnh xơ gan. Sau đó việc điều trị đã được mở rộng thêm đối với việc ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc do nấm độc và các bệnh liên quan đến oxygen.

Gạo lứt ăn rất cứng, nên cần phải ngâm trước khi nấu, thời gian thường là 10-36 giờ tùy loại gạo. Khi nấu gạo lứt cũng phải cho nhiều nước hơn nấu gạo trắng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Giảm cân bằng gạo lứt


Vào mỗi buổi sáng, chỉ cần bạn uống một ly sữa gạo lứt sẽ giúp cung cấp cho bạn đầy đủ năng lượng và đốt cháy mỡ hiệu quả. Không những thế, loại thức uống này còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, kích thích tiêu hoá, cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng giúp bạn khoẻ đẹp mỗi ngày.

Cách làm sữa gạo lứt rất đơn giản. Nguyên liệu bao gồm: 1 chén gạo lức nguyên hạt, 8 ly nước, 2 muỗng bột hoa hướng dương, 4 muỗng mật ong.

Đầu tiên, bạn cần ninh gạo lứt chín, đậy nắp, trong hai giờ. Khi chín, để nguội và chắt nước ra. Dùng máy xay để trộn nước gạo thành một loại kem lỏng. Trộn càng lâu càng tốt cho tới khi nào hơi đặc sệt thì được. Thêm bột hoa hướng dương và mật ong, sau đó trộn lên.

Cho vào trong lọ hoặc chai lọ có nắp đậy kín. Cách này sẽ giúp nó giữ lâu hơn. Dùng đều đặn có thể giữ tới 2-3 ngày.

Ngoài ra, nếu bạn không muốn sữa gạo lứt thì có thể giảm cân bằng gạo lứt rang. Đầu tiên, bạn dùng gạo lứt nấu cơm như bình thường, sau đó sấy hoặc đem phơi khô. Nếu phơi thì khoảng ba, bốn nắng là vừa tầm. Sau khi phơi, đem cơm gạo lứt đi rang cho giòn và đổ vào xoong gang đậy kỹ cho giòn. Khoảng 30 phút sau, cho vào một ít muối hạt mịn, khi gạo nguội hẳn, chỉ rây lấy gạo, bỏ muối.

Lưu ý khi ăn gạo lứt


Dùng gạo lứt chỉ tốt khi gạo sạch, tức là không chứa tồn dư chất hóa học. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Không thể phủ nhận được những lợi ích của gạo lứt, tuy nhiên chúng ta nên sử dụng gạo lứt ở việc hỗ trợ phòng bệnh. Cần phải hiểu rằng gạo lứt cũng như gạo bình thường, chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng. Do đó, không nên chỉ ăn gạo lứt không thôi. Khi ăn cũng cần đảm bảo lượng gạo cung cấp sao cho đủ tỷ lệ năng lượng nhất định, chứ không phải ăn càng nhiều càng tốt. Nếu một bữa ăn ta ăn được bao nhiêu bát cơm thì cũng chỉ cần tính đủ lượng gạo lứt tương đương để có được lượng cơm như vậy.

Vì nếu chỉ ăn một loại thực phẩm trong thời gian dài sẽ rối loạn biến dưỡng và suy yếu sức đề kháng vì gạo lứt tuy giàu vitamin và khoáng chất nhưng không chứa chất đạm và chất béo. Do đó vẫn cần bổ sung các nhóm thực phẩm khác giàu protit, lipit hoặc nhóm thức ăn rau củ quả khác để cung cấp cho cơ thể đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Chúng ta chỉ nên ăn gạo lứt 2-3 lần/tuần bởi dùng thường xuyên không mang nhiều lại lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng. Khi ăn, bạn phải nhai thật kỹ cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ gây ra chứng khó tiêu.

Với người già, trẻ em, người bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… nếu ăn gạo lứt - muối mè nên kết hợp với một số loại thực phẩm khác để đảm bảo năng lượng cho cơ thể.

Giống như các loại thực phẩm khác, việc dùng gạo lứt chỉ tốt khi gạo sạch, tức là không chứa tồn dư chất hóa học. Vì vậy, chỉ nên ăn gạo còn mới bán nơi có địa chỉ uy tín, nên chọn loại được bảo quản trong bao bì hút chân không hoặc giấy bạc, tránh để gạo tiếp xúc trực tiếp với nắng, môi trường.

Ngoài ra, Vitamin B1 dễ hòa tan trong nước, nên trong quá trình sử dụng nếu ngâm quá lâu hoặc vo gạo kỹ, lượng vitamin đó sẽ không còn. Trong quá trình nấu, nếu mở vung, vitamin sẽ bay hết.

Ngoài ra, gạo lứt ăn rất cứng, nên cần phải ngâm trước khi nấu, thời gian thường là 10-36 giờ tùy loại gạo. Khi nấu gạo lứt cũng phải cho nhiều nước hơn nấu gạo trắng. Thời gian nấu lâu hơn, người sử dụng phải nhai từ từ, không thể ăn nhanh nên tiêu thụ ít hơn, cảm giác no lâu hơn.

H.T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X